Tác giả 8X và hành trình sưu tập tư liệu Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

Tác giả Kiều Mai Sơn đã tìm hiểu, gặp gỡ các nhân chứng để có được những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập.

Những trang báo xếp lại cao đến hàng mét, những tư liệu và bản thảo hồi ký hiếm thấy từ cuộc trò chuyện với những nhân vật, nhân chứng đặc biệt... đã giúp anh Kiều Mai Sơn trở thành tác giả của nhiều đầu sách về Bác Hồ.

Một trong những cuốn sách ấn tượng nhất của anh là Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lậpđược Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng phát hành năm 2021 và đã được tái bản bốn lần.

Khối tư liệu hiếm thấy

. Phóng viên: Tại sao anh lại chọn chủ đề Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập cho cuốn sách của mình?

+ Tác giả Kiều Mai Sơn: Thực ra ban đầu, tôi muốn viết về Ngày Độc lập 2-9-1945. Chủ đề sẽ đi vào ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào Thủ đô Hà Nội cùng với không khí ở các đô thị như Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gòn.

Sau đó, biên tập viên NXB Kim Đồng đã đề nghị tôi chỉ tập trung vào Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập. Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập thì ai cũng mặc định đó là điều hiển nhiên rồi nhưng hành trình để bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời thì có lẽ chưa có một cuốn sách nào viết riêng. Khi đã khu biệt lại thì vấn đề tư liệu cũng là một thử thách với người viết. Còn gặp gỡ nhân chứng thì quả là khó khăn.

 Tác giả Kiều Mai Sơn hỏi chuyện cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ lâm thời, từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946 và là Bộ trưởng Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó. Ảnh chụp tại TP.HCM vào tháng 8- 2009. Ảnh: NVCC.

Tác giả Kiều Mai Sơn hỏi chuyện cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ lâm thời, từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946 và là Bộ trưởng Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó. Ảnh chụp tại TP.HCM vào tháng 8- 2009. Ảnh: NVCC.

. Đó là những khó khăn nào, thưa anh ?

+ Khó khăn đầu tiên là nhân chứng sau gần 75 năm đâu còn ai. May mắn ở chỗ những năm trước đó, tôi đã có duyên lành được gặp cụ Vũ Đình Hòe (1912 – 2011) vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên (8-1945 đến 3-1946) trong Chính phủ Lâm thời và cụ tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp 15 năm tiếp theo (3-1946 đến 7-1960), được đọc hồi ký của cụ với ngồn ngộn tư liệu.

Đồng thời tôi cũng có nhiều năm được hầu chuyện Anh hùng Lao động – Nhà văn Sơn Tùng (1928 – 2021), người đã dành cả đời sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đụng đến sự việc cụ thể lại chẳng xuôi chèo mát mái dù tư liệu xung quanh chủ đề Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập cũng không ít.

Tư liệu nhiều với một đặc trưng phổ biến của các nhà nghiên cứu, viết sách ở Việt Nam đó là lặp lại. Người ta chép lại của nhau vô tư, chẳng cần dẫn nguồn. Thêm vào đó là dị bản qua các tư liệu của người trước viết lại.

. Anh có thống kê được mình đã tiếp cận bao nhiêu tài liệu để tìm hiểu về Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập không?

+ Trong sách tôi có ghi rõ tài liệu tham khảo và trích dẫn là 20 đầu sách, tài liệu. Đây là số tài liệu được chọn lựa kỹ càng với độ tin cậy cao nhất khi đưa vào sách.

Thực tế, con số tư liệu tôi đã đọc, đã xử lý chọn lọc thông tin gấp nhiều lần, riêng số trang báo cắt ra rồi xếp lại cũng cao đến hàng mét, số đầu sách sẽ còn hơn nữa… Có những tư liệu chắc chắn rằng hiếm thấy như bản thảo hồi ký viết tay Lên chiến khu của nhà báo Đỗ Đức Dục (1915 – 1993) kể lại những ngày đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào (8-1945).

 Tác giả Kiều Mai Sơn (thứ 3 từ phải sang) trao đổi về một số tư liệu. Ảnh: NVCC

Tác giả Kiều Mai Sơn (thứ 3 từ phải sang) trao đổi về một số tư liệu. Ảnh: NVCC

Thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

. Quá trình đó đưa lại cho anh những thông tin gì đặc biệt không?

+ Có lẽ đó là thông tin về thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Như chúng ta vẫn thường nghe câu thơ sau của nhà thơ Tố Hữu: “Hôm nay, sáng mồng 2 tháng 9/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình…”.

Rất nhiều người đã nhầm lẫn viết rằng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập vào sáng 2-9-1945. Sự thật là lễ tuyên bố Độc lập, ra mắt Chính phủ lâm thời được tổ chức chiều ngày 2-9-1945.

Trong sách, tôi sử dụng bài tường thuật của nhà báo Hồng Hà (1928 – 2011) nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân. Trên báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5-9-1945, ông Hồng Hà đã tường thuật lại chi tiết về ngày lễ này.

 Cuốn sách Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập của tác giả Kiều Mai Sơn được NXB Kim Đồng phát hành năm 2021 và đã được tái bản bốn lần.

Cuốn sách Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập của tác giả Kiều Mai Sơn được NXB Kim Đồng phát hành năm 2021 và đã được tái bản bốn lần.

. Tôi nhớ trong sách, phần bài tường thuật của nhà báo Hồng Hà còn có chi tiết về việc giữa chừng đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

+ Đúng! Trong bài tường thuật của nhà báo Hồng Hà, ông viết chi tiết như thế này: “Bằng một giọng rành mạch, giản dị, thỉnh thoảng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hỏi Tôi nói thế này, đồng bào nghe có rõ không?”.

Mấy chữ “thỉnh thoảng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hỏi” cho thấy câu hỏi đó được lặp đi lặp lại (thỉnh thoảng… lại hỏi) trong khi đọc Tuyên ngôn Độc lập chứ không phải Bác Hồ chỉ hỏi một lần.

Chưa dừng lại với chủ đề Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

. Với một cuốn sách như vậy, chủ đề Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập đã kết thúc với anh chưa, anh có định tiếp tục chủ đề này như thế nào nữa không?

+ Như tôi đã nói từ đầu, chủ đề Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh lịch sử Việt Nam, nhìn cận cảnh đó là ngày Độc lập 2-9-1945, mở thêm một chút đó là Hà Nội năm 1945, rộng hơn nữa là Việt Nam năm 1945…

Mỗi lát cắt tôi đều có những chủ đề riêng cho mình để tìm hiểu đều thấy rất thú vị mà các nhà sử học chính quy hiện nay hầu như còn để ngỏ, mà để càng lâu thì chúng ta càng mất tư liệu giúp vào việc dựng được bức tranh lịch sử toàn diện nhất, tỉ mỉ nhất.

Xung quanh chủ đề Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập thì tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm xem những đóng góp của những người thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh như cụ Trường Chinh, cụ Nguyễn Lương Bằng… cùng các nhà trí thức là Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời như Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà… ra sao.

Tất nhiên việc này sẽ mất nhiều công sức và thời gian. Trong lúc này, tôi đang tập trung vào tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ra đời bản Hiến pháp 1946. Tới đây, tôi sẽ công bố những tư liệu này trên mặt báo để công chúng tiếp nhận thông tin và cùng trao đổi nếu có sự quan tâm đến chủ đề này.

.Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Tác giả Kiều Mai Sơn sinh năm 1984 tại Vĩnh Phúc. Trước cuốn Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, NXB Kim Đồng cũng đã phát hành cuốn sách Suốt đời học Bác của anh. Anh cũng là tác giả của cuốn sách Những thiếu nhi bên Bác ngày ấy (NXB Kim Đồng xuất bản năm 2023).

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tac-gia-8x-va-hanh-trinh-suu-tap-tu-lieu-bac-ho-viet-tuyen-ngon-doc-lap-post806461.html