Tác động xã hội đến mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp

Xây dựng chiến lược, thực hành, đánh giá theo khung Môi trường - Quản trị - Xã hội (ESG) trong phát triển bền vững đã, đang nhận được nhiều sự quan tâm và tích cực triển khai từ nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù hành trình này không hề dễ dàng, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì theo đuổi...

Xây dựng chiến lược, thực hành, đánh giá theo khung Môi trường - Quản trị - Xã hội (ESG) trong phát triển bền vững

Xây dựng chiến lược, thực hành, đánh giá theo khung Môi trường - Quản trị - Xã hội (ESG) trong phát triển bền vững

Chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy quản trị bền vững và tạo tác động xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), khẳng định: “Net Zero là một mục tiêu rất cấp bách, cần sự chung tay thúc đẩy chuyển đổi đồng bộ của tất cả các bên”.

HƠN 60% CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LIÊN QUAN VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Về sự “cấp bách” này, ông Vinh cho biết trong 40 năm qua, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại do khí thải nhà kính. Nếu không hành động, chúng ta sẽ gánh chịu mọi tổn thất nặng nề hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng trong một tương lai không xa. Điều này cho thấy, mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và tiến đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là phải thực hiện. Đó là câu chuyện sát sườn với tất cả quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Net Zero 2050 không phải là một mục tiêu đặt ra cho có, mà ngược lại rất cấp bách và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để có thể hiện thực hóa trong 25 năm, một khoảng thời gian không dài”, ông Vinh nói.

Trên hành trình hướng tới Net Zero 2050 hay xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả nhân loại, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững đã được khẳng định là đặc biệt quan trọng.

Thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ đảm bảo được giấy phép kinh doanh, kế hoạch kinh doanh liên tục, nâng cao uy tín thương hiệu, từ đó đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho chính doanh nghiệp.

Việc xây dựng chiến lược, thực hành, đánh giá theo khung ESG trong phát triển bền vững doanh nghiệp đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm và tích cực triển khai từ nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

“ESG là những vấn đề hết sức quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào khi triển khai phát triển bền vững. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 169 chỉ tiêu cụ thể đã được Liên hợp quốc thông qua trong Chương trình Nghị sự 2030 thì có hơn 60% các chỉ số đó là những vấn đề xã hội. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp cần tập trung nhiều vào những vấn đề xã hội bên cạnh vấn đề kinh tế và môi trường”, ông Vinh khẳng định.

Ông Vinh cũng cho biết ngày nay các yếu tố xã hội trong kinh doanh đã dần được cân bằng hơn, tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề mà toàn xã hội mong muốn các doanh nghiệp cần phải tạo ra những giá trị mới trong lĩnh vực xã hội và môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đi tiên phong trong những nội dung này.

ĐƯA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THÀNH VẤN ĐỀ ĐỜI THƯỜNG

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, quản trị và quản trị nguồn nhân lực nắm vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Quản trị bắt đầu từ quản trị lãnh đạo. Nhiều doanh nghiệp thành công đã đi theo mô hình trong Hội đồng quản trị có Ủy ban phát triển bền vững, thành viên HĐQT là người đứng đầu Ủy ban phát triển bền vững. Đây là mô hình quản trị tiên tiến.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông, và Phát triển bền vững Nestlé Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng Xanh EuroCham Việt Nam, chia sẻ Nestlé rất tự hào và tâm đắc khi đã xây dựng được nhóm Đại sứ xanh. Hiện nay ở các Tập đoàn lớn đều có Ủy ban ESG, Ủy ban phát triển bền vững, có đội ngũ chuyên gia, xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp về phát triển bền vững, tuy nhiên, vẫn thiếu sự kết nối của nhóm bắt đầu thực hiện các dự án phát triển bền vững với nhóm cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp.

Nhận thức được điều này và do có nhiều nhóm nhân viên khác nhau, sự hiểu biết về bền vững cũng không giống nhau nên nhóm Đại sứ xanh của Nestlé đóng vai trò kết nối những chiến lược, mục tiêu, định hướng với các nhóm đối tượng công nhân viên khác nhau. Đồng thời, đưa mục tiêu này trở thành vấn đề rất đời thường, thông dụng hàng ngày mà không phải là những mục tiêu to tát như đóng góp vào việc nâng cao sinh kế cộng đồng thông qua thay đổi nhận thức.

Chuỗi cung ứng của Nestlé bao gồm người nông dân và các đơn vị vận tải, cung ứng. Nestlé làm việc trực tiếp với gần 24.000 hộ nông dân tại 4 tỉnh Tây Nguyên, giúp họ thay đổi tư duy về mặt canh tác: từ canh tác cũ chuyển sang canh tác bền vững, chuyển dịch sang mô hình nông nghiệp tái sinh... giúp cà phê có chất lượng cao hơn, thu nhập của người dân cao hơn, sinh kế được cải thiện. Bên cạnh đó, tác động với môi trường cũng ngày càng được cải thiện, do người nông dân sử dụng ít phân bón hóa học hơn, biết chăm sóc để đất đai luôn màu mỡ mà không bị xói mòn theo năm tháng.

Cùng với đó, Nestlé làm việc chặt chẽ với các nhà cung ứng (nhà vận tải, cho thuê kho bãi), đào tạo cho hơn 100 đơn vị cung ứng của Nestlé hiểu về các quy tắc, quy định về kiểm kê, đo đạc phát thải khí nhà kính; chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất trong chuỗi cung ứng của Nestlé để áp dụng hiệu quả...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2024 phát hành ngày 16/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Song Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tac-dong-xa-hoi-den-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-doanh-nghiep.htm