Ukraine triển khai hệ thống MIM-23 Hawk giả làm mồi nhử 'bẫy' Nga

Những bức ảnh do OSINTdefender chia sẻ trên mạng xã hội X cho thấy, các lực lượng vũ trang Ukraine đã đặt ít nhất ba bệ phóng tên lửa đất đối không tầm trung ở các vị trí chiến lược. Đáng chú ý, đây là những mô hình giả, được thiết kế giống với hệ thống MIM-23 Hawk thật để làm mồi nhử.

Tầm quan trọng của chiến thuật sử dụng mồi nhử

Việc sử dụng mồi nhử là một trong những chiến thuật đánh lạc hướng quân sự cổ điển nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho đối phương. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng chiến thuật này trong suốt cuộc chiến để chuyển hướng hỏa lực của nhau hoặc che giấu vị trí của các đơn vị chiến đấu thật sự. Khi xung đột ngày càng leo thang, những biện pháp như vậy đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp duy trì khả năng hoạt động của hai bên trên chiến trường.

Ukraine triển khai mô hình giống hệ thống MIM-23 Hawk. Nguồn: X

Ukraine triển khai mô hình giống hệ thống MIM-23 Hawk. Nguồn: X

MIM-23 Hawk là một hệ thống phòng không mạnh mẽ do Mỹ phát triển, được sử dụng rộng rãi trong nhiều cuộc xung đột khác nhau. Mặc dù ra đời từ những năm 1960 nhưng hệ thống vẫn hoạt động hiệu quả nếu được triển khai một cách thích hợp. Bằng cách tạo ra những mô hình trông giống như thật, Ukraine có thể gây nhầm lẫn cho các nỗ lực trinh sát của Nga và chuyển hướng hỏa lực về phía các mục tiêu giả.

Trong suốt cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã sử dụng rộng rãi chiến thuật đánh lừa bằng mồi nhử. Những mồi nhử này được chế tạo tỉ mỉ để mô phỏng các khí tài quân sự thật thu hút sự chú ý của đối phương, giúp bảo vệ các vị trí và tài sản chiến lược của Kiev.

Một trong những chiến thuật đánh lừa đáng chú ý nhất là việc sử dụng xe tăng giả mô phỏng các mẫu xe tăng T-72 và T-80. Những mô hình này được chế tạo từ các vật liệu nhẹ như gỗ và kim loại nhưng được sơn sửa kỹ lưỡng và có thiết kế để trông giống như xe bọc thép khi quan sát từ mặt đất lẫn trên không. Ngoài xe tăng giả, Ukraine cũng triển khai các hệ thống pháo binh giả, trong đó có cả bản sao của lựu pháo M777 và bệ phóng tên lửa BM-21 Grad.

Các mồi nhử này được bố trí ở các khu vực chiến lược mà trinh sát Nga dễ phát hiện, khiến lực lượng đối phương lãng phí đạn dược và công sức để tấn công. Ngoài ra, việc bố trí dày đặc các mô hình giả pháo hạng nặng, hay xe tăng cũng có thể khiến chỉ huy Nga đánh giá sai lầm về sức mạnh quân sự của Ukraine ở một số khu vực nhất định. Khi nhìn thấy nhiều “xe tăng” di chuyển hoặc tập trung tại một vị trí, đối phương có thể tin rằng Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn, buộc họ phải điều chuyển lực lượng để ứng phó với mối đe dọa không có thật.

Phòng không cũng là một trong những lĩnh vực mà Ukraine áp dụng chiến thuật này. Kiev đã sử dụng mô hình của hệ thống MIM-23 Hawk, cũng như các hệ thống phòng không khác như S-300 và Buk, để mô phỏng một mạng lưới phòng không mạnh mẽ.

Những mồi nhử này được thiết kế để đánh lạc hướng máy bay, máy bay không người lái và tên lửa của Nga ra khỏi các vị trí phòng thủ thực sự của Ukraine, đảm bảo sự an toàn cho các hệ thống thật trước các cuộc tấn công. Hình thức đánh lừa này đặc biệt hữu ích trong việc làm giảm hiệu quả các cuộc không kích của Nga.

Ngoài ra, Ukraine đã triển khai các hệ thống radar và trung tâm liên lạc giả. Các radar giả này được thiết kế để mô phỏng hoạt động của các hệ thống thực, tạo ra tín hiệu đánh lừa thiết bị trinh sát của Nga. Khi Nga cho rằng họ đã tìm thấy một trung tâm chỉ huy hoặc trạm radar quan trọng của đối phương, Moscow có thể thực hiện cuộc tấn công chính xác vào những mục tiêu này. Kết quả là chỉ mục tiêu giả bị bắn hạ, còn những trung tâm chỉ huy thực sự của Ukraine vẫn được đảm bảo an toàn.

Kiev cũng được cho là sử dụng các phương tiện hậu cần giả, chẳng hạn như xe tải và đoàn xe tiếp tế, để khiến Nga nhầm lẫn về các hoạt động di chuyển của họ. Những phương tiện vận tải giả này được thiết kế giống với các đoàn xe thực sự, khiến đối phương nhận định sai lệch về các đợt tăng viện hoặc tuyến đường tiếp tế quy mô lớn của Ukraine. Bằng cách thu hút sự chú ý của đối phương vào những phương tiện giả này, Ukraine có thể giúp các đơn vị hậu cần thực sự của họ tránh khỏi vùng nguy hiểm.

Vai trò của các nhà cung cấp

Chiến thuật đánh lừa được coi là một biện pháp có giá trị trong kế hoạch phòng thủ của Ukraine, giúp nước này ngăn cản các hoạt động của Nga và bảo tồn những nguồn lực quan trọng. Ukraine không chỉ tự chế tạo các mô hình giả mà còn nhờ sự hỗ trợ của các nhà cung cấp bên ngoài.

Mặc dù thông tin chi tiết chính xác về các nhà cung cấp vẫn chưa được tiết lộ, nhưng giới phân tích cho rằng, nhiều công ty quốc phòng phương Tây, trong đó có những công ty có lịch sử lâu đời về thiết kế và sản xuất thiết bị huấn luyện quân sự, có khả năng liên quan đến tiến trình này.

Một số nhà cung cấp có thể đã có các hợp đồng mua bán với các quốc gia NATO. Sau đó NATO cung cấp lại trang thiết bị mô phỏng cho Ukraine để đối phó với hoạt động quân sự của Nga trong khu vực.

Ngoài các công ty quốc phòng châu Âu, một số công ty ở Đông Âu, được cho là đã tham gia hỗ trợ vật chất và chuyên môn kỹ thuật cho Kiev. Những nhà cung cấp này thường có lợi thế về vị trí địa lý và am hiểu về chiến thuật quân sự của Nga, khiến hệ thống mồi nhử của họ trở nên đặc biệt hiệu quả.

Thông qua các mối quan hệ đối tác đó, Ukraine đã tiếp cận được công nghệ tiên tiến không chỉ mô phỏng không chỉ vũ khí trên mặt đất mà còn cả hệ thống radar và liên lạc, vốn rất quan trọng trong xung đột hiện đại.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Bulgaria Military

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ukraine-trien-khai-he-thong-mim-23-hawk-gia-lam-moi-nhu-bay-nga-post1147099.vov