Tác dụng của thiết kế cửa sổ bo tròn trên máy bay
Hẳn nhiều người đi máy bay đã từng thắc mắc tại sao cửa sổ máy bay, tàu hỏa lại là hình bầu dục hoặc hình được bo góc. Thiết kế như vậy để mang tính thẩm mỹ hay còn có lý do nào khác?
Thực tế cửa sổ máy bay được thiết kế theo hình bầu dục để đảm bảo an toàn chứ không chỉ mang tính thẩm mỹ. Trên thân máy bay, ứng suất (hay còn gọi là sức căng, là đại lượng biểu thị nội lực phát sinh trong vật thể biến dạng do tác dụng của các nguyên nhân bên ngoài như tải trọng, sự thay đổi nhiệt độ) sẽ lan truyền qua các chi tiết, bao gồm cả cửa sổ. Nếu cửa sổ hình chữ nhật, nó sẽ cắt đứt dòng ứng suất. Vì vậy, các góc bo tròn được thiết kế để giúp phân bổ đều áp suất tác động lên cửa sổ, giảm khả năng cửa sổ bị nứt do áp suất không khí thay đổi. Nếu như không tuân thủ theo nguyên tắc đó, máy bay có thể bị nứt thân, vỡ kính cửa sổ và có thể gặp tai nạn nghiêm trọng.
Trên thực tế đã có những vụ tai nạn máy bay xảy ra, vào năm 1953 và 1954, ba chiếc máy bay phản lực de Havilland Comets chở khách đầu tiên bị tai nạn mà nguyên nhân chính được xác định do cửa sổ vuông góc gây ra.
Nguyên tắc thiết kế này cũng được áp dụng trên tàu thủy, trên thuyền hay tàu vũ trụ.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tac-dung-cua-thiet-ke-cua-so-bo-tron-tren-may-bay-202878.htm