Tấc đất, tấc vàng không thể để hoang: Bài 1: Đâu rồi bờ xôi, ruộng mật
Sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, cùng thu nhập hấp dẫn từ các ngành nghề phi nông nghiệp khiến tình trạng bỏ hoang đất đai, ly nông, ly hương diễn ra ngày một phổ biến tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Tại hội nghị đối thoại với DN để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh chủ trương của TP sẽ rà soát, là không để mét đất nào bị bỏ hoang. Và việc tìm lời giải cho vấn đề này đang là nhiệm vụ cấp thiết của ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền.
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 5.000ha đất nông nghiệp không canh tác. Tình trạng những bờ xôi, ruộng mật bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí nguồn tư liệu sản xuất, thất thu lớn về giá trị kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an ninh lương thực.
Đất bỏ không, cỏ dại mọc um tùm
Đang là cuối vụ Xuân, nhưng những diện tích đất canh tác nông nghiệp tại khu đồng Rổ, thôn Cuối Chùa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) vẫn ngập chìm trong nước. Cây cỏ mọc cao đến cả mét. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bình Phú B Cấn Văn Tuấn cho biết, những trận mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều diện tích gieo cấy mạ nơi đây bị thiệt hại. Sau đó, nhiều nông dân cũng không còn canh tác được trên diện tích đất bị ngập úng.
Chạy xe dọc Quốc lộ 21 đoạn qua xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), những diện tích đất canh tác nông nghiệp cũng đang bị bỏ không hết sức lãng phí. Nhiều diện tích qua thời gian dài không canh tác trở thành những khu vực sình lầy, ứ đọng rác thải, nước sinh hoạt trong các khu dân cư…
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Thị Hương Năm cho biết, đây là những diện tích chân mạ. Vụ Xuân những năm gần đây, bà con mải miết với nghề làm tăm hương và thu mua phế liệu nên thường bỏ không. Theo thống kê, riêng tại xã Quảng Phú Cầu vẫn còn khoảng 100 mẫu diện tích chân mạ không canh tác vụ Xuân.
Xuôi về huyện Mê Linh, nhiều diện tích trước đây là đất nông nghiệp tại các xã: Tiền Phong, Đại Thịnh, Mê Linh… cũng đang bị bỏ không. Cỏ dại mọc um tùm. Những thửa đất rộng nhiều héc-ta giờ là nơi chăn thả trâu bò.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, đây là những diện tích đất trồng hoa của bà con được thu hồi để phát triển đô thị. “Trước đây, những diện tích hoa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nay được thu hồi nhưng chưa đưa vào sử dụng…” – ông Đô nói.
Tình trạng đất nông nghiệp để không còn ghi nhận được tại nhiều xã, thị trấn khác trên địa bàn Hà Nội, tập trung nhiều nhất tại các địa phương ven đô, hoặc có điều kiện sản xuất khó khăn. Bên cạnh đó là đất đồi gò, những diện tích nhỏ lẻ, manh mún, chưa được dồn điền đổi thửa, hoặc thường xuyên bị ngập úng…
Lãng phí hàng ngàn tỷ đồng
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã chủ trương lựa chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai. Kết quả đến nay, toàn TP đã dồn ghép được hơn 79.754ha đất nông nghiệp (vượt hơn 4% mục tiêu kế hoạch đề ra). Sau đồn điền đổi thửa, các địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được gần 40.228ha, chủ yếu là sang các loại cây trồng có giá trị cao và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản xa khu dân cư.
Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành, mang lại doanh thu lớn. Đơn cư như, vùng rau an toàn tại các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức… cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ… với giá trị từ 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện: Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai… cho giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm… Trên bình diện toàn TP, giá trị canh tác nông nghiệp hiện nay đã đạt khoảng 280 triệu đồng/ha/năm.
Canh tác nông nghiệp không chỉ mang lại giá trị lớn về mặt kinh tế, mà còn góp phần quan trọng giải quyết bài toán lao động, việc làm tại nông thôn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều diện tích canh tác bị bỏ không. Điều này dẫn đến sự lãng phí rất lớn tư liệu sản xuất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin, toàn TP hiện vẫn còn khoảng 5.000ha đất canh tác nông nghiệp chưa được đưa vào sử dụng hàng năm. Theo tính toán cơ học, giá trị nông nghiệp bị thất thu đối với những diện tích đất để không này có thể lên tới… hàng ngàn tỷ đồng!
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, và vai trò của ngành nông nghiệp hết sức quan trọng, là bệ đỡ thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô nói chung, việc lãng phí nguồn tư liệu sản xuất này thực sự trở nên đáng lo ngại.
Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tổ chức 3 đoàn công tác đến các địa phương để đánh giá lại những diện tích canh tác hiện đang để không. Từ đó, khuyến nghị các địa phương nhiều giải pháp để tiến tới giảm dần diện tích này…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại
(Còn nữa)