Tác động của Chiến lược phát triển VLXD tới công tác quản lý hoạt động sản xuất và phát triển VLXD tại Việt Nam
Ngày 18/8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng, dẫn dắt định hình thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của trị trường trong nước.
Trong đó loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Trong Chiến lược cũng nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch, phương án, đề án, chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn phù hợp với kế hoạch của Trung ương và Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 được phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập sâu rộng cùng xu thế phát triển vật liệu xây dựng của thế giới.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 7 giải pháp thực hiện: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; Bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Trong đó, tổ chức khai thác, chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp khoáng sản, theo quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định; hình thành các khu vực, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác mỏ tiên tiến, an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; tổ chức thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng có tính đến biến đổi khí hậu.
Đầu tư khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng thay thế; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng.
TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam cho biết: Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục nghìn tấn xi măng nhưng giá trị xuất khẩu không cao, trong khi đây là ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng. Trên cơ sở đó, ông Trần Bá Việt kiến nghị cần sớm nghiên cứu để có thể xuất khẩu cấu kiện bê tông đúc sẵn với giá trị kinh tế cao hơn nhiều; hạn chế tối đa việc xuất khẩu clanhke, xi măng trong thời gian tới.
Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho biết: Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều loại vật liệu xây dựng với giá rẻ, lại chưa tận dụng được hết các nguồn phụ phẩm, phế thải của các ngành sản xuất khác làm vật liệu xây dựng. Chẳng hạn, nếu các ngành sử dụng than để đốt lò hơi (xi măng, nhiệt điện, sản xuất hóa chất…) có thể cải thiện công nghệ để giảm tỷ lệ than tồn dư trong tro xỉ thì việc sử dụng xỉ than để sản xuất vật liệu xây dựng sẽ còn hiệu quả hơn nữa.
Ông Thái Duy Sâm - nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: Chiến lược nêu định hướng ưu tiên đầu tư dự án vật liệu xây dựng mới. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn những loại vật liệu mà Việt Nam phải có lợi thế cạnh tranh, chứ không phải vật liệu mới nào cũng nghiên cứu, sản xuất. Đồng thời, việc xuất khẩu vật liệu xây dựng thì cũng cần đánh giá xuất khẩu gì có lợi, tránh làm thất thoát, cạn kiệt nguồn tài nguyên của quốc gia. Do đó, việc quản lý Nhà nước đối với phát triển vật liệu xây dựng phải căn cứ vào chỉ tiêu về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Chúng ta phải phát triển đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng, trong đó phát triển mạnh các vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao để dần thay thế cho các vật liệu xây dựng truyền thống. Đồng thời, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam”.
Việc xây dựng Chiến lược tuy được quan tâm, song còn thiếu nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong chiến lược. Công tác dự báo còn nhiều bất cập. Công tác điều chỉnh Chiến lược còn chậm. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình quản lý, điều hành phát triển ngành Vật liệu xây dựng.
Trong giai đoạn tới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ tiếp tục diễn ra rất mạnh mẽ ở nước ta. Do đó, phát triển vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng.
Đồng thời, nhu cầu vật liệu xây dựng trên thế giới cũng sẽ ngày càng tăng cao, vì vậy, ngành Vật liệu xây dựng cũng cần hướng tới mục tiêu nâng cao kim ngạch, giá trị xuất khẩu.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết phải xây dựng một chiến lược vật liệu xây dựng trong thời kỳ mới (đến 2030 tầm nhìn 2050) yêu cầu trong chiến lược phát triển ngành Vật liệu xây dựng phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành vật liệu xây dựng; giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, phải gắn phát triển vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng mới có giá trị kinh tế cao, ít tiêu thụ năng lượng; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của vật liệu xây dựng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.