Tác động hai chiều trong hội nhập: Cần một bộ chỉ số văn hóa quốc gia
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, văn hóa Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải được nâng tầm trở thành sức mạnh mềm quốc gia. Việc đưa văn hóa Việt vươn ra thế giới hay tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa nhân loại là bước đi có tính chiến lược, góp phần củng cố nội lực và định vị văn hóa Việt trên bản đồ thế giới.

Quảng bá vẻ đẹp Việt Nam ra thế giới là bước đi chiến lược, bài bản. (Ảnh: VŨ LINH)
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Đề án Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa. Mục tiêu không chỉ dừng ở việc củng cố nội lực văn hóa dân tộc, mà còn hướng tới khẳng định hình ảnh, bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế và đóng góp vào tiến trình phát triển văn hóa nhân loại.
Từ yêu cầu thực tiễn đến nền tảng hoạch định chính sách
Việt Nam là quốc gia có bề dày văn hóa với hệ giá trị riêng, chưa từng bị đồng hóa dù trải qua nhiều biến thiên lịch sử.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên toàn cầu, bảo tồn đơn thuần không đủ. Bản sắc văn hóa cần được phát triển trên nền tảng hội nhập chọn lọc, tiếp thu tinh hoa nhân loại để làm giàu vốn văn hóa nội sinh đồng thời lan tỏa các giá trị độc đáo của dân tộc ra thế giới.
Để hiện thực hóa định hướng này một cách khoa học, bài bản, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá tác động hai chiều của văn hóa trong quá trình hội nhập.
Đây sẽ là công cụ định lượng và định tính nhằm hỗ trợ xây dựng khung chính sách toàn diện, xác lập mục tiêu cụ thể và thiết kế các giải pháp hiệu quả nhằm lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới và tiếp biến ảnh hưởng quốc tế một cách chủ động.

Việt Nam là quốc gia giàu bản sắc văn hóa. (Ảnh: VŨ LINH)
Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ từ các làn sóng văn hóa quốc tế, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Những ảnh hưởng này thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa xã hội, từ điện ảnh, âm nhạc, thời trang đến hành vi tiêu dùng và lối sống.
Các lễ hội văn hóa như "Korea Day”, “Lễ hội hoa anh đào”, các chương trình giao lưu quốc tế, hội chợ du lịch, triển lãm nghệ thuật… trở thành cầu nối quan trọng, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
Ngược lại, các yếu tố văn hóa Việt như ẩm thực, nghệ thuật dân gian, di sản được UNESCO vinh danh, trang phục truyền thống… cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia, nhưng vẫn thiếu công cụ đánh giá hiệu quả tác động, mức độ lan tỏa hay khả năng định hình nhận thức văn hóa của công chúng quốc tế.
Thời gian gần đây, Việt Nam thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, nông sản và các sản phẩm sáng tạo ở nước ngoài qua các kỳ triển lãm thế giới EXPO, Tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Ngày quốc gia Việt Nam tại các nước, festival và lễ hội quốc tế… Những hoạt động này góp phần đưa hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Việt Nam tích cực quảng bá du lịch qua các hoạt động giao lưu quốc tế. (Ảnh: VŨ LINH)
Tuy nhiên, các hoạt động này còn thiếu sự phối hợp hệ thống, thiếu cơ chế giám sát, khảo sát truyền thông, phản hồi để điều chỉnh nội dung phù hợp. Điều đó gây khó khăn trong hoạch định chính sách ưu tiên, lựa chọn lĩnh vực đầu tư và kiểm soát ảnh hưởng từ các giá trị ngoại lai, đặc biệt đối với giới trẻ là nhóm đối tượng dễ bị chi phối.
So với tiềm năng, chúng ta chưa có hệ sinh thái đủ mạnh để hỗ trợ, thiếu cơ chế đo lường, thiếu chỉ số cụ thể, thiếu các báo cáo định lượng về hiệu quả truyền thông và khả năng định vị hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ tiêu chí – nền tảng chiến lược hoạch định chính sách
Trong thời đại số, khi ranh giới địa lý bị xóa nhòa bởi công nghệ và giao lưu văn hóa diễn ra nhanh với tiếp biến đa chiều, việc “thẩm định văn hóa”, “đo lường bản sắc” hay “thước đo văn hóa” trở nên cấp thiết.
Tiếp nhận giá trị ngoại nhập cần đi kèm với khả năng chuyển hóa phù hợp để các yếu tố đó được nội địa hóa thành một phần bản sắc Việt.
Ngược lại, để văn hóa Việt Nam chinh phục thế giới, cần một chiến lược toàn diện với hệ sinh thái hỗ trợ vững chắc, bao gồm truyền thông, chính sách, sáng tạo nội dung và ngoại giao văn hóa.
Tại hội nghị góp ý xây dựng đề án, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội-Ban Chính sách Chiến lược Trung ương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ tiêu chí đánh giá tác động hai chiều trong hội nhập văn hóa.
Theo đó, cần đánh giá không chỉ mức độ ảnh hưởng của văn hóa ngoại nhập tới đời sống kinh tế-xã hội trong nước mà còn đo lường hiệu quả lan tỏa của văn hóa Việt ra quốc tế.
Một số ý kiến đồng tình việc cần thiết phải có bộ tiêu chí đánh giá này. Xây dựng bộ tiêu chí là nội dung quan trọng bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và khoa học của đề án.
Bộ tiêu chí cần mang tính đa chiều, tích hợp phương pháp định lượng và định tính, đánh giá toàn diện các khía cạnh: tác động đến thị hiếu, hành vi tiêu dùng văn hóa, phong cách sống; ảnh hưởng tới hệ giá trị, ngôn ngữ, thẩm mỹ; độ nhận diện và sức lan tỏa của sản phẩm văn hóa Việt tại thị trường quốc tế; khả năng đóng góp vào du lịch, xuất khẩu văn hóa, hợp tác giáo dục-truyền thông; mức độ đón nhận theo khu vực, nhóm đối tượng.

Bản sắc văn hóa Việt đang được giới thiệu mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. (Ảnh: VŨ LINH)
Những quốc gia thành công trong việc nâng văn hóa lên tầm sức mạnh mềm đều đầu tư cho hệ thống đo lường tác động. Hàn Quốc sớm thiết lập các chỉ số thống kê hiệu quả xuất khẩu sản phẩm sáng tạo, từ phim ảnh, K-pop đến mỹ phẩm, thời trang.
Nhật Bản cũng chú trọng lồng ghép các chương trình giao lưu văn hóa với hệ thống đánh giá để điều chỉnh nội dung phù hợp từng thị trường mục tiêu.
Điểm chung là các quốc gia này không chỉ có chiến lược bài bản, mà còn sở hữu hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, từ chính sách, sáng tạo đến truyền thông và phản hồi xã hội.
Tiếp nhận văn hóa quốc tế không nên dừng ở học hỏi hoặc mô phỏng mà cần “Việt Nam hóa”, chuyển hóa phù hợp với hệ giá trị truyền thống và lợi ích quốc gia.
Ngược lại, việc “quốc tế hóa” văn hóa Việt Nam không chỉ là đưa sản phẩm ra thế giới một cách tự phát mà phải có chiến lược, lựa chọn, đo lường, điều phối chặt chẽ.
Bộ tiêu chí đánh giá khoa học sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình hành động cụ thể, phân bổ nguồn lực hiệu quả, điều chỉnh nội dung phù hợp từng thị trường, nâng cao khả năng lan tỏa và kết nối bền vững.

Lan tỏa hình ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh: VŨ LINH)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu xác lập việc xây dựng bộ tiêu chí như một hợp phần chiến lược trong Đề án Đẩy mạnh hội nhập văn hóa quốc tế. Đây không chỉ là công cụ đánh giá, mà còn là nền tảng định vị bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Khi có hệ đo lường chuẩn mực, đề án sẽ tránh được sự cảm tính, phong trào từ đó phát huy sức mạnh mềm quốc gia một cách căn cơ và lâu dài.
Đặc biệt, trong chiến lược phát triển toàn diện, việc lượng hóa văn hóa bằng chỉ số, dữ liệu và công cụ phân tích sẽ không chỉ phục vụ ngành văn hóa, mà còn là nguồn lực quý báu cho các lĩnh vực thương mại, du lịch, giáo dục, công nghệ, từ đó góp phần lan tỏa những giá trị chân-thiện-mỹ, khẳng định hình ảnh một Việt Nam năng động, sáng tạo và đậm đà bản sắc giữa thế giới.