Ta lại xây Hà Nội của ta

Thủ đô nước Việt từng nhiều lần bị ngoại bang chiếm đóng, từng nhiều lần khói lửa ngút trời, gạch tan ngói vỡ... Sau mỗi đận binh lửa, lại 'cởi súng lau mồ hôi trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta'…

Từ ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hà Nội cùng quân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, để lại phía sau lưng Thủ đô nghi ngút lửa cháy.

Đầu tháng 3 năm 1947, Trung đoàn Thủ đô sau tháng ngày chiến đấu can trường cầm chân giặc Pháp, rời Hà Nội lên an toàn khu. Ngay ngày đầu, họ đã ấp ủ khát vọng trở về. Chính Hữu, nhà thơ, người lính Trung đoàn quyết tử cho Tổ quốc quyết sinhNgày về:

Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu

Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội…

Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về, trở về, chiếm lại quê hương…

Trở về Hà Nội, giành lại Thủ đô là niềm mơ, là khát vọng, hơn thế, là ý chí, niềm tin sắt son của mỗi người đi kháng chiến, đặc biệt với người Hà Nội.

Trong khoảng gần một nghìn năm thăng trầm lịch sử, Thủ đô nước Việt từng nhiều lần bị đội quân xâm lược ngoại bang chiếm đóng.

Lâu dài và nhiều tang thương là thời kỳ giặc nhà Minh, tới 20 năm, từ 1407 đến 1427. Thâm độc và ngạo mạn, chúng đổi tên Thăng Long thành Đông Quan và biến nước ta thành quận huyện! Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do người anh hùng xuất thân điền chủ Lê Lợi lãnh đạo, sau 10 năm nếm mật nằm gai đã đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông, tống tiễn kẻ thù cùng bộ máy cai trị của chúng về nước.

Trong khoảng 30 năm, từ 1258 đến 1288, đế quốc Nguyên – Mông 3 lần đưa quân xâm lược nước ta, 3 lần vó ngựa giặc phương Bắc dẫm xéo đất Thăng Long. Hào khí Đông A triều Trần cố kết sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhanh chóng tống khứ kẻ thù, giành lại Thăng Long. Cuộc chiến dài lâu nhất giành lại Kinh thành là hơn 3 tháng; cuộc chiến ngắn nhất là 11 ngày.

Đội quân xâm lược nhà Thanh hùng hổ xâm lăng Đại Việt. Chúng chiếm Thăng Long đúng 1 tháng 14 ngày, từ 16/12/1788 đến 30/01/1789. Đoàn quân do vị Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy trong thoáng chốc vùi dập 20 vạn quân Thanh khiến chúng không còn nguyên mảnh giáp, với mốc son trận đại thắng Đống Đa ngày mùng 5 Tết năm Kỷ Dậu- 1789.

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa Hà Nội.

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa Hà Nội.

Hà Nội được Hồ Chí Minh và đoàn quân Việt Minh chọn là đích đến và là điểm về trong cuộc cách mạng tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945. Hơn 1 năm sau đó, ngày 9 tháng 11 năm 1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Hiến pháp, từ đây Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam mới.

Kể từ sau ngày toàn quốc kháng chiến, Thủ đô Hà Nội tạm thời bị thực dân xâm lược Pháp chiếm đóng. Tính ra đằng đẵng 8 năm trời. Cuối cùng, bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh đã đập tan tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất của đội quân viễn chinh Pháp, buộc họ phải đầu hàng, ký kết Hiệp định Giơnever. Việt Nam cùng toàn cõi Đông Dương được giải phóng. Ngày 10/10/1954, sau 8 năm Chính phủ Cụ Hồ cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô

Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là Thủ đô nước Việt, một phần quan trọng của lịch sử dân tộc. Nơi hội tụ tinh hoa, kết tinh các giá trị tinh thần, là biểu tượng của phẩm giá, niềm tin, lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Người con xứ Đàng Trong, chiến sỹ - thi sỹ Huỳnh Văn Nghệ thời chín năm đánh Pháp rong ruổi chiến trường Nam bộ mà khắc khoải ngóng mong:

Ai về xứ Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Tự độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Vì xứ Bắc, nơi đó là Hà Nội -Thăng Long - Thủ đô, chốn linh, cõi thiêng.

Như một lời nguyền từ thăm thẳm Cao Xanh, bất kỳ đội quân xâm lược nào đặt chân đến Thủ đô nước Việt, phạm đến chốn linh cõi thiêng, sớm muộn chúng sẽ thất bại.

Đó chính là niềm tin, là nguồn năng lượng tạo nên những dự cảm về ngày chiến thắng, ngày trở về giành lại Thủ đô ngay cả khi cuộc kháng chiến mới bước vào tháng đầu, năm đầu.

Với người Việt Nam, đặc biệt với người Hà Nội, không phải Hà Nội đi kháng chiến, mà Thủ đô đi kháng chiến; gian khổ hy sinh chiến đấu đến thắng lợi để trở về giành lại Thủ đô. Giữa Việt Bắc rừng xanh núi đỏ, bom đạn đầy trời vẫn phơi phới Thủ đô Gió Ngàn. Nhà thơ Hoài Anh từng Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến với mối liên tưởng cực kỳ lãng mạn: Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô.

Đầu năm 1949, khi cuộc kháng chiến còn đang giai đoạn cầm cự đầy cam go, Văn Cao, người nhạc sỹ tài danh từng soạn Tiến quân ca – Quốc ca nước Việt, đã nghĩ về ngày tổng phản công giành thắng lợi cuối cùng và viết nên ca khúc Tiến về Hà Nội. Trong cái không gian nghẹt thở của cuộc chiến tranh, người nghệ sỹ - chiến sỹ thăng hoa xuất thần, biến giấc mơ thành dự cảm lạ kỳ. 5 năm sau, những gì là giấc mơ, là dự cảm, đã thành hiện thực, thứ hiện thực sinh động, rành rẽ mà lãng mạn, hùng tráng mà trữ tình:Trùng trùng quân đi như sóng / Lớp lớp đoàn quân tiến về /Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng / Cờ ngày nào tung bay trên phố

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về / Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào

Văn Cao không sinh ra trên đất Hà Nội, nhưng đã là người Thăng Long - Hà Nội, một người Hà Nội tài hoa và mẫn cảm. Dường như người nghệ sỹ cảm nhận được sự mách bảo từ tiền nhân, từ mạch nguồn lịch sử, về một ngày Lớp lớp đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô lúc quân thù đầu hàng. Chỉ Văn Cao, một người Hà Nội tài hoa và mẫn cảm, mới có dự cảm kỳ tài vể cách chúng ta giành lại Thủ đô: Đậm chất hào hoa, cực kỳ hào sảng, không trùng lặp với cách của ông cha triều đại trước!

Nguyễn Đình Thi, người con của Hà Nội, tác giả của nhạc phẩm Người Hà Nội, của thi phẩm Đất nước, Ngày về…

Ngày về ra đời cuối năm 1954, với nhiều cung bậc cảm xúc. Vừa ngân lên khúc vui: Ta lại về đây, Hà Nội ơi, đã lại khúc trầm: Nằm lại những chân rừng đầu núi/ Hôm nay bao đồng chí đâu rồi …Và điềm tĩnh đến lạnh lùng: Cởi súng lau mồ hôi trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta.

Đã 70 năm Ta lại xây Hà Nội của ta.

70 năm ấy, mất 20 năm Thủ đô mà Nửa công trường nửa chiến trường, xôn xao…, cùng những tháng ngày thiên tai bão lũ, những năm dài lề quen thói cũ giăng mắc bủa vây, thành ra ước mơ Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn nhiều phần chưa toàn vẹn.

Này là lúc Ta lại xây Hà Nội của ta, Hà Nội Thủ đô ta, để thỏa lòng dân, để mát dạ người đồng chí nằm lại những chân rừng đầu núi, để xứng với mong mỏi của tiền nhân.

Ngày đoàn quân chiến thắng trở về, Hà nội có năm cửa ô như đài hoa nở năm cánh đào. Giờ Hà Nội có nhiều hơn năm cửa ô. Những cửa ô hiện đại của Thủ đô phát triển mở ra bốn phương tám hướng, hội tụ tinh hoa, kết nối sáng tạo cùng bạn bè và lan tỏa giá trị Thủ đô với bè bạn…Năm cửa ô của thời ba mươi sáu phố phường dần thành ký ức, hiện hữu những cửa ô – cửa ngõ mới của Thủ đô hiện đại mở hướng từ những vành đai, đại lộ, những đô thị xanh, thành phố vệ tinh, những công trình mà 70 năm trước chưa thể nghĩ tới.

Ngày Thủ đô đi kháng chiến, Hà Nội chỉ một cây cầu… Nay, gần chục cây cầu uốn nhịp vắt qua sông Hồng, kết nối đôi bờ, mỗi cầu một dáng vẻ. Từ dấu mốc 70 năm này, Hà Nội lần lượt thêm nhiều cây cầu, mỗi cây cầu tựa dáng rồng bay, mỗi cây cầu mang một biểu tượng, kể một câu chuyện của quá khứ với thế hệ hôm nay.

Sông Hồng từng là nỗi nhớ, nỗi khắc khoải của người Hà Nội ngày Thủ đô đi kháng chiến. Trong tương lai gần không gian sông Hồng sẽ là trục trung tâm, trục phát triển xanh của Thủ đô. Hà Nội sẽ không còn hàm nghĩa thành phố trong sông. Hà Nội, Thủ đô hiện đại hài hòa đôi bờ dòng sông Mẹ.

Và khi ấy, sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi, trọn vẹn khúc khải hoàn ca – như lời ca khúc Cảm xúc tháng mười vẫn cất lên mỗi độ tháng Mười về.

Bài viết: Uông Ngọc Dậu
Đồ họa: Thanh Nga

Uông Ngọc Dậu

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ta-lai-xay-ha-noi-cua-ta-271097.htm