Tác động của dịch vụ Starlink
Thông tin Việt Nam thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp đã thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia thuộc lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là những chuyên gia thuộc lĩnh vực kỹ thuật truyền thông.
Sau hơn một tuần Quyết định 659/ QĐ-TTg được ban hành, khi có giờ hướng dẫn trong phòng Lab, Phó Giáo sư Hà Duyên Trung lại lấy đề tài về hạ tầng truyền thông vệ tinh để hướng dẫn sinh viên. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ mang đến giải pháp kết nối toàn cầu, đặc biệt cho các khu vực miền núi, hải đảo, nơi hạ tầng viễn thông còn hạn chế. Tuy nhiên, với chuyên gia thuộc lĩnh vực kỹ thuật truyền thông như Phó Giáo sư Hà Duyên Trung, thí điểm này cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Công nghệ vô tuyến điện tử trong vệ tinh Starlink có thể hỗ trợ hệ thống Internet toàn cầu ra sao?
Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Starlink sử dụng mạng lưới hàng chục nghìn vệ tinh, hiện có hơn 7.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo thấp quay quanh trái đất, độ cao trên dưới 550 km, để truyền dẫn dữ liệu giữa người dùng mặt đất và hạ tầng mạng Internet toàn cầu.
Tại mặt đất, người dùng sử dụng đĩa thu Starlink và modem, đĩa thu cũng sử dụng anten định hướng tự động để luôn bám theo vệ tinh đang bay ngang qua. Nhờ mật độ vệ tinh dày hoạt động trên quỹ đạo, người dùng ở các khu vực vùng sâu vùng xa, hải đảo, hoặc không có hạ tầng cáp quang, sóng viễn thông di động vẫn có thể tiếp cận internet tốc độ cao một cách ổn định.
Điểm nổi bật nữa là các vệ tinh Starlink đang dần được tích hợp liên kết quang vô tuyến giữa các vệ tinh với nhau bằng laze để truyền tải dữ liệu tốc độ cao, nhưng truyền tín hiệu xuống mặt đất vẫn là vô tuyến điện tử, giúp cho kết nối Internet toàn cầu linh hoạt, không phụ thuộc nhiều vào hạ tầng mặt đất.
Với 16 năm nghiên cứu, thực hành và giảng dạy về lĩnh vực kỹ thuật thông tin, điện tử viễn thông, điện tử hàng không vũ trụ tại Đại học Bách Khoa Hà nội, Phó Giáo sư Hà Duyên Trung cũng đánh giá rất thực tế về những khó khăn kỹ thuật khi sử dụng vô tuyến điện tử trong liên lạc vệ tinh.
Chương trình thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam là bước tiến quan trọng của công nghệ vô tuyến điện tử hiện đại, mở ra cơ hội phủ sóng Internet đến mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững, còn nhiều bài toán kỹ thuật phức tạp cần được giải quyết đồng bộ giữa thiết bị, phần mềm và hạ tầng mạng viễn thông hiện nay.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tac-dong-cua-dich-vu-starlink-319048.htm