Tà Kơn - Bức vách đá tuyệt đẹp giữa rừng Vĩnh Thạnh
Nghe câu chuyện về 'thành đá cổ giữa rừng Tà Kơn' của những người bạn ở Qui Nhơn, tôi bị hấp dẫn và lập kế hoạch phải khám phá nó.
Được sự trợ giúp bằng các hướng dẫn đường đi được đánh dấu bằng các điểm tọa độ của các bạn đã đi từ trước, chúng tôi hăm hở lên đường.
Vĩnh Thạnh là huyện vùng núi phía Tây tỉnh Bình Định, trung tâm huyện lỵ nằm cách Qui Nhơn khoảng 80km, chếch về phía Tây Bắc, là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, trong đó gần 72% là người Kinh.
Từ những chỉ dẫn bằng các tọa độ GPS…
Từ thành phố Qui Nhơn, tôi cùng một người bạn, mỗi người một xe máy nhắm đường lên Vĩnh Thạnh. Rời Qui Nhơn rẽ vào QL19 chạy khoảng 60km thì rẽ phải vào đường ĐT637 đi thị trấn Vĩnh Thạnh. Ăn trưa qua loa tại thị trấn Vĩnh Thạnh, chúng tôi lại vội vã lên đường, vì còn hơn 40km đường đèo dốc băng rừng mới lên tới Vĩnh Sơn, nơi có “thành đá cổ” Tà Kơn. Dọc theo đường 637 xuyên thị trấn, vừa qua khỏi đồi Lâm Viên bên tay phải, chúng tôi rẽ trái vào con đường bê tông nhỏ, mải miết chạy.
Con đường nhỏ uốn lượn theo các vách núi đá trơ trọi, với những con dốc ngút ngàn, gần như không một bóng người. Khung cảnh bên đường tuyệt đẹp, ngoài những con dốc khủng, có nhiều đoạn, con đường luồn qua những mảng rừng già xanh mát, thỉnh thoảng cũng có một vài cụm dân cư nhỏ xíu ven đường. Tuy nhiên do lo ngại những cơn mưa bất chợt về chiều trên vùng cao, nên chúng tôi cắm cúi lo chạy lên Vĩnh Sơn sớm, để tới thành đá, rồi lúc về mới thư thả chụp ảnh dọc đường.
Mặc dù được sự tham vấn khá kỹ của một số người bạn ở Qui Nhơn đã từng đi trước, chúng tôi vẫn loay hoay lạc lối ở Vĩnh Sơn, bởi đơn giản là ở đó quá thưa vắng dân cư, nên rất khó định vị những lối rẽ quan trọng. Loay hoay một hồi, chúng tôi mò tới một ngọn thác Cạn – thác Dơi, nơi mà chắc chắn vào mùa nước sẽ là một ngọn thác kỳ vỹ.
Thác Dơi, cao khoảng 30 mét, mùa nước chắc hẳn sẽ rất đẹp.
Rời thác Dơi, lui tới một hồi, chúng tôi tìm được lối rẽ vào thành đá. “Thành đá” nằm trong rừng, cách đường khoảng 4km, và lối rẽ vào không có một thông tin chỉ dẫn nào, chỉ là một con đường đất rẽ vào rừng.
…đến cuộc vật lộn với con đường đất trơn trượt giữa rừng Vĩnh Thạnh
“Con đường” phủ đầy lá mục, chỉ rộng chừng 0.8 mét, lên dốc xuống dốc chóng mặt. Quả thực nếu chỉ có một mình, điều tôi làm sẽ là tìm một người địa phương để nhờ họ dẫn vào. Nhưng bạn đường của tôi là một thanh niên trẻ măng rất ưa khám phá, cả hai đều có chút kinh nghiệm đi rừng, nên chúng tôi tự tin chạy thẳng vào rừng. Đúng là sau 4km mò mẫm, bất ngờ “thành đá Tà Kơn” hiện ra.
Bia “Di tích lịch sử và thắng cảnh Tà Kơn” dựng ngay lối đi nhỏ hẹp.
Theo ngôn ngữ của người Bahna, “Tà Kơn” có nghĩa là “chồng lên nhau”. Ban đầu tôi cứ ngỡ đây là di tích một tòa thành cổ bằng đá, nhưng có lẽ chữ “thành” ở đây mang ý nghĩa của vách đá thì hợp lý hơn.
“Thành đá” là những khối đá hình lăng trụ xếp chồng lên nhau. Cổ thụ phủ bộ rễ lên bức tường đá như ở đền Ta Prohm bên Siem Reap.
Bức tường đá còn lại dài khoảng hơn trăm mét, dốc theo triền núi.
Rừng chiều âm u, thoắt đang nắng đã đổ mưa ào ào. Không có chỗ trú mưa, chúng tôi vội vã lên xe trở ra. Mưa xuống, đường đất trơn như đổ mỡ, đoạn đường bằng một chút thì xe lạng bên này bên kia như đánh võng. Dốc xuống thì bỏ xe nhảy ra là… liên tục, còn dốc lên thì hai người vật lộn đẩy từng chiếc xe vượt dốc.
Người kéo ga dắt xe phía trước còn đỡ, người đẩy phía sau thì bùn (do bánh xe quay tít) kẻ một đường từ chân lên đầu. Cũng may chỉ có 4km, và cả hai đều quen với cảnh vật lộn cứu xe thế này trong những chuyến đi.
Phong cảnh ấn tượng dọc hành trình
Trở ra tới đường lớn đã hơn 16g, người vừa ướt vừa bẩn nên chúng tôi quyết định quay trở về. Lúc này thì lại thoải mái chụp ảnh trên đường đi.
Cụm dân cư Đăk Xung, lớn nhất dọc đường gần hồ thủy điện Trà Xom.
Đường xuyên vách đá.
Một cụm dân cư nhỏ tuyệt đẹp trong nắng cuối chiều.
Cơn mưa rừng bất chợt đã làm hỏng một phần chuyến đi, nhưng chúng tôi không hề tiếc, vì được khám phá những phong cảnh tuyệt đẹp của núi rừng Vĩnh Thạnh. Chỉ có điều, nếu thu xếp trở lại thành đá Tà Kơn, nhất định nếu vào mùa mưa, sẽ khóa xe để ngoài cửa rừng – như những người bạn của tôi đi trước đó đã làm – để đỡ vất vả “bưng bê” xe ra.