Tác giả đường 'né' tử thần
Qua đèo Hải Vân hay các con đèo, tuyến đường đồi dốc trên khắp cả nước, những người ôm vô lăng giờ đây quá quen với đường cứu nạn. Biết bao chiếc xe mất phanh, mất lái, bao hành khách đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ con đường trông có vẻ đơn sơ này. Nhưng ít ai biết rằng, hơn 30 năm trước, một người con miền Trung đã ròng rã thức trắng đêm để tính toán, thai nghén và quyết làm cho bằng được công trình chưa nơi nào có bởi quá xót thương bà con gặp nạn trên dặm dài Bắc Nam.
Tác giả đường cứu nạn là ông là Võ Khắc Mai, năm nay đã ngoại bát tuần, đang sống tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Những chuyến xe tử thần và con đường chưa có tiền lệ
Năm 23 tuổi, chàng trai quê Quảng Bình ra thủ đô học ngành Cầu đường, khoa Xây dựng của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ra trường, anh thanh niên có mặt trên khắp các công trường ở miền Bắc, miền Trung, sau đó về công tác tại Khu Quản lý đường bộ 5 (nay là Cục Quản lý đường bộ III) cho đến lúc nghỉ hưu. Ông không thể nào quên những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn là Trưởng phòng Kỹ thuật tại đơn vị, cứ lâu lâu lại nghe tin có xe đổ đèo bị tai nạn, xe mất thắng, xe lật chết người…. Có vụ tới mấy chục mạng người. Đau xót vô cùng! Dọc các con đèo ở miền Trung mọc lên những am thờ, khói hương cho người xấu số. “Hồi đó đường sá chẳng được như bây giờ, xe lại còn tệ, hệ thống phanh kém an toàn nên gặp họa liên miên. Nhiều nhất ở đèo Cù Mông. Giám đốc kêu tôi lại nói: anh phải tìm cách gì đi để giảm tai nạn, không thể để thế này được”, ông kể.
Trằn trọc mấy tháng trời, ông phân tích thực tế địa hình đèo dốc không thể thay đổi, xe cộ cũng chẳng dễ gì thay thế nên khả thi nhất là làm một con đường cho xe gặp sự cố có thể tránh nạn. Vậy con đường đó đặt ở đâu? Nghiên cứu nhiều vụ, ông nhận ra hầu hết là xe gặp nạn khi xuống dốc, một khi đã mất phanh thì chỉ có nước lao xuống vực hoặc đâm vào núi. Thế nên đường sẽ đặt ở hướng từ trên dốc xuống, ưu tiên phía tay phải để xe có thể lao lên và kẹt lại trên đó. Ý tưởng hoàn hảo ấy của ông thiết kế xong được sếp ký ngay, nhưng khi trình lên Bộ GTVT không được duyệt vì chưa có bất kỳ một nước nào trên thế giới làm cả, lỡ lợi bất cập hại thì sao? “Lúc ấy tôi buồn và hụt hẫng lắm. Con đường cứu mạng người bị loại bỏ chỉ vì chưa có tiền lệ”, ông nhớ như in.
Năm 1989, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 5. Người lãnh đạo như ông đứng ngồi không yên khi những vụ tai nạn vẫn “đều đều” năm này qua năm khác. Trong lòng, ngọn lửa quyết tâm làm con đường “né” tử thần vẫn còn cháy bỏng nên ông đánh liều chạy thẳng ra Bộ GTVT thuyết phục Bộ cho làm. Trước sự kiên quyết và tâm huyết của ông, Bộ GTVT bật đèn xanh cho thi công đường cứu nạn đầu tiên ở đèo Cù Mông. Ông kể, khi công trình gần hoàn thiện những bước cuối cùng, bất ngờ một xe khách mất phanh lao vù vù xuống dốc, hành khách trên xe hét ầm lên, thấy rõ phần chết nhiều hơn sống. May thay tài xế thấy có bảng báo đường cứu nạn phía trước nên đã lao lên thoát chết. Cú “né” tử thần thành công đó được báo cáo lên Bộ GTVT, Bộ liền phê duyệt cho triển khai đường cứu nạn đồng loạt ở các đèo khác như Hải Vân, Măng Yang,…
Đôi mắt ông chất chứa niềm hạnh phúc hồi tưởng lại quãng thời gian “đứa con” của mình được công nhận và thực sự có ích. Năm 1992, Bộ Xây dựng xét những công trình phát huy kỹ thuật, công dụng tốt để tặng Huy chương vàng, trong đó có đường cứu nạn. Một đoàn công tác của Bộ đã đi thị sát, kiểm tra và đánh giá đường cứu nạn trên đèo Măng Yang. Lúc cách chân đèo mấy trăm mét bỗng thấy đám đông nhốn nháo vái lạy, cả đoàn nghi chuyện chẳng lành hấp tấp chạy lên. Ra là xe mất phanh, hành khách hoảng loạn nhưng bác tài biết có chỗ né nên đã trấn an mọi người bình tĩnh rồi lao lên đường cứu nạn và an toàn ở đó. 45 hành khách thoát chết trong gang tấc. “Bà con xuống khỏi xe liền quỳ sụp xuống vái lạy tạ ơn trời đất, tạ ơn người làm ra con đường dù chẳng biết là ai. Đoàn đánh giá của Bộ Xây dựng chứng kiến cảnh đó không cần đi kiểm tra thêm nữa. Sau đó Bộ đã trao tặng ngay Huy chương vàng cho công trình”, ông Mai tự hào.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III đánh giá, đường cứu nạn giúp tránh được rất nhiều vụ tai nạn. Điển hình như đường cứu nạn trên đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum. Tại Km 1409+500 năm 2016 có 2 xe gặp sự cố, năm 2020 có 1 xe mất thắng lao vào, người chỉ bị thương nhẹ. Đường cứu nạn tại Km 1410+463 năm 2015 có 3 xe gặp sự cố lao vào, và may mắn không ai bị thương. Đường cứu nạn tại Km 1411+167 năm 2015, 2016, 2022 cứu 3 xe ô tô gặp sự cố, không ai bị thương…
Phần thưởng lớn nhất
Qua đèo Hải Vân, Khánh Lê, Cù Mông,…. hay các tuyến đường đồi dốc hôm nay đều thấy những con đường cứu nạn rộng lớn với bảng chỉ dẫn rõ ràng. Riêng đèo Hải Vân (nối giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng) có gần 10 đường cứu nạn. Vì dù đã có hầm Hải Vân nhưng các loại xe chở xăng dầu, vật liệu xây dựng, gia súc…. và những người mê khám phá vẫn lưu thông liên tục.
Ông Mai kể, có hôm đang ở cơ quan thì một ông chú tới tìm. Ông đi xe khách từ Hà Nội vào Nam, trên xe nhồi nhét tới 72 người. Khi qua đèo Hải Vân xe bỗng mất phanh, bác tài cứng rắn bảo mọi người không la hét, phía trước là đường cứu nạn và đã lao xe lên đó. Được cứu trong tích tắc, ông mang ơn đường cứu nạn và quyết tìm cho bằng được người làm ra con đường này để cảm tạ. “Ông ấy hỏi tôi làm ra cái đường này có được tặng thưởng gì chưa? Tôi nói cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Mà thời điểm đó số liệu báo cáo lên Bộ GTVT về các xe lao vô đường cứu nạn trên khắp cả nước đã hơn chục xe, tính ra cả hàng trăm người thoát chết. Vậy là tôi nhận vô số phúc rồi, đó là phần thưởng lớn nhất đời của tôi rồi chứ còn gì nữa”, ông trải lòng.
Đường cứu nạn tiêu chuẩn có chiều rộng tối thiểu 4,5m, dài 100-200m hoặc tùy địa hình, tuân thủ nguyên tắc “lên dốc” để xe giảm bớt tốc độ. Mặt đường được rải đá dăm tạo ma sát, cuối dốc sẽ đổ thêm cát để xe mắc kẹt lại đó.
Con đường phát huy công dụng quá tốt, Bộ GTVT đã yêu cầu ông viết quy trình đường cứu nạn ô tô và sau đó cho xuất bản. Khi quy trình này trình làng, khắp nơi tiếp cận và triển khai làm đường. Nhiều đơn vị lo có phải trả tiền tác giả, các chi phí hỗ trợ khác cho ông không, ông gạt phăng, bảo chẳng cần, muốn làm ông sẵn sàng bỏ tiền in ra cho làm.
Ông Võ Khắc Mai được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1995, ba năm sau thì về hưu với rất nhiều lời mời gọi ông đến làm cố vấn. Ông nhận lời về Ban Quản lý dự án đường 1, đóng góp rất nhiều trong dự án đường quốc lộ 1. “Thỉnh thoảng con cháu vẫn chở tôi đi đó đi đây, thấy đường cứu nạn làm ngày một nhiều, lòng vui lắm" - ông Mai nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tac-gia-duong-ne-tu-than-post1564985.tpo