Tác động từ chính sách tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản cả nước đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, mất cân đối cung cầu. Cùng với nhiều vướng mắc về pháp lý, thì tình trạng 'khát vốn' cũng là điểm chung mà cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đang gặp phải.

Trong bối cảnh đó, phản ứng của Chính phủ được đánh giá là rất kịp thời khi đưa ra hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Khi niềm tin của doanh nghiệp và người dân trở lại, thị trường bất động sản sẽ được phục hồi.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư và người dân quan tâm, tìm hiểu về bất động sản nhiều hơn. Tại thành phố Hà Nội, các sàn giao dịch bất động sản đã mở cửa trở lại sau khoảng 1 năm không hoạt động. Theo phân tích của các chuyên gia, trong năm 2024 và trung hạn, bất động sản vẫn là lĩnh vực có tiềm năng phát triển tốt. Thực tế cho thấy, phân khúc chung cư có giá bình dân vẫn đang có nhu cầu rất lớn.

Ông Trương Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc PropertyX, Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết: "Họ đang sẵn lòng giao dịch, mở hầu bao nhưng phụ thuộc vào hai điều, một là dự án đó nằm ở đâu, vấn đề pháp lý như thế nào. Tất nhiên, chủ đầu tư phải uy tín. Có được những yếu tố đó thì họ sẵn sàng xuống tiền giao dịch".

Với chính sách giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản đang cân đối nguồn lực, chủ động nắm bắt cơ hội đầu tư và sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp khi thị trường khởi sắc hơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Đông cho biết: "Do Ngân hàng không có nguồn vốn giải ngân bù đắp cho nguồn vốn lưu động và vốn để thực hiện dự án nên chúng tôi phải cân đối các nguồn lực tự có. Thứ hai là chúng tôi tiết kiệm giai đoạn đầu tư. Những gì cần thiết chúng tôi đầu tư trước, để đảm bảo việc đầu tư đúng theo kế hoạch. Chúng tôi cũng sẽ trông chờ vào nguồn vốn giải ngân từ Ngân hàng và nguồn từ khách hàng, để chúng tôi bù đắp vào sự thiếu hụt trong quá trình đầu tư".

Dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm mua bất động sản trên cả nước khá ổn định, nhưng giá rao bán có xu hướng giảm ở hầu hết các phân khúc, chỉ có phân khúc chung cư giá trung bình là “ đi ngang”.

Đánh giá về tiềm năng thị trường BĐS, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng, dù hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường. Việc lãi suất ngân hàng có dấu hiệu giảm, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản thời gian gần đây đã tác động đến tâm lý người mua nhà. 3 yếu tố quan trọng nhất liên quan đến thị trường bất động sản thời điểm này là lãi suất Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng và chính sách về bất động sản. Chính sách bất động sản và tăng trưởng tín dụng có “độ trễ” nhất định. Nếu các chính sách được triển khai thực hiện tốt thì thị trường sẽ ấm lên vào cuối năm nay.

Theo ông Quốc Anh: "Quý 1 năm nay, các yếu tố tạo ra sự sôi động của thị trường không còn, nên thị trường khá trầm lắng. Tuy nhiên, điểm sáng là các chính sách mà Chính phủ đưa ra là rất tích cực. Có thể kể đến Nghị định số 08, Nghị quyết số 33, sửa đổi Thông tư số 16.

Việc gỡ khó trái phiếu doanh nghiệp, phát triển nhà ở xã hội… tất cả những chính sách đó đều mang lại sự hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào. Chúng tôi kỳ vọng những chính sách đó đi vào thực tế cuộc sống sẽ mất thời gian khoảng 2 quý. Đến Quý 4/2023 thị trường mới có thể tích cực hơn".

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học Viện Tài chính cho rằng, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần xác định rõ mục tiêu hướng tới của từng địa phương, thậm chí từng dự án cụ thể. Giải pháp trước mắt cần hướng đến các dự án, các doanh nghiệp có năng lực thực sự, để sớm đưa các sản phẩm bất động sản ra thị trường, góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế.

"Việc xem xét giúp cho thị trường bất động sản phải nhắm vào dự án sắp hoàn thành và có thể đưa hàng hóa ra thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ khó tồn tại thì việc hỗ trợ phải có sự hỗ trợ của các quỹ của ngành nghề khác chứ không thể hỗ trợ vốn của Nhà nước trong thời điểm này" - Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc bất động sản sẽ tiếp tục giảm, người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản. Đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào "bắt đáy", mở thanh khoản, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn. Hiện cả nước có khoảng hơn 100 nghìn căn hộ đang xây dựng.

Nếu thủ tục liên quan đến tiến độ dự án được khơi thông sẽ giúp cải thiện nguồn cung trên thị trường, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua. Luật Đất đai sửa đổi 2023 nếu được ban hành, có hiệu lực kịp thời như kế hoạch vào nửa cuối 2024 cũng được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt lớn cho ngành bất động sản phục hồi./.

Thành Trung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/tac-dong-tu-chinh-sach-thao-go-kho-khan-thi-truong-bat-dong-san-post1014780.vov