Tác động của Covid-19 đối với tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Trung tâm Khu vực về học tập suốt đời của SEAMEO tổ chức Hội thảo tác động của Covid-19 đối với tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 4.
Tham dự Hội thảo có 11 đại biểu từ 7 nước Đông Nam Á, lãnh đạo Ban thư ký SEAMEO, cùng hơn 20 chuyên gia giáo dục, lãnh đạo trường, giáo viên từ các tỉnh thành Việt Nam.
Phát biểu chào mừng của TS. Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Khu vực về Học tập suốt đời của SEAMEO CELLL nêu bật những thách thức trong giáo dục do đại dịch gây ra. Đồng thời nhấn mạnh các nước phải có những biện pháp, sáng kiến phục hồi giáo dục, và giúp giáo dục mạnh mẽ hơn cả trước thời đại dịch.
Bà Hà dẫn chứng, tính đến giữa tháng 4 năm 2020, 94% người học trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch, gồm 1,58 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên, từ bậc mầm non đến bậc đại học, ở 200 quốc gia. Ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, theo báo cáo của UNESCO có 760 triệu trẻ em bị cấm đến trường.
Việc đóng cửa toàn bộ trường học đã diễn ra ở châu Á trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5 năm 2020. Ở một số quốc gia, trẻ em không được học trực tiếp tại trường trong hơn một năm.
Trao đổi tại Hội thảo, bà Miki Nozawa, Trưởng Chương trình Giáo dục của UNESCO Hà Nội, cho biết đại dịch Covid-19 đã gây gián đoạn giáo dục nghiêm trọng nhất trong lịch sử và khoét sâu những thách thức vốn có trong giáo dục ở các nước.
Việc chuyển đổi giáo dục trực tiếp sang trực tuyến là một giải pháp giúp giảm thiểu các mất mát học tập do đại dịch gây ra cho người học. Tuy nhiên cũng có mặt trái là khoét sâu thêm sự cách biệt trong giáo dục giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân tộc, giữa các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế khác nhau, …
Bên cạnh đó, tại Hội thảo, đại diện UNESCO đã đưa ra nhiều khuyến nghị và tổ chức nhiều chương trình hoạt động trên toàn cầu để khuyến khích và tạo điều kiện cho các nước trao đổi những sáng kiến, những thực tiễn hiệu quả trong việc phục hồi giáo dục. Đáp ứng điều này, khu vực Đông Nam Á đang giải quyết nhiều thách thức trong việc cung cấp giáo dục và tăng tốc chuyển đổi giáo dục thông qua nhiều hội nghị và diễn đàn khác nhau.
Chẳng hạn như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương II, với kết quả là Tuyên bố Bangkok khuyến nghị hai mảng hành động chính: Mở cửa an toàn trường lớp cho mọi người học, và chuyển đổi hệ thống giáo dục để giáo dục có khả năng chống chịu tốt trong mọi khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Hội thảo tiếp tục với phần thảo luận các nhóm chuyên gia giữa các nước, đại biểu trao đổi bài học kinh nghiệm, các thực tiễn tốt, trong đó nổi bật vai trò quản lý và chỉ đạo của các đơn vị các cấp nhà nước như Hội khuyến học Việt Nam, với mạng lưới chi hội phủ khắp các tỉnh thành hoặc Thái Lan có sáng kiến cấp máy tính bảng được cài đặt sẵn các nội dung học tập cho người học có thể tự học ở nhà.