Tác chiến điện tử - mặt trận bí mật trong xung đột Nga - Ukraine
Chiến tranh điện tử dường như vô hình, nhưng lại là một khía cạnh quan trọng trong 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga tại Ukraine. Trên chiến trường, hành động đơn giản như bật nguồn điện thoại di động đôi khi có thể dẫn đến một trận mưa bom…
Công nghệ tiên tiến mà Nga có lợi thế
Tác chiến điện tử có 3 yếu tố cơ bản: Thăm dò, tấn công và bảo vệ. Đầu tiên, thông tin tình báo được thu thập bằng cách định vị các tín hiệu điện tử của đối phương. Khi tấn công, “tiếng ồn trắng” sẽ vô hiệu hóa hoặc làm suy giảm các hệ thống thông tin của đối phương (bao gồm liên lạc vô tuyến, điện thoại di động, radar phòng không…). Một khi có tín hiệu gây nhiễu, đạn sẽ bắn trượt mục tiêu. Đại tá Laurie Buckhout - cựu chỉ huy tác chiến điện tử của quân đội Mỹ cho biết: “Hoạt động trên chiến trường hiện đại mà không có dữ liệu là điều thực sự khó khăn. Mất tín hiệu có thể làm máy bay bị “mù và điếc” (GPS hay radar), việc này rất nguy hiểm, nhất là khi máy bay đang phải bay với tốc độ 600 dặm/giờ”. Tất cả những điều đó giải thích sự bí mật xung quanh chiến tranh điện tử.
“Đây là một lĩnh vực được phân loại cực kỳ phức tạp vì nó phụ thuộc nhiều vào các công nghệ tiên tiến” - James Stidham, một chuyên gia an ninh truyền thông từng tư vấn cho Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Tác chiến điện tử là lĩnh vực mà Nga được cho là có lợi thế khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Năm 2014 - 2015, Ukraine đã rút ra một số bài học về vấn đề này khi máy bay không người lái của họ bị quân Nga đánh bại, đồng thời vô hiệu hóa đầu đạn và thâm nhập mạng điện thoại di động. Một sĩ quan Ukraine nói với Christian Brose - phụ tá của cố Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, hồi đó quân Nga đã “bẫy” được một chỉ huy Ukraine gọi điện lại vì tưởng nhỡ cuộc điện thoại của mẹ anh ta. Chỉ cần có vậy, họ xác định vị trí chính xác và tên lửa đã xử lý nốt… phần việc còn lại.
Mỹ cũng đã từng trải nghiệm chiến tranh điện tử của Nga ở Syria. Năm 2018, Tướng Raymond Thomas - Chỉ huy trưởng các chiến dịch đặc biệt của Mỹ tiết lộ, thông tin liên lạc của các phi công Mỹ thường xuyên bị “đánh sập” ở Syria trong môi trường chiến tranh điện tử “hung hãn nhất” trên hành tinh. Các hệ thống tiên tiến của Nga được thiết kế để bịt mắt máy bay thuộc Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không của Mỹ, cũng như tên lửa hành trình và vệ tinh do thám.
Điều chỉnh chiến thuật
Một quan chức tình báo Ukraine gọi mối đe dọa từ Nga là “khá nghiêm trọng” khi nó làm gián đoạn các nỗ lực do thám và liên lạc của chỉ huy với binh sĩ cấp dưới. Nga cũng gây nhiễu máy thu GPS (định vị dựa trên hệ thống vệ tinh nhân tạo) trên các máy bay không người lái mà Ukraine sử dụng để xác định vị trí đối phương. Tuy nhiên, trong những ngày đầu chiến tranh, năng lực tác chiến điện tử của quân đội Nga kém hiệu quả và quy mô hơn so với dự đoán. Một số nhà phân tích tin rằng, các chỉ huy Nga đã hạn chế sử dụng các đơn vị này vì sợ bị đối phương bắt được. Nga cũng có thể đã hạn chế sử dụng chiến tranh điện tử ngay từ đầu cuộc xung đột vì lo ngại các kỹ thuật viên được đào tạo kém dẫn đến vận hành hệ thống không đúng cách. Điều đó có thể dẫn đến việc họ không thể tiêu diệt hết các đơn vị radar và phòng không Ukraine để giành ưu thế trên không, nên phải đổi hướng chiến lược tập trung vào miền Đông Ukraine.
Mặc dù vậy, tác chiến điện tử đã trở thành nhân tố quan trọng trong các cuộc giao tranh ác liệt ở miền Đông Ukraine, nơi các đường tiếp tế ngắn hơn, dễ bảo vệ hơn, cho phép Nga di chuyển thiết bị tác chiến điện tử đến gần chiến trường. “Họ đang làm nhiễu mọi thứ. Không thể nói rằng họ thống trị, nhưng họ đã cản trở chúng tôi rất nhiều” - một sĩ quan của Đơn vị trinh sát và điều khiển phương tiện bay không người lái Ukraine (Aerorozvidka) nói với hãng tin AP.
Trung tá Không quân Mỹ Tyson Wetzel - một thành viên của Tổ chức nghiên cứu hội đồng Đại Tây Dương (Washington) cho biết, Nga đã từng gây nhiễu GPS ở các khu vực từ Phần Lan đến Biển Đen. Do đó, có lần hãng vận tải hàng không Transaviabaltica của Phần Lan đã phải hủy các chuyến bay trong 1 tuần. Việc gây nhiễu cũng làm gián đoạn sóng truyền hình Ukraine. Đầu tháng 6-2022, Nga còn tuyên bố đã phá hủy một trung tâm tình báo điện tử của Ukraine ở thị trấn Dniprovske thuộc miền Đông Nam nước này.
Mặt trận không tiếng súng
Thực tế, Ukraine đã đạt được một số thành công trong việc chống lại các nỗ lực tác chiến điện tử của Nga. Các quan chức Ukraine cho biết, khả năng tác chiến điện tử của họ đã được cải thiện kể từ năm 2015 nhờ sử dụng thiết bị liên lạc được mã hóa của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí họ còn xuất khẩu một số công nghệ của mình. Quân đội Ukraine cũng đã chiếm được một số thiết bị hạng nặng và tiêu diệt ít nhất 2 đơn vị tác chiến điện tử di động của Nga. Một là Krasukha-4, hệ thống được thiết kế để gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, radar giám sát và vũ khí dẫn đường bằng radar từ khoảng cách hơn 160km. Hai là Borisoglebsk-2, đây là hệ thống tiên tiến hơn có thể gây nhiễu các mạng lưới dẫn đường cho máy bay không người lái và bom điều khiển bằng sóng vô tuyến.
Ukraine cũng đã sử dụng hiệu quả công nghệ, thông tin tình báo của Mỹ và các thành viên NATO khác để đánh chìm tàu chiến của Matxcơva. Sự kiện này được cho là nhờ có sự trợ giúp của các vệ tinh, máy bay do thám, cũng như mạng lưới liên lạc vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk. Cần nói rõ thêm, hệ thống Starlink với hơn 2.200 vệ tinh quỹ đạo thấp của nó cung cấp Internet băng thông rộng cho hơn 150.000 trạm mặt đất của Ukraine. Việc cắt đứt những kết nối đó là một thách thức đối với Nga bởi làm nhiễu các vệ tinh quỹ đạo Trái đất khó hơn nhiều so với các vệ tinh địa tĩnh. Tuy nhiên, tỷ phú Musk đã cảnh báo người dân Ukraine tắt các thiết bị đầu cuối bất cứ khi nào có thể, bởi chúng rất dễ bị ảnh hưởng do vị trí địa lý và thời gian tới những nỗ lực can thiệp của Nga sẽ gia tăng gấp đôi.
Trong xung đột tại Ukraine hiện nay, chiến tranh điện tử đã trở thành mặt trận ngày càng căng thẳng. James Rands - thành viên của nhóm phân tích tình báo quân sự Jane cho biết, cứ mỗi tiểu đoàn của Nga (gồm khoảng 1.000 quân) sẽ có một đơn vị tác chiến điện tử, và hiện có khoảng 110 đơn vị như vậy đang ở Ukraine. Điện Kremlin cũng tuyên bố có hơn 1.000 máy bay không người lái đa năng Orlan-10 đang sử dụng để trinh sát, gây nhiễu và đánh chặn thông tin di động. Nhà nghiên cứu Samuel Bendett, thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, cho biết: “Nga đã mất khoảng 50 chiếc Orlan-10 trong cuộc chiến, nhưng những gì họ mất chỉ là một phần rất nhỏ của những thứ đang bay trên trời”. Còn Trung tá Không quân Mỹ Tyson Wetzel thì khẳng định: “Tôi tin chắc rằng, người Nga ngày càng thông minh hơn trong lĩnh vực này”.
Công nghệ tác chiến điện tử nhắm vào các hệ thống thông tin liên lạc, định vị, dẫn đường, làm “mù” và đánh lừa đối phương, đồng thời giáng đòn sát thương trực tiếp. Mục tiêu của công nghệ này là tự phòng vệ hoặc vô hiệu hóa radar, pháo binh, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái… của đối thủ.