Tác giả đứng bên lề nhìn nhà xuất bản và AI ký hợp đồng 44 triệu USD

Một số nhà xuất bản ký kết thỏa thuận cung cấp dữ liệu sách cho AI mà bỏ qua sự đồng thuận từ tác giả. Điều này khiến quyền lợi những người viết sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Cuộc đình công của các biên kịch tại Hollywood chống lại việc sử dụng AI để viết kịch bản phim. Ảnh: NPR.

Cuộc đình công của các biên kịch tại Hollywood chống lại việc sử dụng AI để viết kịch bản phim. Ảnh: NPR.

Vào đầu tháng 9, Nhà xuất bản học thuật Wiley (nhà xuất bản toàn cầu, có trụ sở tại Mỹ) tiết lộ về việc ký kết thương vụ trị giá 44 triệu đôla Mỹ với các đối tác đang khai thác công nghệ AI. Điều đáng nói là đơn vị này đã ký mà bỏ qua sự đồng thuận của các tác giả.

Hành động này đã gây ra nhiều tranh cãi khi nhiều người lo ngại rằng quyền lợi của các tác giả bị bị xâm phạm trắng trợn.

AI có thể đe dọa quyền lợi người viết sách

Thương vụ của nhà xuất bản Wiley chỉ là giọt nước tràn ly cho những lo ngại về quyền lợi tác giả. Trước đó, nhà xuất bản Taylor & Francis đã kiếm được hàng chục triệu đôla từ các thỏa thuận AI. Đơn vị này đã bị chỉ trích khi ký kết một thỏa thuận trị giá 10 triệu đôla với công ty Microsoft mà không cung cấp bất kỳ khoản thanh toán bổ sung nào cho tác giả.

Vào ngày 14/7, tác giả Maureen Johnson đã chia sẻ trên Twitter về việc người đồng nghiệp Jennifer Brody gặp khó khăn trong quá trình đàm phán hợp đồng vì một nhà xuất bản lớn muốn sử dụng tác phẩm của bà để đào tạo AI. Theo đó, tác giả Brody đã cố gắng đưa các điều khoản bảo vệ quyền lợi cho bản thân trước AI vào hợp đồng của mình. Tuy nhiên, quy trình thỏa thuận theo luật pháp hiện hành chưa đề cập tới vấn đề quyền lợi cho tác giả.

 Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, nhà văn Maya Lang từng khẳng định AI sẽ đe dọa tới những người làm sách, đặc biệt là các tác giả. Ảnh: CNN.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, nhà văn Maya Lang từng khẳng định AI sẽ đe dọa tới những người làm sách, đặc biệt là các tác giả. Ảnh: CNN.

Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tác giả Australia đã cho thấy 35% tác giả xác nhận hợp đồng của họ không có điều khoản nào về quyền liên quan đến AI, trong khi 63% thậm chí không biết rõ về vấn đề này. Việc các nhà xuất bản không đưa ra điều khoản về AI trong hợp đồng là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Nhà nghiên cứu Rebecca Giblin (Giảng viên tại Đại học Luật Melbourne) đã chỉ ra trong quá khứ, các nhà xuất bản thường yêu cầu toàn quyền sử dụng các tác phẩm văn học. Điều này có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các tác giả, những người vốn đã gặp khó khăn trong việc khai thác thương mại tác phẩm của mình, khi mức thu nhập trung bình của họ chỉ đạt 18.200 đôla mỗi năm.

Một trong những nguy cơ lớn nhất là việc các nhà xuất bản có thể sử dụng tác phẩm của tác giả để huấn luyện các mô hình AI mà không trả công xứng đáng. Nếu AI có thể được đào tạo từ các tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng như Nora Roberts hay John Grisham để tạo ra hàng loạt "bản thảo” mới, tác giả sẽ bị đặt vào tình thế cạnh tranh với chính tác phẩm của mình, nhưng do AI tạo ra.

"Chúng ta không phải là những cỗ máy để lập trình, và AI không thể tạo ra những câu chuyện nhân văn. Đó là quyền năng của con người, sự sáng tạo”, Nora Roberts thành viên của Hội Tác giả Mỹ khẳng định.

Những nỗ lực bảo vệ chính mình

Các vụ kiện giữa tác giả và các công ty đào tạo AI đang trở thành một cuộc chiến pháp lý gay gắt, khi các tác giả nhận thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm nghiêm trọng bởi các công ty công nghệ lớn.

Vào ngày 19/8/2024, tại Quận phía Bắc của California, bốn công ty luật đã thay mặt nhiều tác giả đệ đơn kiện tập thể với công ty AI Anthropic PBC lên liên bang. Các thành viên trong vụ kiện cáo buộc các mô hình ngôn ngữ Claude của phần mềm Anthropic đã được đào tạo bằng cách sử dụng các kho sách lậu mà không có sự cho phép của các tác giả như Andrea Bartz, Charles Graeber và Kirk Wallace Johnson. Nguyên đơn cho rằng các kỹ sư từ Anthropic đã tải xuống và sử dụng trái phép các tác phẩm có bản quyền để xây dựng mô hình AI của mình, dẫn đến việc vi phạm bản quyền trên diện rộng.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Bnews.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bnews.

Mục tiêu của vụ kiện này là yêu cầu công ty Anthropic phải bồi thường thiệt hại cho các tác giả và ngăn chặn những hành vi vi phạm tương tự trong tương lai.

Không chỉ với Anthropic, những người viết sách cũng nhận thấy đe dọa từ các phần mềm AI khác. Vào tháng 3/2024, các tác giả người Mỹ Abdi Nazemian, Brian Keene và Stewart O'Nan đã kiện NVIDIA (công ty nổi tiếng với các thiết bị xử lý đồ họa và chip). Họ cáo buộc rằng NVIDIA đã sử dụng tập dữ liệu Books3 để đào tạo các mô hình ngôn ngữ NeMo Megatron của mình mà không có sự cho phép của các tác giả. Những mô hình này được cho là đã vi phạm bản quyền khi sử dụng những cuốn sách lậu, bao gồm cả các tác phẩm của các nguyên đơn.

Trước đó, vào tháng 8/2023, một nhóm tác giả viết sách trực tuyến đã phản ứng mạnh mẽ trước việc nền tảng Prosecraft sử dụng khoảng 25.000 tác phẩm hư cấu để phân tích ngôn ngữ mà không có sự cho phép của các họ. Sau khi bị phản đối dữ dội, nền tảng này đã phải dừng hoạt động và ông Benji Smith (người sáng lập Prosecraft) đã đưa ra lời xin lỗi.

Dù các vụ kiện đều được thực hiện một cách rất quyết liệt, nhưng nhìn chung tác giả vẫn ở trong thế bị động, khi phát hiện dấu hiệu AI sử dụng trái phép dữ liệu trong sách mới đệ đơn kiện.

Đặt quyền lợi của tác giả vào trung tâm

Vào tháng 6/2024, Hiệp hội Nhà văn Anh (WGGB) công bố một bản tuyên ngôn nhằm kêu gọi Chính phủ bảo vệ quyền lợi của tác giả. Trong đó quyền lợi của đối tượng này được cân nhắc đặt vào vị trí trung tâm.

Trong tuyên ngôn, Hiệp hội Nhà văn Anh đã chỉ ra rằng việc sử dụng AI có thể đe dọa thu nhập và công việc của các nhà văn, từ đó đề xuất thành lập một cơ quan quản lý mới để giám sát và điều chỉnh sự phát triển của AI, đảm bảo rằng các thỏa thuận cấp phép AI được thực hiện khi sử dụng tác phẩm của tác giả. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi tác giả, đảm bảo rằng tác phẩm của họ không bị sử dụng trái phép và họ nhận được thù lao xứng đáng từ công việc sáng tạo của mình.

 Bản tuyên ngôn của Hiệp hội Nhà văn Anh (WGGB). Ảnh: Publishing Perspectives.

Bản tuyên ngôn của Hiệp hội Nhà văn Anh (WGGB). Ảnh: Publishing Perspectives.

“Các ngành công nghiệp sáng tạo tiếp tục tụt hậu so với các ngành công nghiệp khác khi nói đến cách đối xử với lực lượng lao động (chủ yếu là tự do). Các nhà văn đặc biệt dễ bị tổn thương khi làm việc trong một ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ cá nhân và thỏa thuận lao động không chính thức. Do đó, khi AI xuất hiện, họ dễ mất việc làm trong tương lai”, ông Porter Anderson, Tổng biên tập của tờ Publishing Perspectives, cho biết.

Một khía cạnh khác được tuyên ngôn nhấn mạnh là sự cần thiết của việc xây dựng một ngành công nghiệp bền vững. Hiệp hội Nhà văn Anh đề xuất tăng cường hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp sáng tạo, nhưng đồng thời cải thiện chế độ trách nhiệm giải trình để đảm bảo lợi ích đến được tay các nhà văn và người sáng tạo khác. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi tác giả mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp tục sáng tạo và cống hiến.

Tuyên ngôn của Hiệp hội Nhà văn Anh là một văn bản quan trọng góp phần vào vấn đề hoạch định chính sách cho công nghệ AI có thể phát triển lành mạnh hơn. Trong đó, vai trò con người được đề cao hơn nhằm giữ vững sự năng động của ngành công nghiệp sáng tạo.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-tac-gia-dung-ben-le-nhin-nha-xuat-ban-va-ai-bat-tay-post1495853.html