Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp

Ô nhiễm hữu cơ là vấn đề nóng toàn cầu, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Ngày 19/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kết nối INNOVACONNECT VINFUTURE lần thứ 2 có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực này, thu hút được sự quan tâm của giới khoa học Việt Nam.

DDT là một loại thuốc trừ sâu đã được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bao gồm cả ở Việt Nam. Mặc dù bị cấm ở hầu hết các nước công nghiệp vào những năm 1970 và 80, và ở Việt Nam vào năm 1995, nhưng do tính bền, dư lượng DDT vẫn có thể được tìm thấy trong môi trường và thậm chí cả trong mô người.

Đây là một thí dụ điển hình cho thấy tính chất độc hại và nguy hiểm cho sức khỏe của chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy POPs với sức khỏe con người lâu dài, được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh, Giảng viên cao cấp và Chuyên gia về hóa học phân tích và hóa học môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại hội thảo.

HỆ LỤY LÂU DÀI CHO SỨC KHỎE CỦA CHẤT ĐỘC HỮU CƠ

POPs (viết tắt của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy) rất khó phân hủy. Trong khi đó, EDCs là các chất gây rối loạn nội tiết, tương đối mới, được sử dụng rộng rãi hơn trong 15-20 năm qua. Những hóa chất này được biết là làm gián đoạn hệ thống nội tiết ở người và động vật hoang dã. Trong khi POPs phần lớn bị cấm do tính bền và độc tính của chúng, EDCs vẫn được sử dụng, và nghiên cứu về tác động của chúng vẫn đang được tiến hành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh, Trường đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã có 20 năm nghiên cứu về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) và khám phá ra xu hướng ô nhiễm POP và EDC, sự di chuyển của chúng trong môi trường và sự phơi nhiễm của con người ở Việt Nam.

Một phát hiện quan trọng của nghiên cứu, chính là xác định được những điểm nóng ô nhiễm tiềm ẩn, là các khu vực thu gom và tái chế chất thải thủ công ở Việt Nam, khu vực tái chế rác thải điện tử, các khu vực xử lý xe hết hạn sử dụng, các cơ sở nấu chảy cao su, các nhà máy lọc dầu và các khu vực tái chế nhựa. Những chất ô nhiễm này là thiếu các tiêu chuẩn quy định. Mặc dù chúng ta có các chỉ số ô nhiễm không khí phổ biến như vật chất dạng hạt (PM2.5 và PM10), nhưng các hóa chất có thể hấp phụ vào các hạt vật chất và xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường hô hấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh, Giảng viên cao cấp và Chuyên gia về hóa học phân tích và hóa học môi trường, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh, Giảng viên cao cấp và Chuyên gia về hóa học phân tích và hóa học môi trường, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo kết quả nghiên cứu này, EDCs được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm cả sản phẩm thương mại và công nghiệp. Hai hóa chất đặc biệt phổ biến và quan trọng là phthalates và parabens. Chúng được sử dụng làm chất hóa dẻo trong nhựa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội, sữa tắm, xà phòng, kem chống nắng, sản phẩm chăm sóc da, lớp phủ, dược phẩm, mỹ phẩm, sơn, mực in và các sản phẩm cao su. Chúng gần như có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Trong đó, phthalates đáng được quan tâm đặc biệt. “Chúng tôi nhận thấy rằng mức độ phthalate trong không khí và bụi trong nhà ở Việt Nam tương đối cao so với một số nước công nghiệp như Mỹ hoặc châu Âu. Trong một số trường hợp, mức độ này tương đương với ở Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nhiều nghiên cứu về ô nhiễm hóa chất”, Phó Giáo sư Minh nói.

Chúng tôi nhận thấy rằng mức độ phthalate trong không khí và bụi trong nhà ở Việt Nam tương đối cao so với một số nước công nghiệp như Mỹ hoặc châu Âu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh

Điều mà ông Bình Minh đáng quan ngại là hiện nay, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới không có quy định nào đối với phthalates và parabens. Chỉ có một số ít tổ chức như EPA Hoa Kỳ hoặc các cơ quan môi trường Canada mới thiết lập các quy định. Nhiều quốc gia thiếu dữ liệu cơ bản cần thiết để thiết lập các quy định phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh độc tính của các chất này và mối tương quan của chúng với các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, thần kinh và sinh sản ở cả nam và nữ.

Chia sẻ những hiểu biết chuyên sâu về Bisphenol A (BPA) và phthalates,Giáo sư Ming Hung Wong (Đại học Giáo dục Hồng Kông, Trung Quốc) cho biết, những nơi như Hồng Kông (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan), nhựa được sử dụng rất nhiều. Việc hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng trong hộp nhựa có thể làm tăng nguy cơ các hóa chất này “ngấm” vào thức ăn và đồ uống của chúng ta.

Giáo sư Ming Hung Wong (Đại học Giáo dục Hồng Kông, Trung Quốc) chia sẻ những nghiên cứu về chất độc môi trường tại hội thảo.

Giáo sư Ming Hung Wong (Đại học Giáo dục Hồng Kông, Trung Quốc) chia sẻ những nghiên cứu về chất độc môi trường tại hội thảo.

Chuyên gia này phân tích, Bisphenol A (BPA) và phthalates đều là chất gây rối loạn nội tiết, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở người và động vật, đồng thời gây ra các vấn đề về phát triển như dậy thì sớm ở trẻ em gái và chậm lớn ở trẻ em trai. Ngoài ra, chất này còn có thể có các tác động xấu đến sức khỏe khác, chẳng hạn như béo phì, bệnh tim mạch và tác động đến gan, thận, phổi và các cơ quan khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh cũng cảnh báo nhóm dễ bị tổn thương gồm trẻ em có thường hấp thụ lượng hóa chất cao hơn khi tính theo miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Điều này khiến trẻ em trở thành một nhóm nhạy cảm với việc tiếp xúc hóa chất. Đặc biệt, tiếp xúc trước khi sinh có thể làm tăng nguy cơ sinh non.

Bên cạnh trẻ em, những người làm việc trong môi trường có khả năng phát thải EDC, chẳng hạn như các nhà máy sản xuất polymer và các sản phẩm nhựa, cũng dễ bị tổn thương. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng phụ nữ sống ở khu vực tái chế chất thải thủ công có nồng độ một số hóa chất nhất định trong sữa mẹ cao hơn so với phụ nữ ở môi trường sạch hơn. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp can thiệp để giảm phơi nhiễm cho người lao động trong các cơ sở này, bao gồm cả thiết bị bảo hộ và cải thiện hoạt động quản lý chất thải.

Chia sẻ một góc nhìn khác về chất độc môi trường, Giáo sư Kenneth Leung từ Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) cho hay, chúng ta sử dụng hơn 100.000 hóa chất trong cuộc sống hàng ngày, với nhiều hóa chất mới xuất hiện mỗi năm mà không có nhiều thông tin về độc tính hay địa điểm tồn tại cuối cùng trong môi trường.

Trong hơn 20 năm, nhóm nghiên cứu của ông đã theo dõi các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) ở cá heo địa phương, cả cá heo trắng Trung Quốc và cá heo không vây. Nghiên cứu phát hiện xu hướng gia tăng các hóa chất đáng quan ngại mới, chẳng hạn như các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFAS). Chúng có chuỗi carbon dài, giúp chúng có thể tồn tại lâu, có khả năng gây ung thư và độc hại cho hệ miễn dịch.

Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc).

Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc).

Đến nay, các nhà khoa học này có thể cung cấp danh sách ưu tiên gồm các hóa chất đáng quan ngại cho các cơ quan chức năng để quản lý thêm. Điều này liên quan đến Công ước Stockholm của Liên hợp quốc, một điều ước quốc tế kiểm soát các POPs độc hại. Nghiên cứu của các ông cũng đã cung cấp thêm dữ liệu về một số nhóm PFAS nhất định, từ đó cấm sản xuất và sử dụng.

Trong một dự án gần đây của nhóm nghiên cứu (được Liên hợp quốc công nhận là một phần của Chương trình Giám sát cửa sông toàn cầu (GEM)), các ông cũng đã phát hiện ra sự hiện diện của hóa chất dược phẩm trong tất cả các mẫu nước. Ngoài ra, nhóm đã tìm thấy hàm lượng kháng sinh và các hóa chất thông thường như thuốc giảm đau ở nhiều cửa sông.

Chúng ta sử dụng hơn 100.000 hóa chất trong cuộc sống hằng ngày, với nhiều hóa chất mới xuất hiện mỗi năm mà không có nhiều thông tin về độc tính hay địa điểm tồn tại cuối cùng trong môi trường.

Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc)

CÁC NƯỚC NỖ LỰC GIẢM THIỂU Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Giáo sư Ming Hung Wong cho hay, nhiều nơi đang nỗ lực đáng kể để giải quyết vấn đề phthalates và parabens. Thí dụ như ở Hồng Kông (Trung Quốc), đã cấm sử dụng ống hút nhựa và hiện đang thảo luận về các vật liệu thay thế như các sản phẩm tự nhiên, giấy và thủy tinh. Dù sản phẩm làm từ giấy nghe có vẻ lý tưởng, nhưng nó thường yêu cầu lớp phủ hoặc lớp lót để tăng độ bền, điều này có thể làm phát sinh những lo ngại khác. Chúng tôi cũng đã thảo luận về nhựa phân hủy sinh học, nhưng chúng yêu cầu các cơ sở cụ thể để xử lý đúng cách và có thể không phân hủy hoàn toàn trong đại dương hoặc bãi chôn lấp. Vì vậy, vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết.

Theo Giáo sư này, hiện nhiều người đang cố gắng ngừng sử dụng các hóa chất BPA và phthalates, nhưng điều đó rất khó đối với các vật dụng hàng ngày. Nếu chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn chúng, chúng ta nên chọn các loại nhựa an toàn hơn và xem xét các lựa chọn thay thế như chai thủy tinh hoặc hộp đựng bằng gốm. Việc thông báo cho công chúng về các lựa chọn này và cách sử dụng chúng là rất quan trọng.

“Một thí dụ là hạt vi nhựa được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), chúng tôi đã cố gắng cấm hạt vi nhựa trong kem đánh răng và mỹ phẩm như tẩy tế bào chết cho mặt. Chủ đề này đã được đưa ra tại một cuộc họp có tên Clean Up 2020 ở Adelaide (Úc), nơi tôi đã trình bày về những hóa chất độc hại trong nhà.

Điều này đề cập đến các hóa chất khác nhau như nhựa than đá, BPA và triclosan. Triclosan, thường được thêm vào xà phòng và chất tẩy rửa, đã góp phần làm gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh. Chúng ta cần xem xét toàn bộ: nguồn gốc, số phận, tác động và quản lý các hóa chất này, bao gồm sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ”, Giáo sư Ming Hung Wong nói.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ các giải pháp thay thế chất BPA và phthalates, Giáo sư Ming Hung Wong nhấn mạnh, việc thực hiện bất kỳ chính sách mới nào thường liên quan đến (việc tham vấn) nhiều ý kiến khác nhau từ các bên liên quan khác nhau.

Thí dụ, ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã và đang thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt. Trước đây, tất cả các loại rác thải đều được trộn lẫn với nhau, nhưng bây giờ chúng tôi đang cố gắng tách riêng rác thải thực phẩm với các loại rác thải khác như lon nhôm và giấy. Rác thải thực phẩm có thể được phân hủy và biến thành phân bón, phân trộn hoặc thậm chí là thức ăn chăn nuôi.

“Tuy nhiên, những quy định mới này thường vấp phải sự phản đối ban đầu. Mọi người có thể lo lắng về quy trình và cần thời gian để điều chỉnh. Mọi người cần có thời gian để thích nghi với các quy định và hướng dẫn mới, nhưng điều quan trọng là phải hiểu sự cần thiết của những thay đổi này và bắt đầu sớm”, Giáo sư Ming Hung Wong nói.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Giáo sư Kenneth Leung từ Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) cho rằng, với việc gia tăng dân số và sử dụng hóa chất, việc xây dựng một nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng xanh như xử lý nước thải là rất quan trọng. Sự phát triển trong tương lai của các hệ thống tài chính xanh trên toàn cầu có thể khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, cuối cùng là cải thiện điều kiện môi trường ở các quốc gia đang phát triển. Đây là một con đường đầy hứa hẹn phía trước.

“Tôi cho rằng các vấn đề ô nhiễm từ lâu nay vẫn là thách thức khó giải quyết đối với nhiều quốc gia đang phát triển. Hiện tượng phú dưỡng, do xả quá nhiều chất dinh dưỡng vào đại dương và đường thủy, là mối đe dọa rất lớn. Những chất dinh dưỡng dư thừa này kích thích sự phát triển của vi tảo, dẫn đến sự bùng nổ của tảo có hại. Mặc dù nhiều loại tảo không độc hại, nhưng quá trình hô hấp của chúng tiêu thụ ô-xy và quá trình phân hủy của chúng làm giảm nồng độ oxy, dẫn đến tình trạng thiếu ô-xy (nồng độ ô-xy dưới 2 miligam/lít). Điều này có thể làm sinh vật biển chết ngạt, gây thiệt hại tài chính đáng kể do ảnh hưởng đến nghề cá và du lịch.

Vì tính nghiêm trọng của nó nên đây là vấn đề cần ưu tiên trong công tác quản lý. Chúng ta cần hướng dẫn nông dân giảm sử dụng phân bón và tìm kiếm các giải pháp thay thế như chất dinh dưỡng hữu cơ, tự nhiên. Công nghệ cũng có thể đóng góp giải pháp bằng cách thu gom nước bị ô nhiễm để xử lý trước khi thải hoặc sử dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên như đất ngập nước nhân tạo với thảm thực vật thủy sinh để hấp thụ chất dinh dưỡng dư thừa.

Hội thảo Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kết nối INNOVACONNECT VINFUTURE lần thứ 2 diễn ra sáng 19/6 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.

Tại hội thảo, Giáo sư Ming Hung Wong chia sẻ về “Quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và các hóa chất mới nổi: Những phát hiện nổi bật từ các dự án của UNEP/GEF”; Giáo sư Kenneth M. Y. Leung chia sẻ về “Những tiến bộ trong nghiên cứu về các chất gây ô nhiễm mới nổi: từ giám sát đến hợp tác toàn cầu để quản lý ô nhiễm hiệu quả”; và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh chia sẻ về “Tổng quan những kết quả nghiên cứu trong hai thập kỷ về các hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) tại Việt Nam và các triển vọng hợp tác nghiên cứu ở quy mô khu vực và toàn cầu”.

NHỮNG KHUYẾN NGHỊ VỚI VIỆT NAM

Với mức độ phơi nhiễm tương đối cao ở Việt Nam, việc thiếu quy định và bằng chứng ngày càng tăng về các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn, điều quan trọng là phải giải quyết các EDC mới này như một vấn đề cấp bách về môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đề xuất chính sách cho chính phủ Việt Nam để giải quyết cả POPs cổ điển và EDC mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh cho hay, đây là một vấn đề phức tạp. Do đó, cần phải áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT). Đây là những phương pháp và hướng dẫn có thể đạt được kết quả tối ưu hoặc hiệu quả nhất trong bất kỳ hoạt động nào.

Về POPs cổ điển, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc quản lý và loại bỏ các chất này trong hai thập kỷ qua, hoàn thành các cam kết theo Công ước Stockholm. Giờ là lúc cần tập trung vào các nhóm hóa chất mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh đưa ra nhiều khuyến nghị tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh đưa ra nhiều khuyến nghị tại hội thảo.

“Nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng đã liên tục cung cấp các khuyến nghị cần thiết cho việc giám sát và quản lý an toàn các hóa chất này trong nhiều báo cáo kỹ thuật và báo cáo hội thảo. Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ chính phủ quan trắc và quản lý an toàn các hóa chất này”, chuyên gia cho hay.

Đối với những điểm nóng EDC mới, chuyên gia này cho rằng, các biện pháp can thiệp khả thi ở những khu vực này có thể giống với các biện pháp đã được thực hiện ở các nước công nghiệp như Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp hiệu quả đòi hỏi năng lực đo đạc và quan trắc chính xác các chất này, yêu cầu thiết lập một mạng lưới phòng thí nghiệm mạnh mẽ có khả năng phân tích các mẫu môi trường như không khí, nước và bụi với chất lượng và độ chính xác nhất quán. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có cơ sở dữ liệu toàn diện mới có thể có các biện pháp can thiệp có mục tiêu.

Khi đã hiểu rõ mức độ ô nhiễm, chúng ta có thể thực hiện các giải pháp hệ thống, chẳng hạn như kiểm soát khí thải nghiêm ngặt hơn đối với các ngành công nghiệp, cải thiện hoạt động quản lý chất thải và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về những rủi ro của EDC”, vị này cho hay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh cho biết, nhóm nghiên cứu đã liên tục cung cấp các khuyến nghị cần thiết cho việc giám sát và quản lý an toàn các hóa chất này trong nhiều báo cáo kỹ thuật và báo cáo hội thảo. Nhóm vẫn cam kết hỗ trợ chính phủ quan trắc và quản lý an toàn các hóa chất này.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải thiết lập và thực thi các quy định đối với EDC ở Việt Nam dựa trên dữ liệu cơ bản toàn diện. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho phụ nữ mang thai và các gia đình về các rủi ro tiềm ẩn và biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết. Nhìn chung, giải quyết vấn đề phơi nhiễm EDC đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện bao gồm các quy định, nghiên cứu, giáo dục và các biện pháp can thiệp có mục tiêu cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) trả lời thắc mắc của các bạn sinh viên.

Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) trả lời thắc mắc của các bạn sinh viên.

Theo Giáo sư Ming Hung Wong, giống như các quốc gia khác, Việt Nam cần đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe sinh thái và sức khỏe con người. Để đạt được điều này, trước tiên Việt Nam nên thiết lập các quy định, bao gồm cả các quy định về vật liệu thay thế không chứa các hóa chất Bisphenol A (BPA) và phthalates, và đặt ra giới hạn về sự hiện diện của chúng trong các sản phẩm.

“Các quy định, hoạt động sản xuất, tiêu thụ bền vững và thay đổi hành vi cá nhân là rất quan trọng. Công chúng nên được thông báo về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, trao cho họ quyền đưa ra lựa chọn sáng suốt.

Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá cao Việt Nam đang phấn đấu cho những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, điều này có thể giúp việc xử lý nước thải tiết kiệm chi phí hơn và phát triển các hóa chất thân thiện với môi trường có thể sử dụng hàng ngày. Việt Nam cũng có nhiều cá nhân trẻ tài năng, thông minh và tháo vát. Một khi họ hiểu các vấn đề, họ có thể tìm ra giải pháp.

Giáo sư khuyến nghị, Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khu vực để cùng nhau giải quyết vấn đề toàn cầu này.

Trong khuôn khổ hội thảo, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) và Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Bình Minh chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ chất lượng cao từ Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU), với danh tiếng xuất sắc và cơ sở vật chất tiên tiến.

Chúng tôi hy vọng sẽ phát triển các chương trình giáo dục “kiểu sandwich”, nơi nghiên cứu sinh tiến sĩ của chúng tôi có thể nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ cả hai tổ chức. Quan trọng hơn, chúng tôi mong muốn bồi dưỡng sinh viên và nhân viên trở thành những người đi đầu trong các dự án nghiên cứu chung với đối tác Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là một kỳ vọng quan trọng đối với chúng tôi khi bắt tay vào dự án hợp tác này".

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tac-dong-cua-cac-chat-o-nhiem-huu-co-den-moi-truong-va-suc-khoe-con-nguoi-thach-thuc-va-giai-phap-post815076.html