Tắc đường từ đêm tới sáng sớm, hành khách vạ vật trên xe gần 6 tiếng rời Hà Nội
Đoạn đường Hà Nội - Thanh Hóa thường ngày chỉ di chuyển 3,5 tiếng, nhưng dịp 30/4-1/5 này, chị Trương Thị Tâm mất 6 tiếng đồng hồ mới về đến nhà.
Video: Người dân ùn ùn về quê nghỉ lễ, cửa ngõ Hà Nội, TP.HCM ùn tắc kéo dài
Được nghỉ 4 ngày dịp lễ 30/4 - 1/5, Trương Thị Tâm (21 tuổi) quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa quyết định về quê Thanh Hóa. 19h ngày 29/4, Tâm hào hứng đi xe ôm ra bến Mỹ Đình. Nhưng chị Tâm đi từ phòng trọ trên đường Cầu Giấy tới bến xe mất tới 40 phút vì tắc đường.
Đến được bến xe thì cảnh tượng tại đây khiến nữ sinh này càng ngao ngán. Cả nghìn người tay nách mang chen chúc chờ mua vé, ai cũng mong sớm lên xe để về nhà. Vì đặt vé trước 1 tuần nên Tâm may mắn có một chiếc giường nằm ở vị trí gần cuối.
Bình thường, trước giờ xe xuất phát lúc nào cũng phải chờ đợi 30 phút đến một tiếng vì phụ xe chờ khách. Nhưng hôm nay, xe giường nằm 34 chỗ, chưa đầy 10 phút đã kín ghế. Một số người mua vé từ trước mà lên muộn cũng hết chỗ, đành chấp nhận ngồi ghế nhựa.
Hàng chục người co ro ôm đầu gối giữa lối đi trong xe vì quá chật. Cũng có vị khách do quá mỏi ngủ gục vào các thanh sắt sát chỗ giường nằm. Một số em nhỏ bật khóc khi thấy quá nhiều người lạ trên xe.
"Muốn rộng chỉ có chờ hết nghỉ lễ thôi", phụ xe nói khi một thanh niên vẻ mặt khó chịu, xin xuống để chờ chuyến sau.
Rời bến nhưng cả đoạn đường xe không thể đi nhanh như bình thường. Đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, xe gần như chết đứng, gần tiếng đồng hồ mới nhích được 1km. "Muốn đi vệ sinh nhưng mọi người cũng chỉ biết ôm bụng. Trên xe còn nhiều tiếng nôn ọe của người say xe, rồi tiếng trẻ con khóc liên hồi, khiến ai cũng thở dài", nữ hành khách nói.
Bình thường đoạn đường từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ mất 3,5 tiếng là về đến nhà, nhưng lần này Tâm mất 6 tiếng đồng hồ mới về đến nhà.
Tương tự chị Tâm, hành trình từ Hà Nội về Nam Định của gia đình anh Phạm Văn Dương (33 tuổi) cũng gian truân chẳng kém. Gia đình anh Dương dự định về quê từ chiều qua (29/4), nhưng đọc báo thấy các ngả đường đều ùn tắc, vợ chồng anh bàn nhau lùi lịch trình để tránh tắc đường. Nhưng dù có lùi thời gian để tránh tắc đường nhưng cả gia đình anh Dương vẫn gặp không ít khó khăn cho quãng đường di chuyển chưa tới 100km.
"Hơn 7 giờ chúng tôi bắt đầu về quê. Trước lúc về đọc thông tin thấy đường vành đai 3 trên cao bị tắc, tôi chủ động rẽ đường quốc lộ 1A cũ, đoạn từ ngã tư thị trấn Văn Điển hướng đi Thường Tín. Nhưng tình trạng giao thông ở đây cũng không khá hơn là mấy, dù không bị kẹt cứng nhưng các phương tiện di chuyển rất chậm, hơn gần tiếng đồng hồ tôi mới thoát khỏi đoạn đường này", anh Dương nói.
Trên xe có con nhỏ thường xuyên quấy khóc đòi bố mẹ uống sữa, uống nước, rồi xuống xe, khiến anh Dương càng thêm rối trí, nổi cáu quát con.
Gần 11h, gia đình anh về đến Thành phố Nam Định. Chia sẻ câu chuyện này với em trai, anh Dương cảm thấy may mắn vì cũng hành trình Hà Nội - Nam Định nhưng em trai anh đi từ 21h đêm (29/4) đến 2h sáng (30/4) mới về nhà.
“Có lẽ đây là kỳ nghỉ lễ kinh khủng nhất của tôi. Dịp nghỉ 10/3 tôi cũng về quê nhưng không đến mức kinh khủng như thế này. Nhưng tôi thấy nhiều người bạn của tôi còn không được may mắn như vậy”, anh Dương nói.
Không chỉ người dân, hôm qua cũng là một "đêm dài" với lực lượng cảnh sát giao thông. Theo Chỉ huy Đội CSGT số 6 (thuộc Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội), từ cuối giờ chiều ngày 29/4, lượng phương tiện trên tuyến tăng cao đột biến, tập trung về tuyến Phạm Hùng và đường vành đai 3 trên cao. Đơn vị phải ứng trực 100% quân số để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ người dân về nghỉ lễ.
“Anh em thay nhau ăn bánh mỳ để phân luồng. Hiện tuyến Khuất Duy Tiến và lối lên Vành đai 3 trên cao đoạn ngã tư Phạm Hùng - Đại Lộ Thăng Long vẫn rất đông phương tiện, tuyến đường trên cao ùn tắc kéo dài, chúng tôi vẫn đang căng mình phân luồng để giao thông sớm thông suốt”, chỉ huy đội CSGT số 6 cho hay.