Tác động của quy định thuế mới đối với doanh nghiệp Singapore
Singapore đang nghiên cứu cơ chế thuế bổ sung trong nước đối với các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước bị ảnh hưởng.
Theo bài viết trên báo The Business Times, khi những quy định về mức thuế tối thiểu toàn cầu mới trong Khuôn khổ chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS) 2.0 dường như sẽ được áp dụng từ năm 2024, nhiều quốc gia đã nỗ lực xem xét thay đổi pháp lý và các biện pháp khuyến khích rộng rãi hơn để duy trì tính hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được sự nhất trí thực hiện đánh thuế tối thiểu ở cấp độ khối. Singapore cũng đang nghiên cứu cơ chế thuế bổ sung trong nước đối với các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước bị ảnh hưởng.
Một biện pháp được mong đợi theo những quy định mới nhất là mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Các công ty đa quốc gia sẽ phải đối mặt với các khoản thuế bổ sung ở bất kỳ khu vực tài phán nào mà họ hiện đang trả mức thuế thực tế dưới 15%. Ngoài ra, quy định đối tượng chịu thuế (STTR) sẽ được áp dụng đối với một số khoản thanh toán qua biên giới của bên liên quan hiện đang chịu thuế dưới mức tối thiểu 9%.
Khoảng 68% số người Singapore trả lời khảo sát Quan điểm của CEO toàn cầu 2022 của công ty kiểm toán KPMG cho rằng cơ chế thuế toàn cầu mới gây lo ngại đáng kể cho tăng trưởng của công ty họ, giảm từ mức 80% trong cuộc khảo sát năm 2021.
Mặc dù điều này cho thấy các công ty đang dần chấp nhận mức thuế suất sắp có hiệu lực, nhưng những tương tác với các công ty đa quốc gia ở Singapore cho thấy không phải tất cả các doanh nghiệp ở đây đều có đánh giá thực tế về những chi phí tiềm ẩn đối với doanh nghiệp và đất nước của họ, cũng như thời gian, nguồn lực và quy trình bổ sung có thể liên quan đến việc tuân thủ quy định thuế mới. Điều này có thể gây ra những thách thức ngắn hạn cho các công ty đa quốc gia, và cản trở động lực kinh tế tổng thể của Singapore.
Những chi phí ngắn hạn
Một số công ty có thể vẫn tin rằng thuế tối thiểu toàn cầu chỉ nhắm mục tiêu vào các hoạt động kỹ thuật số. Tuy nhiên, các quy định thuế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả các tập đoàn có thu nhập toàn cầu hằng năm 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) hoặc hơn, bất kể là ngành gì.
Các công ty có thể mong muốn tìm kiếm lời khuyên đối với những tác động mà họ có thể gặp phải, trong đó có chi phí thuế tiền mặt cao hơn và lợi nhuận giảm trên mỗi cổ phiếu. Ở các khu vực pháp lý có ưu đãi thuế, như Singapore, chi phí có thể gia tăng đáng kể.
Ví dụ, một tập đoàn hoạt động ở Singapore hiện đang được hưởng thời gian miễn thuế Pioneer Status của nước này có thể phải đối mặt với mức thuế suất thực tế cho các hoạt động ở đây lên tới 15%.
Hơn nữa, việc tuân thủ các quy định mới sẽ cần thêm các nguồn lực con người và kỹ thuật, và làm gia tăng những rủi ro về việc tuân thủ thuế. Ví dụ, trước đây, việc kê khai thuế ở Singapore được thực hiện dựa trên cơ sở từng thực thể.
Những quy định mới nhất sẽ đòi hỏi các công ty đa quốc gia chỉ định một thực thể duy nhất chịu trách nhiệm về thuế của tất cả các hoạt động của tập đoàn tại quốc gia này.
Điều này có thể buộc các thực thể phải chia sẻ thông tin tài chính trên khắp tập đoàn, đòi hỏi các quá trình quản trị mới, trong đó có việc phân bổ trách nhiệm pháp lý giữa các thực thể khác nhau về bất kỳ khoản thuế bổ sung nào.
Các loại thuế như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu suất của các thực thể. Đối với các doanh nghiệp, điều này khiến họ phải xem xét các tiến trình quản trị mới và các khoản ngân sách cho chức năng thuế lớn hơn để hỗ trợ việc tuân thủ báo cáo nộp thuế ở cấp độ toàn cầu, cũng như ở mỗi quốc gia.
Các công ty cũng có thể cần nâng cấp các hệ thống thông tin của họ để đối phó với khối lượng lớn dữ liệu và tăng cường sự phối hợp trên khắp và bên trong các khu vực pháp lý.
Sau khi thực hiện các quy định thuế toàn cầu này, một số khu vực pháp lý có thể thay đổi ưu đãi thuế của mình để thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc thay thế chúng bằng các khoản hỗ trợ, trợ cấp hay các khuyến khích đầu tư khác. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến các chiến lược thuế, kinh doanh (trong đó có các chuỗi cung ứng) và tài chính.
Cần có sự liên kết
Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong thừa nhận rằng nước này sẽ cần nỗ lực hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh cơ chế thuế thắt chặt hơn. Các biện pháp có thể bao gồm nâng cấp lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh nói chung của nước này.
Thực hiện các biện pháp này cũng đồng nghĩa với việc cần có sự liên kết với các doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo về kinh doanh và thuế cần cập nhật cho đồng nghiệp của họ trong các đơn vị kinh doanh ở các khu vực pháp lý khác nhau về những thay đổi đó để giúp họ điều chỉnh các chiến lược của mình trước những bối cảnh hoạt động và đầu tư đang thay đổi ở địa phương.
Việc tuân thủ các quy định mới cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các ê-kíp thuế và tài chính, bên trong các khu vực pháp lý và trên quy mô toàn cầu. Các quy định đòi hỏi thông tin tài chính rộng rãi đối với việc tính toán cơ sở thuế cho mức thuế tối thiểu toàn cầu. Điều quan trọng là các nhóm phải làm việc cùng nhau để đưa ra dữ liệu kế toán phù hợp và sẵn có.
Đối mặt với những đòi hỏi mới ở trong nước và trên toàn cầu, các ê-kíp về thuế và tài chính cần duy trì phản ứng nhanh với các vấn đề như lỗ hổng dữ liệu và tiêu chuẩn kế toán nào được áp dụng.
Ví dụ, các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của Mỹ hay các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế. Chính phủ Singapore có thể xem xét hỗ trợ thêm cho các công ty để ứng phó với sự thay đổi này.
Singapore không nên đánh giá thấp tác động sắp xảy ra của các quy định thuế tối thiểu toàn cầu, và cần phải lường trước những ảnh hưởng trên diện rộng đối với các chiến lược thuế, kinh doanh và tài chính của nhiều doanh nghiệp quốc tế.
Trong một môi trường kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp tư nhân để đáp ứng với những sự thay đổi này sẽ có ý nghĩa then chốt không chỉ đối với sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn đối với sự thịnh vượng và khả năng tồn tại lâu dài của Singapore với tư cách là điểm đến cho doanh nghiệp./.