Tác động trực tiếp từ thuế quan đối ứng của Mỹ lên HPG không đáng kể, cổ phiếu được khuyến nghị mua
Theo phân tích của Công ty chứng khoán VietCap, rủi ro đáng lưu ý của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) nằm ở áp lực gián tiếp từ việc giá thép Trung Quốc giảm, có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước.
Theo Công ty Chứng khoán VietCap, cổ phiếu HPG có cơ hội đầu tư tăng trưởng tốt với CAGR lợi nhuận dự phóng giai đoạn 2024–27 đạt 28%, được hỗ trợ bởi nhu cầu xây dựng hạ tầng mạnh và mở rộng công suất HRC tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 (DQ2).
Đối với thép xây dựng, mục tiêu giải ngân đầu tư công tính đến tháng 5/2025 đã được điều chỉnh tăng hơn ~40% so với mục tiêu công bố vào tháng 10/2023 sau 2 lần điều chỉnh. Trong tháng 4/2025, giải ngân tăng mạnh 28% YoY, tương đương 63% mức giải ngân trong quý 1/2025, nâng mức tăng giải ngân trong 4T 2025 lên 16% YoY từ mức 10% YoY của quý 1.

Doanh thu và lợi nhuận của HPG năm 2024 và dự đoán của VietCap các năm tiếp theo.
Đối với HRC, thị trường trong nước đang thiếu nguồn cung, và hiện được bảo vệ bởi thuế chống bán phá giá (CBPG) áp lên HRC Trung Quốc.
"Chúng tôi cho rằng tác động trực tiếp từ thuế quan đối ứng của Mỹ lên HPG là không đáng kể, do: (1) thép không nằm trong danh sách bị áp thuế đối ứng, (2) Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ mức thuế chung 25% mà Mỹ áp lên tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu, và (3) mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ của HPG rất thấp (~1% sản lượng tiêu thụ năm 2024)", VietCap phân tích.
Rủi ro đáng lưu ý hơn nằm ở áp lực gián tiếp từ việc giá thép Trung Quốc giảm, có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước. Tuy nhiên, thị trường thép xây dựng và HRC Việt Nam hiện được bảo vệ bởi các biện pháp thuế CBPG áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc giá trong nước có thể đi theo xu hướng chung của thép Trung Quốc, nhưng với mức độ biến động thấp hơn.
Xu hướng này đã được chúng tôi quan sát thấy ở mảng thép xây dựng, và VietCap kỳ vọng giá HRC cũng sẽ theo xu hướng tương tự sau khi áp dụng thuế AD20. Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc cũng khiến chi phí đầu vào giảm.
Do đó, trong năm 2025, vẫn kỳ vọng biên lợi nhuận mảng thép của HPG sẽ tăng so với cùng kỳ, nhờ: (1) nâng cao hiệu suất hoạt động tại các nhà máy hiện hữu, và (2) chênh lệch giá đầu vào – đầu ra (spread) cải thiện khi chi phí đầu vào giảm nhanh hơn giá đầu ra, được hỗ trợ thêm bởi các biện pháp bảo hộ thương mại.
Công ty Chứng khoán VietCap duy trì khuyến nghị MUA cho cổ phiếu HPG và tăng 9% giá mục tiêu lên 38.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu HPG được VietCap khuyến nghị mua với mức sinh lời hơn 47%.
VietCap phân tích: Mức tăng trong giá mục tiêu phản ánh dự báo LNST sau lợi ích CĐTS các năm 2025/26/27/28/29 lần lượt tăng 8%/15%/8%/8%/7%. Động lực thúc đẩy chính đến từ: (1) việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2026,(2) doanh thu mảng HRC tăng 7%/15%/15%/15%/15% khi chúng tôi điều chỉnh tăng giả định giá bán bình quân (ASP) trong khi vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng bán, do thuế chống bán phá giá (CBPG) (AD20) đã được áp lên HRC nhập từ Trung Quốc, và (3) tăng dự báo sản lượng thép xây dựng 2% trong cùng kỳ, do kết quả quý 1 vượt kỳ vọng.
VietCap điều chỉnh tăng 8% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2025, chủ yếu nhờ dự báo lợi nhuận mảng thép tăng 7%. Diễn biến này được hỗ trợ bởi: (1) doanh thu thép tăng 3% (cả từ HRC và thép xây dựng), và (2) biên LNST sau lợi ích CĐTS mảng thép tăng 9,1% (so với 8,8%), do tác động tích cực của thuế AD20 lên biên lợi nhuận mảng HRC.
Một yếu tố khác góp phần nâng dự báo là lợi nhuận mảng nông nghiệp tăng 64%, bù đắp một phần cho lợi nhuận mảng BĐS điều chỉnh giảm 41%, khi kết quả quý 1/2025 lần lượt tốt hơn/thấp hơn kỳ vọng.
Hiện tại, HPG đang giao dịch với P/E trung bình giai đoạn 2025–26 là 9,3 lần, so với CAGR lợi nhuận giai đoạn 2024–27 mạnh ở mức 28%, tương ứng với PEG là 0,3 lần. Giá mục tiêu của VietCap phản ánh P/E trung bình giai đoạn 2025–26 đạt 13,7 lần, tương đương cao hơn 1 độ lệch chuẩn mức trung bình 10 năm của HPG (13,6 lần) – định giá mà VietCap cho là hợp lý dựa trên dự báo tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS mạnh trong các năm 2025/26/27, đạt các mức lần lượt là 35%/29%/20%.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.