Tác động và giải pháp ứng phó với thuế quan - vấn đề được quan tâm nhất mùa đại hội cổ đông 2025
Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đang tạo ra làn sóng phản ứng đa chiều trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều lãnh đạo vẫn giữ quan điểm linh hoạt và chủ động thích ứng, thay vì bi quan.
Từ ngành bán lẻ, công nghệ, nông nghiệp đến ngân hàng và xuất khẩu chủ lực như thủy sản,... các doanh nghiệp xây dựng kịch bản đối phó, tận dụng cơ hội để tái cơ cấu thị trường, củng cố nội lực và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động.
Doanh nghiệp bán lẻ: Linh hoạt thích ứng, tìm cơ hội trong thách thức thuế quan
Bán lẻ được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng rõ nét nhất khi thuế qua tăng, do sức tiêu dùng đối với các mặt hàng không thiết yếu có xu hướng bị siết chặt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thể hiện tâm lý bi quan.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (mã: MWG). Ảnh chụp màn hình.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (mã: MWG) thừa nhận không quá kỳ vọng vào tác động tích cực từ chính sách thuế mới, song khẳng định định hướng chiến lược vững chắc của doanh nghiệp: "Chúng tôi không quá lạc quan về tác động của thuế quan Mỹ. Tuy nhiên, MWG sẽ tập trung vào thị trường nội địa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro từ biến động thương mại quốc tế".
Ở góc độ tích cực, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel, mã: SGT) lại coi đây là cơ hội để bứt phá: "Thuế quan là cơ hội để Việt Nam tăng cường sự tự chủ và sức mạnh nội tại. SaigonTel sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và phát triển thị trường nội địa để tận dụng cơ hội này, đồng thời giảm phụ thuộc vào các thị trường chịu ảnh hưởng từ thuế quan".
Chia sẻ cùng quan điểm thích ứng linh hoạt, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) cho biết: "Chính sách thuế quan không ảnh hưởng trực tiếp đến Digiworld do chúng tôi kinh doanh dựa trên sức cầu nội địa. Thuế quan khiến giá sản phẩm nhập khẩu đắt hơn, nhưng chúng tôi sẽ tăng tốc bổ sung các ngành hàng mới như ô tô và dịch vụ sửa chữa thiết bị để tận dụng cơ hội trong bối cảnh thị trường biến động".

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk. Ảnh chụp màn hình.
Kinh doanh mặt hàng thiết yếu là sữa, thế nhưng lãnh đạo CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) cũng cho biết thuế quan sẽ có những tác động nhất định, chủ yếu là tâm lý.
“Tình hình thuế quan hiện nay là đang tạm ngừng cho nên cũng chưa có ảnh hưởng gì lắm. Nếu có ảnh hưởng thì đó là đánh vào tâm lý", Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT VNM nói.
Bà Liên cũng chỉ ra tâm lý lo ngại về việc làm, xuất khẩu khiến người dân "tiết kiệm lại". Vinamilk giữ "góc nhìn tích cực, tập trung vào đa dạng hóa thị trường và tận dụng các hiệp định thương mại để giảm thiểu rủi ro".
Về tác động của thương chiến với hàng loạt mặt hàng Việt Nam, đặc biệt các nhóm công nghiệp chế biến, xuất khẩu, Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn của CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã: SHI) cho biết, Sơn Hà không bị ảnh hưởng từ đợt áp thuế của Mỹ lần này, vì công ty đã từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ cách đây 15 năm. Khi đó, toàn bộ xuất khẩu gần như chỉ phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
“Bị đánh thuế, chúng tôi buộc phải chuyển hướng toàn bộ hoạt động sang các thị trường khác. Từ một doanh nghiệp chỉ xuất vào Mỹ, đến nay Sơn Hà đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia. Đó là thành quả từ một cú sốc lớn - và cũng là bài học cho chiến lược "không bỏ trứng vào một giỏ".
Ấn Độ là ví dụ cụ thể. Dù sản lượng xuất khẩu vào đây hiện nay tăng rất mạnh, chúng tôi vẫn chủ động khống chế tỷ trọng ở mức 40%, và tiếp tục hạ xuống 30%. Nếu một ngày nào đó Ấn Độ áp thuế như Mỹ từng làm, thì mất 30% vẫn còn 70% từ các thị trường khác - đó là cách để Sơn Hà sống sót và phát triển bền vững", Chủ tịch SHI cho hay.
Ngành ngân hàng: Thận trọng ứng phó, củng cố năng lực chống chịu rủi ro thương mại
Ngành ngân hàng, dù không trực tiếp xuất khẩu, vẫn chịu tác động gián tiếp qua các khách hàng doanh nghiệp. Do đó, sự thận trọng và quản trị rủi ro được đặt lên hàng đầu.
Đại diện các ngân hàng quốc doanh lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank đều nhận định chính sách thuế mới sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên nhóm khách hàng doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mạnh sang Mỹ, qua đó tiềm ẩn rủi ro gián tiếp đối với tăng trưởng tín dụng.
Tại Vietcombank (mã: VCB), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng cho biết tác động từ thuế quan Mỹ sẽ rõ rệt do ngân hàng đang chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại toàn thị trường. Nhiều khách hàng của Vietcombank là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, gỗ, thủy sản, nhựa…, đây đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao.
Ngoài ra, danh mục khách hàng FDI tại Vietcombank lớn so với các ngân hàng khác, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% về doanh số hoạch toán quốc tế tài trợ thương mại. Điều này khiến Vietcombank có lẽ chịu tác động lớn hơn nhiều ngân hàng khác.
Tại đại hội cổ đông, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV (mã: BID), cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đánh giá ảnh hưởng không quá lớn tới ngân hàng. BIDV đã thành lập ban chỉ đạo ứng phó ngay sau thông tin Mỹ áp thuế.
Tổng dư nợ chịu tác động ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ, tập trung ở các ngành thép, nhựa, cơ khí, thủy sản, giày da, may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp.
Chiến tranh thương mại dự báo sẽ tác động đến tín dụng, huy động vốn và chất lượng tài sản, kéo theo lợi nhuận suy giảm. Ngân hàng dự kiến trích lập dự phòng khoảng 21.000 tỷ đồng trong năm 2025, tương đương mức thực hiện năm 2024. Tỷ lệ trích lập trên tổng dư nợ sẽ có xu hướng giảm nhẹ nhờ kỳ vọng tín dụng tăng trưởng 16%.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB (mã: OCB) cho biết nhà băng này cũng đang có những sự chuẩn bị: "Chúng tôi thận trọng nhưng không bi quan về tác động của các chính sách thuế quan đối ứng. Ngân hàng đã xây dựng kịch bản ứng phó, tập trung vào đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm rủi ro từ biến động thương mại quốc tế".
Trong một góc nhìn thận trọng, Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank (mã: TPB) cảnh báo về thách thức: "Năm 2025 là năm đầy thách thức khi thế giới chứng kiến sự đối đầu về thương mại... Những cuộc chiến thương mại kéo theo nhiều hệ lụy sâu rộng, tác động nghiêm trọng đến kinh tế nói chung và hoạt động tài chính ngân hàng. TPBank sẽ tập trung vào quản trị rủi ro và mở rộng danh mục khách hàng để giảm thiểu tác động từ thuế quan".
Ngoài với nhóm quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân ghi nhận mức độ ảnh hưởng thấp hơn, nhờ chiến lược tín dụng đa dạng hóa và khẩu vị rủi ro thận trọng từ sớm. Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank (mã: HDB) đánh giá tác động không quá lớn và đề cao chất lượng tài sản: "Mức độ ảnh hưởng từ thuế quan là không lớn. HDBank sẽ nâng cao chất lượng danh mục cho vay, mở rộng các lĩnh vực có rủi ro thấp và phát triển thị trường nội địa để giảm thiểu tác động".