Tác động vốn xã hội với đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp ngành Dệt may khu vực phía Nam
Dệt may là một ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, kim ngạch xuất, nhập khẩu của ngành này năm 2019 đạt 39 tỷ USD.
Nghiên cứu này nhằm xác định và đo lường tác động của vốn xã hội đối với đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp ngành Dệt may. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với 293 mẫu khảo sát cuối cùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp chịu tác động bởi 3 yếu tố vốn xã hội của doanh nghiệp gồm: Vốn xã hội bên trong; Vốn xã hội bên ngoài; Vốn xã hội của lãnh đạo doanh nghiệp.
Giới thiệu
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam năm 2019, kim ngạch xuất, nhập khẩu của ngành Dệt may đạt khoảng 39 tỷ USD, chiếm 7,54% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để các doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì đổi mới sản phẩm có ý nghĩa sống còn, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực dệt may thời trang cần liên tục đổi mới sản phẩm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp của các yếu tố vốn xã hội (VXH) của DN với đổi mới sản phẩm của DN trong lĩnh vực dệt may thời trang tại Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý thuyết về vốn xã hội
Lyda Judson Hanifan, nhà giáo dục Mỹ, lần đầu tiên khi đề cập đến khái niệm VXH vào năm 1916 để chỉ tình thân hữu, sự thông cảm lẫn nhau và tương tác giữa cá nhân hay gia đình. Thuật ngữ VXH bắt đầu xuất hiện trong các nghiên cứu cộng đồng, làm nổi bật tầm quan trọng cho sự tồn tại và hoạt động của các mạng lưới quan hệ chặt chẽ, xuyên suốt; các mối quan hệ cá nhân phát triển là cơ sở để tin tưởng, hợp tác và hoạt động tập thể trong cộng đồng dân cư (Jacobs, 1961).
Loury (1977) cho rằng: VXH là tập hợp các nguồn lực vốn có trong quan hệ gia đình và trong cộng đồng của các tổ chức xã hội rất hữu ích cho sự phát triển. Các nghiên cứu về VXH tập trung ở ba cấp độ gồm: Cộng đồng, DN và quốc gia. Bài viết này đề cập đến VXH của DN.
Vốn xã hội của doanh nghiệp
VXH của DN được xem như là chất lượng mạng lưới quan hệ của DN trên 3 khía cạnh gồm: (1) Chất lượng mạng lưới quan hệ của lãnh đạo DN; (2) Chất lượng mạng lưới bên trong DN; (3) Chất lượng mạng lưới bên ngoài DN (Nguyen và Huỳnh, 2012). Chất lượng mạng lưới quan hệ của lãnh đạo thể hiện ở tình bạn, tương hỗ, quyền lực, sự thừa nhận của xã hội và sự cam kết của lãnh đạo (Hitt và Ireland, 2002; Nguyen và Huỳnh, 2012).
Chất lượng mạng lưới quan hệ bên trong thể hiện mọi người trong DN có chung mục tiêu và tầm nhìn, thường xuyên giữ lời hứa lẫn nhau, duy trì mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên trao đổi kiến thức và thông tin, mỗi phòng ban bộ phận đều cố gắng hết sức để tránh làm tổn hại đến lợi ích của các bộ phận/phòng ban khác (Dai và cộng sự, 2015).
Chất lượng mạng lưới quan hệ bên ngoài thể hiện DN và đối tác kinh doanh thường xuyên giữ lời hứa, giới thiệu cơ hội kinh doanh mới, duy trì mối quan hệ mật thiết, tránh gây tổn hại lợi ích lẩn nhau (Dai và cộng sự, 2015).
Đổi mới sản phẩm
Trong bối cảnh hội nhập, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì đổi mới sản phẩm có ý nghĩa sống còn đối với từng DN, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may thời trang tại Việt Nam. Thông qua mạng lưới mối quan hệ giúp DN có thêm thông tin, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ cùng nhau cải tiến đổi mới sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh canh, cải thiện thành tích kinh doanh.
Giả thuyết và mô hình nghiên cứu
H1: VXH của lãnh đạo tác động trực tiếp, cùng chiều đến VXH bên ngoài DN.
H2: VXH của lãnh đạo tác động trực tiếp, cùng chiều đến VXH bên trong DN.
H3: VXH bên trong tác động trực tiếp, cùng chiều đến đổi mới sản phẩm của DN.
H4: VXH bên ngoài tác động trực tiếp, cùng chiều đến đổi mới sản phẩm của DN.
Dựa vào cơ sở lý thuyết nêu trên, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng bằng cách thu thập dữ liệu thị trường để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu; Sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện có định ngạch theo 2 tiêu chí là phân theo loại hình DN và theo khu vực địa lý.
Đối tượng và phạm vi khảo sát là các DN dệt may thời trang tại khu vực phía Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ. Đối tượng cung cấp thông tin là lãnh đạo cấp cao trong DN. Số lượng mẫu cuối cùng dùng xử lý là 293 mẫu. Nguồn dữ liệu sơ cấp được điều tra từ tháng 12/2018 đến 5/2019. Tác giả sử dụng phần mềm thống kê SPSS và AMOS cùng các kỹ thuật phân tích thống kê.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo
Tổng cộng có 26 biến quan sát dùng để đo lường 4 khái niệm nghiên cứu gồm: (1) VXH của lãnh đạo là thang đo đa hướng gồm 3 thành phần hiệp hội ngành nghề (HHNN), Đối tác kinh doanh (DTKD) và Đồng nghiệp (DGNP); (2) VXH bên trong DN (VXBT); (3) VXH bên ngoài DN (VXBN); (4) Đổi mới sản phẩm (DMSP). Kết quả được trình bày như Bảng 1:
Kết quả kiểm định CFA các thang đo thành phần yếu tố vốn xã hội của lãnh đạo
Kiểm định CFA các thang đo thành phần của yếu tố VXH của lãnh đạo gồm: Hiệp hội ngành nghề (HHNN), đối tác kinh doanh (DTKD) và đồng nghiệp (DGNP). Theo Hình 2, mô hình có 21 bậc tự do, Chi-square bằng 34,436 với P bằng 0,033 và nhỏ hơn 0,05; Chi-square/df bằng 1,640 nhỏ hơn 3 đạt yêu cầu. Các chỉ số GFI bằng 0,975, TLI bằng 0,986, CFI bằng 0,992 và đều lớn hơn 0,9. Chỉ số RMSEA bằng 0,047 và nhỏ hơn 0,05 đạt yêu cầu. Kết luận dữ liệu thị trường phù hợp với mô hình nghiên cứu đề xuất.
Kết quả kiểm định CFA mô hình tới hạn
Kết quả CFA các yếu tố trong mô hình tới hạn cho thấy, mô hình có 197 bậc tự do, Chi-square bằng 327,237 với P bằng 0,000 và nhỏ hơn 0,05; Chisquare/df bằng 1,661 và nhỏ hơn 3. Các chỉ số GFI bằng 0,909; TLI bằng 0,957 và CFI bằng 0,963 và đều lớn hơn 0,9. Chỉ số RMSEA bằng 0,048 và nhỏ hơn 0,05 đạt yêu cầu. Với các kết quả phân tích thống kê nêu trên, kết luận dữ liệu thị trường phù hợp với mô hình nghiên cứu đề xuất.
Kết quả kiểm định CFA mô hình tới hạn của các thang đo: VXH bên trong; VXH bên ngoài; VXH của lãnh đạo; Đổi mới sản phẩm đều đạt yêu cầu.
Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu (SEM)
Kết quả các chỉ số kiểm định của mô hình nghiên cứu (SEM) cho thấy, với giá trị Chi-Square = 377,292, df = 198; Cmin/df = 1,906 với p = 0,000 < 0,05, các chỉ số khác đều phù hợp: GFI = 0,899; CFI = 0,941; TLI = 0,949; RMSEA = 0,058 < 0,08. Vì vậy, mô hình nghiên cứu phù hợp với dữ liệu thị trường (Thọ và Trang, 2008). Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu, 4 giả thuyết H1,H2, H3, H4 đều được chấp nhận.
Theo kết quả kiểm định, kết quả nghiên cứu được thảo luận như sau:
Đổi mới sản phẩm chịu tác động trực tiếp bởi 2 yếu tố: VXH bên trong DN; VXH bên ngoài DN. Điều này có nghĩa: Một là, VXH bên trong góp phần thúc đẩy đổi mới sản phẩm của DN dệt may thời trang, do đó, cần tăng cường chất lượng mạng lưới bên trong DN giữa các cá nhân và các bộ phận/phòng ban trong DN. Hai là, VXH bên ngoài DN có tác động mạnh nhất đến cải tiến đổi mới sản phẩm của DN với hệ số tác động bằng 0,543. Điều này có nghĩa là DN dệt may thời trang cần chú trọng việc tăng cường mạng lưới mối quan hệ với các đối tác kinh doanh như nhà cung cấp, nhà phân phối và các bên liên quan.
Kết luận và hàm ý chính sách
VXH của lãnh đạo là mạng lưới quan hệ của lãnh đạo với hiệp hội ngành nghề, đối tác kinh doanh và đồng nghiệp. Do đó, muốn phát triển VXH của lãnh đạo thì phải phát triển chất lượng mối quan hệ của lãnh đạo với các chủ thể này như sau: Lãnh đạo DN cần thiết lập và duy trì mối quan hệ với hiệp hội ngành nghề và các đối tác kinh doanh. Theo đó, lãnh đạo DN thường xuyên liên lạc, gặp gỡ, chia sẻ thông tin và giúp đỡ với tư cách cá nhân để tạo dựng niềm tin; Lãnh đạo cần thiết lập và duy trì các mối quan hệ với các đồng nghiệp trong DN nhằm tạo uy tín, lòng tin, tăng động lực làm việc.
VXH bên ngoài là mạng lưới quan hệ của DN với các đối tác kinh doanh. Do đó, DN cần nâng cao chất lượng mối quan hệ với các đối tác kinh doanh bằng cách luôn giữ lời hứa, duy trì mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ thông tin và kiến thức, giới thiệu cơ hội kinh doanh mới và tránh gây tổn hại lợi ích lẫn nhau.
VXH bên trong là chất lượng mạng lưới quan hệ theo chiều ngang và chiều dọc giữa cá nhân/bộ phận chức năng trong DN. Do đó, muốn phát triển VXH bên trong DN thì mọi người phải có mục tiêu và tầm nhìn chung, duy trì mối quan hệ chặt chẽ bằng cách giữ lời hứa, chia sẻ thông tin và tránh gây tổn hại lẫn nhau.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đình Thọ, Nguyễn Thị Mai Trang (2008), Nghiên cứu khoa học quản trị kinh doanh. NXB Thống kê, TP. Hồ Chí Minh;
2. Baker, W. E. (1990), Market Networks and Corporate Behavior. American Journal of Sociology, 96 (3), 589–625;
3. Bentler, P. M., & Bonett, D. G (1980), Significance Tests and Goodness of Fit in the Analysis of Covariance Structures. Psychological Bulletin 1980, Vol. 88, No. 3, 5SS-606;
4. Coleman, J. S. (1988), Social Capital in the Creation of Human Capital. The American Journal of Sociology, 94: 95–120