Tác động nguy hiểm từ vụ tấn công cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia

Vụ máy bay không người lái của phiến quân Houthi tấn công cơ sở sản xuất dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia đang gây ra một sự tồi tệ nhất từ trước đến nay đến thị trường dầu mỏ thế giới,

Mỹ tố cáo Iran đứng đằng sau các vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia

Mỹ tố cáo Iran đứng đằng sau các vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia

Thiếu hụt nguồn cung, giá dầu phi mã

Saudi Arabia là quốc gia dầu lửa lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, và là người “khổng lồ” xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh thế giới đang mấp mé bờ vực chiến tranh giữa Iran và Mỹ, Anh, cũng như các vụ bắt tàu dầu của nhau, hay căng thẳng gia tăng ở các tuyến đường vận chuyển dầu thô tại các Eo biển Hormuz, Bab-el-Mandeb,... thì cơn sốc giá dầu lần này đang đẩy cả thế giới vào một “lò lửa” chưa thấy đường ra.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy của Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên quốc gia Aramco ở Abqaia và Khurais tại Saudi Arabia ngày 14.9 vừa qua đã khiến Saudi Arabia phải tạm dừng sản xuất tại 2 cơ sở dầu mỏ, vốn chiếm tới khoảng 50% tổng sản lượng của Aramco.

Những cơ sở này trung bình sản xuất 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức khoảng gần 6% sản lượng dầu thô toàn cầu.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổng sản lượng dầu thô của Saudi Arabia ở mức 9,8 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung toàn cầu.

Trong đó, Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên quốc gia Aramco hiện nắm trong tay phần lớn hoạt động khai thác và tinh luyện dầu của Saudi Arabia.

Không chỉ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Aramco còn là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thế giới, được định giá hơn 1,5 ngàn tỷ USD.

Chính vì vậy, sự sụt giảm nguồn cung từ Saudi Arabia đã khiến giá “vàng đen” thế giới tăng mạnh.

Phản ứng tức thời của thị trường ngay sau vụ tấn công nói trên là việc giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, tăng vọt khoảng 20% sau khi mở cửa phiên sáng ngày 15.9, trong đó giá dầu Brent ghi nhận mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 1990-1991.

Trong ngày 16.9, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục chứng kiến những mức tăng kỷ lục mới với giá dầu Brent giao trong tháng 11 có lúc tăng tới 19% trước khi giữ ở mức 69,02 USD/thùng, tương đương tăng 14,61%.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas cũng tăng 14% lên 62,90 USD/thùng, mức tăng lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ qua

Đối với thị trường dầu mỏ, đây là sự gián đoạn bất ngờ và tồi tệ nhất từ trước đến nay. Sự biến động chưa từng có này cũng đang gây tác động khắp thị trường tài chính.

Thị trường chứng khoán của các nước lao đao, với S&P 500 giảm 0,4%, Mỹ cùng chung số phận khi mất 0,3%, Eurostoxx 50 trượt 0,7%, DAX của Đức mất 0,9%, CAC 40 của Pháp giảm 0,5%, trong khi tại London FTSE tăng 0,3%.

Các tài sản vốn được coi là nơi trú ẩn, bao gồm vàng, đồng Yen và trái phiếu kho bạc, đều đã tăng trước những quan ngại sụp đổ trật tự địa chính trị ở Trung Đông sau vụ tấn công kể trên.

Các loại tiền tệ của Canada và Na Uy cũng tăng. Hợp đồng xăng tương lai của Mỹ cũng đã tăng 13%...

Sau cú sốc tăng giá vào ngày 16.9, giá dầu đã giảm xuống phần nào trong phiên giao dịch ngày 17.9 sau khi nhiều nước, trong đó có Mỹ, cho biết sẽ dùng kho dự trữ chiến lược để đảm bảo nguồn cung dầu cho thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16.9 cũng đã cho phép mở kho dự trữ dầu chiến lược hiện đang có 713 triệu thùng của Mỹ. Quyết định của ông Trump đã có một tác động tâm lý đáng kể. Trong phiên mở cửa phiên giao dịch châu Á sáng ngày 17-9, giá dầu WTI giảm nhẹ dao động ở mức 61 USD/thùng, giảm 0,22% so với ngày 16-9. Giá dầu Brent cũng duy trì ở mức 68 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới hiện vẫn được xem là ở mức cao. Các nhà phân tích nhận định, nếu các cơ sở lọc dầu trên không được sửa chữa nhanh chóng, sự gián đoạn nguồn cung vẫn có thể làm giảm 7,4 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Saudi Arabia trong 3 quý tới, tương đương 5% nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, chưa thể xác định hoạt động sản xuất dầu của Saudi Arabia sẽ bị đình trệ trong bao lâu. Hiện Tập đoàn Aramco chưa đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm khôi phục hoàn toàn sản lượng dầu sau vụ tấn công nêu trên.

Hãng tin Reuters cho biết, việc khôi phục hoàn toàn sản lượng dầu của nước này có thể phải diễn ra trong “nhiều tuần, chứ không phải nhiều ngày”.

Mối lo ngại trước những vụ tấn công mới nhằm vào các mỏ dầu và đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia cũng khiến người ta lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung sẽ lớn hơn trong tương lai.

Kể từ sau vụ tấn công ngày 14.9, lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen vẫn đe dọa sẽ tiếp tục tấn công vào các nhà máy sản xuất dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia vào “bất cứ lúc nào”.

Suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới

Một điều đáng lưu ý là mức tăng kỷ lục của giá dầu sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia ngày 14.9 vừa qua đến vào thời điểm “không thể tồi tệ” hơn của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu áp lực giảm tốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nguồn cầu đang suy yếu.

Giới phân tích nhận định, việc giá “vàng đen” tăng vọt được cho là sẽ tạo nên những tác động khác nhau trên toàn thế giới.

Một mặt, các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ hưởng lợi từ doanh thu của các công ty và chính phủ, nhưng mặt khác việc giá dầu tăng cao hơn sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng và siết chặt các doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lượng để sản xuất hoặc vận chuyển hàng hóa của họ.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, như Trung Quốc và Nhật Bản, các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới sau Mỹ, sẽ bị tác động nhiều.

Với Trung Quốc, là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng do giá dầu thô tăng. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc sản xuất khoảng 4,8 triệu thùng dầu/ngày nhưng tiêu thụ khoảng 12,8 triệu thùng/ngày, khiến nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu.

Nền kinh tế Trung Quốc đã phải chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu trên diện rộng. Giá dầu cao hơn sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của nước này chậm hơn nữa, điều này sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác có nguy cơ dòng vốn tháo chạy và tiền tệ rớt giá. Nhiều nước châu Âu cũng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu này.

Đối với Mỹ, các chuyên gia nhận định vụ tấn công nhằm vào cơ sở sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia ngày 14.9 tạm thời chưa có nhiều tác động trực tiếp tới kinh tế Mỹ.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ gần đây đang gặp khó khăn do sản xuất năng lượng tăng nhưng nhu cầu lại giảm khiến giá cả bị giảm xuống, thì cú sốc giá dầu tăng lần này được xem là có thể bù đắp những tổn thất thời gian qua cho các công ty dầu mỏ của Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc giá dầu tăng có thể giúp thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào hoạt động thăm dò và khoan dầu, thì cũng gây ra lo ngại có thể làm giảm đầu tư cố định vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng.

Nhìn chung, các nhà phân tích nhận định, việc các nước tiêu thụ dầu sẽ phải chịu chi phí cao hơn sẽ dẫn đến khả năng lạm phát. Tuy nhiên, điều thị trường quan ngại không chỉ là lạm phát, mà lớn hơn chính là ảnh hưởng của cú sốc giá cả này đối với nhu cầu toàn cầu vốn đã bị suy yếu.

Ông Louis Luijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Oxford Economic ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, sự thiếu hụt sản xuất và tăng giá sẽ bóp nghẹt sức mua, khiến người dân cân nhắc chi tiêu vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu vốn đã bấp bênh.

Trước đây, một phân tích của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2017 đã chỉ ra rằng, một cú sốc kỷ lục với nguồn cung dầu, khiến giá dầu tăng đến mức hơn 10% sẽ có thể làm hao tổn 0,1% sản lượng thế giới trong vòng 2 năm.

Vào tháng 7 vừa qua, IMF cho biết sự giảm tốc mạnh mẽ của thương mại đã khiến nền kinh tế chững lại. Dự báo, tăng trưởng toàn cầu, được điều chỉnh theo lạm phát, sẽ giảm xuống 3,2% trong năm 2019, từ mức 3,6% của năm 2018 và 3,8% trong năm 2017.

Nếu các cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabi vào ngày 14-9 vừa qua dẫn đến giá năng lượng tiếp tục cao, điều này có thể tiếp tục làm giảm sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Nguy cơ trả đũa

Mặc dù đến nay lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công trên và cho biết, đã điều khiển 10 máy bay không người lái nhằm vào cơ sở lọc dầu ở Abqaiq cũng như Khurais, nhưng Mỹ vẫn khẳng định, mọi dấu hiệu cho thấy Iran mới là thủ phạm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16.9 cho biết nước này đã “sẵn sàng hành động” để đáp trả các vụ tấn công nói trên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông “có lý do để tin rằng” mình biết rõ “kẻ chủ mưu” trong vụ hai nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Aramco tại Saudi Arabia trúng đòn tấn công hôm 14.9. Trong khi tuyên bố lực lượng Mỹ đang trong tư thế “đạn đã lên nòng”, nhà lãnh đạo cho hay vẫn chờ tin tức tiếp theo từ Riyadh.

Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ đề cập đến khả năng phản ứng quân sự và lời cảnh báo trên được đưa ra sau cuộc họp tại Nhà Trắng của Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham gia của Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Những diễn biến này đang gợi lại “kịch bản” quen thuộc cách đây chỉ 3 tháng, khi hai tàu chở dầu quốc tế bị tấn công trên vùng biển gần eo biển chiến lược Hormuz. Khi đó, Mỹ cũng ngay lập tức cáo buộc Iran là thủ phạm và đưa ra các bằng chứng cho cáo buộc của mình.

Tuy nhiên, đáp lại các cáo buộc của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã phủ nhận vai trò của Iran trong vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia và mỉa mai, trong bối cảnh Washington thất bại trong chiến lược “sức ép tối đa”.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Iran Zarif, Mỹ cùng các đồng minh đang mắc kẹt tại Yemen do ảo tưởng về sự vượt trội về khí tài sẽ dẫn đến chiến thắng quân sự. Đổ lỗi cho Iran sẽ không giúp chấm dứt thảm họa này.

Trong khi đó, Chỉ huy Không quân của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Amirali Hajizadeh ngày 15.9 thì cảnh báo, tất cả các căn cứ và tàu sân bay của Mỹ trong phạm vi bán kính 2.000 km đều nằm trong tầm ngắm của các tên lửa của Iran.

Ông Hajizadeh tuyên bố, Tehran từ lâu đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực.

Trước những cảnh báo trả đũa lẫn nhau trên, giới phân tích cho rằng, bất kể vụ tấn công xuất phát từ bất cứ đâu và ai là người chủ mưu thì những vụ trả đũa sẽ dẫn đến những bước đi có thể làm thay đổi cục diện vùng Vịnh, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực này được ví với thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Trước đó vào tháng 6.2019, việc Iran bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ mà Tehran cho là vi phạm không phận quốc gia này cũng đã gây căng thẳng ở khu vực khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như đã đi đến một quyết định tấn công Iran mặc dù sau đó ông Trump đã rút lại quyết định này ngay sau đó.

Chưa rõ liệu lần này Mỹ có tấn công vào các nhà máy và mỏ dầu của Iran hay không sau khi tuyên bố “đạn đã lên nòng”, song nguy cơ trả đũa và sự leo thang căng thẳng tại Trung Đông thì vẫn đang gây ra mối lo ngại sâu sắc về việc có thể đẩy giá dầu tiếp tục gia tăng, bất chấp sự cứu viện từ nguồn dầu dự trữ trên toàn cầu.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/tac-dong-nguy-hiem-tu-vu-tan-cong-co-so-loc-dau-o-saudi-arabia-116508