Tác giả kịch bản phim 'Biệt động Sài Gòn' qua đời

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương trút hơi thở cuối cùng vào tối 14/5, hưởng thọ 89 tuổi.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người vợ thủy chung, người bạn đời tri kỷ của nhà văn Lê Phương nghẹn ngào chia sẻ thông tin chồng qua đời. Trên trang cá nhân, tiếng gọi "Anh ơi" của bà khiến ai nấy đều xót xa. Khán giả cùng bạn bè dành những lời tiếc thương, động viên bà sớm vượt qua nỗi buồn.

Nhà Văn Lê Phương.

Nhà Văn Lê Phương.

Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông tham gia quân đội năm 16 tuổi và năm 20 tuổi thì được cử gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhà văn Lê Phương bước vào nghiệp viết khá sớm. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ký Thử lửa được in trên báo Cứu quốc quân. Trong thời gian từ 1963 đến 1978, 15 năm dành cho văn học, ông cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết dày mỏng khác nhau, về đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như" Pháo đài 44 (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); Thung lũng Cô Tan (địa chất, 1973); Bạch Đàn (lâm nghiệp, 1975); Ngã Ba thời gian (thủy lợi, 1978); rồi Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn…

Tác phẩm "Biệt động Sài Gòn" làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên lúc bấy giờ.

Tác phẩm "Biệt động Sài Gòn" làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên lúc bấy giờ.

Năm 1977, nhà văn Lê Phương bắt đầu đến với ngành điện ảnh. Ông viết không nhiều, nhưng mỗi bộ phim được làm từ kịch bản của ông đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả như Nơi gặp gỡ của tình yêu, hay những kịch bản được chính ông chuyển thể từ tiểu thuyết của mình (Cơn lốc biển chuyển thể từ tiểu thuyết Bất khuất)… Biệt động Sài Gòn cũng chính là tác phẩm thành công nhất do Lê Phương viết kịch bản.

Phim dài bốn tập, phát sóng năm 1986 do Long Vân đạo diễn, tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Đó là khung cảnh chiến trường đầy bom đạn, chết chóc và cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.

Đặc biệt ở giai đoạn từ sau năm 1990, ông bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình dài tập mà ông thường gọi là "tiểu thuyết truyền hình". Năm 1996, ông là tác giả của bộ kịch bản phim truyện truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam có tên Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ nói về cuộc vật mình của lực lượng kinh tế tư nhân trong quá trình tiếp cận với công nghệ trong sản xuất gốm sứ, mở đầu cho dòng phim sẽ phát triển như một sản phẩm không thể thiếu trên màn ảnh nhỏ. Để rồi sau này những bộ phim như Sống mãi với thủ đô, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh… do ông viết kịch bản lần lượt ra đời để những dấu ấn mạnh mẽ trong công chúng yêu phim.

Nhà văn Lê Phương và bà xã - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Nhà văn Lê Phương và bà xã - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Ngoài sự nghiệp thành công, nhà văn Lê Phương còn được biết đến là người chồng hoàn hảo bên bạn đời - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Cả hai nổi tiếng là cặp vợ chồng yêu thương, tri kỷ, cùng nhau viết nhiều kịch bản phim truyền hình.

T.N

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tac-gia-kich-ban-phim-biet-dong-sai-gon-qua-doi-ar676903.html