Tác động từ việc Nga ngừng cấp khí đốt sang EU

Dòng khí đốt của Nga tới một số nước châu Âu đã bị dừng lại ngay ngày đầu năm mới 2025 sau khi Ukraine từ chối đàm phán lại thỏa thuận quá cảnh trong bối cảnh xung đột với Nga. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị cho tình huống này từ lâu, song nhiều thành viên của khối vẫn gặp khó khăn khi không còn khí đốt của Nga.

Tìm cách đa dạng nguồn cung

Với việc đóng cửa tuyến đường khí đốt lâu đời nhất của Nga tới châu Âu qua Ukraine (hoạt động trong hơn 40 năm), thị phần khí đốt của Nga tại EU đã giảm xuống còn 8% từ mức cao nhất là gần 40%.

Hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga sang EU qua ngõ Ukraine được ký lần đầu tiên vào năm 2020, theo đó Ukraine được trả phí vận chuyển. Ukraine không muốn gia hạn thỏa thuận quá cảnh nhằm mục đích ngăn chặn nguồn thu của Nga mà Kiev cho rằng Moscow có thể sử dụng để tài trợ cho xung đột ở Ukraine.

Truyền thông Ukraine trích lời ông Serhii Makohon, cựu Giám đốc Công ty khí đốt GTS Ukraine, ước tính Nga kiếm được khoảng 5 tỷ USD/năm từ thỏa thuận trung chuyển, trong khi Ukraine nhận được 800 triệu USD. Bloomberg ước tính thu nhập của Nga từ thỏa thuận này thậm chí còn cao hơn, ở mức 6,5 tỷ USD hàng năm.

 Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine. Ảnh: TASS

Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine. Ảnh: TASS

Nhiều nước châu Âu bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine tháng 2-2022. Theo Euro News, EU đã mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ cùng với nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Na Uy.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Anna-Kaisa Itkonen khẳng định, cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt cho Trung và Đông Âu mà không cần đến nguồn từ Nga. Việc dừng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine có thể sẽ gây áp lực lên một số quốc gia châu Âu, buộc họ phải khai thác mạnh hơn vào nguồn dự trữ và tăng cường nhập khẩu khí đốt LNG.

Ảnh hưởng không nhỏ

Hungary được cho là ít chịu ảnh hưởng từ động thái này do phần lớn khí đốt của nước này được cung cấp thông qua đường ống dẫn khí đốt của Nga qua biển Đen hay còn được biết đến là đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream). Tuyến đường thay thế này đi qua biển Đen mà không qua Ukraine và cung cấp khí đốt của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước trong khu vực Nam và Đông Nam Âu.

Trong khi đó, Áo, Slovakia và Moldova đang dựa vào tuyến đường trung chuyển khí đốt Nga qua ngõ Ukraine để chạy máy phát điện. Áo nhận được phần lớn khí đốt từ Nga thông qua Ukraine, trong khi Slovakia nhận được khoảng 3 tỷ mét khối, tương đương khoảng 2/3 nhu cầu của nước này.

Theo Al Jazeera, cơ quan quản lý năng lượng Áo E-Control đã chuẩn bị cho việc chuyển đổi nguồn cung và không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 1-1 cho rằng việc ngừng cung cấp sẽ dẫn đến giá khí đốt tăng trên khắp châu Âu. Theo Bộ Kinh tế Slovakia, nước này sẽ phải chịu chi thêm 177 triệu EUR (184 USD)/năm để tiếp nhận khí đốt thông qua các tuyến đường thay thế.

Moldova là nước dễ bị tổn thương nhất. Kể từ năm 2022, khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt hàng năm từ Nga qua Ukraine đến vùng ly khai Transnistria thân Nga ở Moldova. Transnistria, giáp biên giới với Ukraine, sau đó sẽ bán điện, được tạo ra bằng khí đốt của Nga, cho các khu vực do chính phủ kiểm soát của Moldova. Moldova đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do tình trạng thiếu khí đốt sắp xảy ra. Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết mùa đông năm nay ở Moldova sẽ “khắc nghiệt” nếu không có khí đốt của Nga.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tac-dong-tu-viec-nga-ngung-cap-khi-dot-sang-eu-post776061.html