'Tắc biên' kéo dài – doanh nghiệp gặp khó
Hơn 1 tháng nay, lượng xe ô tô chở hàng hóa và chủ yếu là nông sản ùn tắc kéo dài tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tại tỉnh Thanh Hóa, một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cũng đang phải chịu tổn thất, ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Công nhân Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh đóng bao sản phẩm tinh bột sắn.
Thời điểm này, các nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng chân trên địa bàn tỉnh đang vào vụ chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay của các doanh nghiệp đang bị ngưng trệ bởi tình trạng tắc biên tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Cụ thể như: Đến đầu tháng 1-2022, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh, đóng trên địa bàn xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc), trực thuộc Công ty CP Chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, đã thu mua và đưa vào chế biến hơn 50.000 tấn củ sắn nguyên liệu, sản lượng tinh bột sắn khoảng 12.000 tấn, đạt 50% kế hoạch. Để bảo đảm tiến độ sản xuất, cung ứng hàng cho các đối tác, ngay từ đầu vụ, công ty đã đấu mối với các đơn vị vận tải để vận chuyển tinh bột sắn đến các cửa khẩu biên giới phía Bắc, như: Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) để làm thủ tục thông quan xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình trạng “tắc biên” nên mới chỉ có số ít xe ô tô chở hàng của công ty được thông quan, phần nhiều đang phải nằm chờ tại các cửa khẩu.
Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, cho biết: Hiện công ty đang ùn tắc hơn 1.000 tấn tinh bột sắn, trong đó tại Cửa khẩu Tân Thanh gần 400 tấn, Cửa khẩu Chi Ma 300 tấn, Cửa khẩu Móng Cái hơn 300 tấn. Để xử lý tình trạng ùn ứ, công ty đã thực hiện một số biện pháp, như: Hàng ở Cửa khẩu Tân Thanh thì cho xe ô tô quay đầu chở hàng về kho; ở Cửa khẩu Chi Ma được bốc dỡ, ký gửi tại các kho chứa hàng gần và tại Cửa khẩu Móng Cái thì đang phải nằm trên các toa tàu đường sắt. Ông Tiến cho biết thêm, do là mặt hàng khô, nên việc bị ùn tắc nhiều ngày không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, song chi phí phát sinh, như: thuê xe, lái xe, kho bãi, bốc dỡ hàng hóa... khá lớn. Với lượng hàng hóa ùn tắc kéo dài hơn 20 ngày nên công ty ước tính thiệt hại khoảng 2 đến 3 tỷ đồng cho các chi phí phát sinh và sẽ còn phát sinh thêm chi phí nếu tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu tiếp tục kéo dài.
Hơn 1 tháng nay, ban lãnh đạo của Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa như ngồi trên đống lửa vì tình trạng tắc biên kéo dài. Ông Đoàn Ngọc Lân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, cho hay: Đã 45 ngày trôi qua, hơn 2.000 tấn tinh bột sắn của công ty vẫn nằm chờ tại 2 cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty liên tục có kiến nghị với các đơn vị có liên quan để được giải quyết thủ tục thông quan, song đến nay, vẫn chưa có chuyến xe chở hàng hóa nào được xuất qua các cửa khẩu này. Theo dõi diễn biến thực tế, ban lãnh đạo công ty nhận thấy tình trạng này còn có khả năng kéo dài, nên đã chủ động thuê một số kho bãi tại thị trấn Đồng Đăng, TP Lạng Sơn để bốc dỡ, gửi hàng. Điều này đồng nghĩa với việc công ty chịu thêm chi phí phát sinh. Chỉ tính riêng chi phí phát sinh của việc bốc dỡ, gửi kho bãi trong thời gian tắc biên vừa qua đã lên tới gần 4 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến phí cước vận chuyển tăng cao gấp 2,5 đến 3 lần so với thời điểm thông thường và một số chi phí phát sinh khác. Nếu tình trạng này còn kéo dài, tổn thất của công ty chưa thể đo đếm được.
Tình trạng tắc biên kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch. Đơn cử như Công ty Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm (xã Định Liên, huyện Yên Định). Là đơn vị chuyên xuất khẩu ớt sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Thông thường, tháng 11, 12 và tháng 1 hàng năm là thời gian cao điểm để công ty xuất lượng hàng lớn ớt tươi sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 đến nay, tình trạng “tắc biên” kéo dài và do sản phẩm xuất khẩu của công ty là mặt hàng nông sản tươi, dễ bị hư hại. Vì vậy, để tránh tổn thất, hơn 1 tháng nay công ty đã ngưng hoạt động xuất khẩu. Theo đó, sản lượng xuất khẩu của công ty bị giảm tới 90% so với các năm trước đây.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, hiện tại trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng “tắc biên”, mặt hàng chủ yếu là tinh bột sắn, nên không có thiệt hại về sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang bị tổn thất về các chi phí phát sinh, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, Sở Công Thương đang tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trên cơ sở đó, thông tin, khuyến cáo đến các doanh nghiệp các giải pháp khắc phục để các doanh nghiệp chủ động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nắm bắt, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến các đơn vị có thẩm quyền.
Ngoài ra, trên cơ sở công văn của UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh về việc điều tiết xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc. Theo đó, sở đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, thông tin với các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn để có kế hoạch thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Có phương án xử lý và bảo quản hàng nông, thủy sản tại doanh nghiệp, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn và các đối tác nhập khẩu để bố trí số lượng xe lên cửa khẩu bảo đảm phù hợp với năng lực thông quan và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng rau quả, thủy sản xuất khẩu qua tuyến biên giới với Trung Quốc. Kiểm soát các cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng bảo đảm đủ điều kiện thông quan khi hàng đưa lên cửa khẩu.