Tác động của viện trợ Mỹ với cuộc chiến tại Ukraine
Hãng AP dẫn lời giới phân tích nhận định khoản viện trợ mới của Mỹ sẽ giúp Ukraine tránh được thất bại, nhưng chưa chắc giành được chiến thắng.
Vũ khí đạn dược trong khuôn khổ khoản viện trợ gần 61 tỉ USD có thể hỗ trợ Ukraine làm chậm đà tiến công của quân Nga, đồng thời đem lại cho Kyiv thêm thời gian lên kế hoạch dài hạn lấy lại phần lãnh thổ đã mất.
“Viện trợ đem lại cho Ukraine khả năng tiếp tục tham chiến. Đôi lúc trong chiến tranh chỉ cần trụ vững, tránh đầu hàng là được”, theo Giáo sư Michael Clarke (Đại học King).
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ Ukraine vào cuối tuần trước, đến ngày 23.4 Thượng viện Mỹ cũng nhanh chóng bỏ phiếu thông qua. Tổng thống Joe Biden ký ban hành vào ngày 24.4. Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Washington đã chuẩn bị sẵn một gói viện trợ 1 tỉ USD cung cấp đạn pháo, đạn và tên lửa phòng không, xe bọc thép cùng những vũ khí khác.
Cục diện tiền tuyến miền Đông và miền Nam Ukraine có thể thay đổi trong vài ngày tới. Hiện tại Nga đang chiếm dần lãnh thổ nhờ sự vượt trội về quân số lẫn vũ khí.
Với viện trợ mới, Ukraine sẽ thoải mái sử dụng số đạn pháo hiện còn. Nhiều trang thiết bị khác từ kho dự trữ của Mỹ tại Ba Lan, Đức, Mỹ sắp được gửi đến. Nghị sĩ đảng SN cầm quyền Davyd Arakhamia tuyên bố các chuyến hàng đầu tiên dự kiến đến vào tuần tới, tuy nhiên thành viên Ủy ban An ninh, quốc phòng và tình báo thuộc Quốc hội Ukraine Vadym Ivchenko cảnh báo khó khăn về hậu cần và bộ máy quan liêu có thể gây trì hoãn 2 đến 3 tháng, thậm chí lâu hơn. Đột phá trên chiến trường tùy thuộc vào việc viện trợ có đến kịp thời hay không.
Trụ vững hết năm nay
Nhiều chuyên gia tin rằng cả Ukraine và Nga đều kiệt sức sau hơn 2 năm giao chiến nên không đủ khả năng phát động một đợt tấn công lớn nào nữa. Cả hai đang chờ đến năm sau.
Thế nhưng hiện tại quân Nga vẫn tiến lên tại một số điểm dọc tiền tuyến, sử dụng xe tăng, lượng lớn bộ binh cùng bom dẫn đường bằng vệ tinh làm tiêu hao các lực lượng Ukraine. Moscow còn nhắm đến nhiều nhà máy điện cũng như nỗ lực đánh chiếm thành phố Kharkiv một lần nữa.
Nghị sĩ Ivchenko cho biết mục tiêu trước mắt của Ukraine là giữ vững phòng tuyến cho đến khi vũ khí viện trợ được gửi đến vào giữa mùa hè. Sau đó họ có thể phản công giành lại phần lãnh thổ vừa bị mất tại vùng Donetsk, dự kiến trong cuối mùa hè.
Học giả Matthew Savill (Viện Nghiên cứu RUSI) nhận định viện trợ mới từ Mỹ chỉ giúp củng cố vị trí của Ukraine trong năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho hoạt động năm tới.
Ở kịch bản tốt nhất, các chỉ huy sẽ có thêm thời gian tái sắp xếp lực lượng đồng thời tổ chức huấn luyện (rút kinh nghiệm từ đợt phản công thất bại năm ngoái). Viện trợ từ Mỹ cũng khuyến khích nhiều đồng minh châu Âu nhanh chóng gửi thêm vũ khí.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ít lần khẳng định quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ từ tay Nga, gồm cả bán đảo Crimea bị chiếm năm 2014. Cho dù cuộc chiến kết thúc bằng đàm phán, giới chuyên gia tin rằng ông vẫn muốn Ukraine đạt được ưu thế trên chiến trường để có thể mặc cả tốt hơn.
Khó khăn phía trước
Tuy Mỹ cấp thêm viện trợ, nhưng vẫn còn yếu tố mà Ukraine khó lòng kiểm soát.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đang cố gắng trở lại Nhà Trắng - từng bố tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng vài ngày sau khi nhậm chức. Ông liên tục phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, không loại trừ khả năng chính trị gia này ngừng viện trợ để đổi lấy việc Nga ngừng chiến dịch quân sự.
Tại châu Âu, một số nhà lãnh đạo như Thủ tướng Hungary Viktor Orbán hay Thủ tướng Slovakia Robert Fico tiếp tục phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Các nước vẫn chấp nhận viện trợ thì lại hạn chế cung cấp một số vũ khí, khí tài do lo ngại khiến cuộc chiến leo thang hoặc kho dự trữ nước mình cạn kiệt.
Trong lúc Ukraine chờ viện trợ, Nga tận dụng ưu thế về quân số lẫn vũ khí đẩy mạnh tấn công. Thời gian qua Moscow cố chiếm thị trấn chiến lược Chasiv Yar nhằm mở đường tiến đến hai thành phố quan trọng khác là Sloviansk và Kramatorsk, hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk.