Tác giả Mỹ bỏ tiền túi quảng bá sách khi nhà xuất bản thờ ơ
Theo The Guardian, nhiều tác giả đang tìm đến các đơn vị quảng cáo bên ngoài để tự quảng bá sách cho họ.
Katherine Reay là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết. Khi The Berlin Letters, tác phẩm gần đây nhất của bà được Harper Muse, một chi nhánh của HarperCollins cho ra mắt vào đầu năm nay, bà đã thuê dịch vụ bên ngoài để tiến hành chuyến đi quảng cáo sách tới 30 điểm đến.
Bà Reay chia sẻ: “Tôi thích sự kết nối cá nhân. Vì vậy, khi tôi nghĩ tới việc tổ chức các sự kiện ở hiệu sách, những sự kiện tôi không có thời gian cũng như kiến thức để tự lên kế hoạch, thì tôi nghĩ việc thuê người có chuyên môn là một cách tốt”.
Chuyến đi quảng cáo sách này không do nhà xuất bản ra mắt tác phẩm Harper Muse tổ chức mà do bà Reay tự thanh toán toàn bộ.
Và đây không phải là hiện tượng hiếm hoi trong ngành xuất bản thế giới hiện tại. Theo các nhà tổ chức sự kiện, nhà báo và nhà tiếp thị độc lập, ngày càng có nhiều tác giả tìm tới họ để quảng bá sách, thay vì phụ thuộc vào nhà xuất bản như trước.
Dịch vụ quảng cáo sách tư nhân nổi lên
Kathie Bennett, người sáng lập Magic Time Literary Publicity, đơn vị tổ chức chuyến đi quảng bá sách cho Reay, chia sẻ: “Công ty của tôi ngày càng nhận được nhiều đơn hàng, có thể gấp 10 lần so với 10 năm trước. Và chúng tôi chưa bao giờ tự đi quảng cáo. Mọi thứ đến đều là do truyền miệng, tác giả này kể lại cho tác giả khác”.
Và chi phí cho các dịch vụ liên quan đến tiếp thị cũng đã tăng lên. Theo Mia Lipsit, Giám đốc tiếp thị tại Hiệp hội Biên tập viên Tự do, tổ chức đại diện cho các nhà biên tập độc lập tại Mỹ, mức giá trung bình cho dịch vụ tư vấn về tiếp thị và quảng cáo đã tăng từ 51-60 USD/giờ vào năm 2019 lên tới 100 USD vào năm 2023.
Sự bùng nổ trong hoạt động tiếp thị sách độc lập này một phần là do đang ngày càng có nhiều cách quảng bá và các nhà văn muốn tìm hiểu cách thức nào phù hợp với họ.
Ashley Hayes là một nhà tiếp thị đã có 10 năm kinh nghiệm và đang làm việc với Debbie Macomber, một nhà văn chuyên nghiệp từ những năm 1980. Hayes chia sẻ: “Khi Macomber bắt đầu sáng tác, bà ấy chỉ cần tập trung vào viết. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã phát triển quá nhanh và các tác giả được kỳ vọng phải làm nhiều thứ hơn. Họ phải có một trang web, một bản tin, cần hoạt động tích cực trên mạng xã hội và biết cách chia sẻ, lan tỏa tác phẩm của mình”.
Do đó, bà Hayes tin rằng đã có sự bùng nổ khối lượng công việc quảng cáo và điều này vượt xa khả năng của nhân viên nội bộ tại các nhà xuất bản. Và do đó, nhu cầu về đội ngũ tiếp thị độc lập gia tăng để giúp các tác giả tiếp cận công chúng.
Ngành xuất bản Mỹ hiện do năm nhà xuất bản lớn chi phối: Penguin Random House, Hachette, HarperCollins, Simon & Schuster và Macmillan. Họ đều có sự chọn lọc các tác giả họ muốn làm việc cùng và sau đó, họ sẽ ứng trước tiền cho một số lượng tác phẩm bán ra dự kiến, cũng như hỗ trợ việc chỉnh sửa, phân phối và quảng bá, bao gồm lập kế hoạch tổ chức các sự kiện, quảng bá và tiếp thị.
Và ngay cả với những tác giả đang làm việc với các nhà xuất bản này, nhu cầu tìm sự hỗ trợ bên ngoài trong việc tiếp thị cũng đang gia tăng. Kristy Woodson Harvey là tác giả của 10 cuốn tiểu thuyết và gần đây nhất là A Happier Life, tác phẩm được Gallery Books, một chi nhánh của Simon & Schuster, xuất bản. Ngay từ khi ra mắt tác phẩm thứ 3, thứ 4, bà đã tìm đến các nhà tổ chức sự kiện, nhà báo và nhà tiếp thị độc lập để giúp quảng bá.
Darcie Rowan, một chuyên gia về tiếp thị cho biết: “Các tác giả muốn có thêm người giúp họ khám phá ra tất cả cách thu hút sự chú ý của giới truyền thông, bên cạnh những điều nhà xuất bản thường làm.
Do đó, khi bắt đầu làm việc với một tác giả, chúng tôi thường hỏi: nhà xuất bản của bạn đang làm gì? Sau đó, chúng tôi có thể vạch ra các lĩnh vực khác cần quảng bá hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện chiến dịch để sách tiếp tục bán được nhiều tháng sau đó”.
Bù đắp sự sụt giảm mảng tiếp thị trong nhà xuất bản
Tuy nhiên, dịch vụ tiếp thị bên ngoài không chỉ hỗ trợ thêm cho mảng quảng cáo trong nhà xuất bản, mà trên thực tế, dịch vụ tiếp thị độc lập đang dần làm thay công việc cho nhà xuất bản.
Olga Brudastova, Chủ tịch của UAW Local 2110, tổ chức công đoàn tại HarperCollins, cho biết: “Trong thời gian đầu đại dịch, hoạt động của ngành sách gần như bị đình trệ. Và các nhà xuất bản đã tìm cách giảm thiểu thiệt hại bằng việc sa thải, tái tổ chức hay đình chỉ việc tuyển dụng. Và phần việc của những người ra đi được phân bổ cho những nhân viên còn lại”.
Đối với HarperCollins, họ áp dụng lệnh đình chỉ tuyển dụng không chính thức từ năm 2022 đến năm 2023 và tìm cách giảm 5% mức độ nhân sự trên diện rộng. Điều này không chỉ làm giảm số lượng nhân viên chuyên quảng bá sách mà còn khiến người lao động mất tinh thần.
“Xét về thu nhập, ngành xuất bản hoàn toàn không thể cạnh tranh với các ngành khác. Và rất nhiều kỹ năng chúng tôi có đều có thể dễ dàng áp dụng cho những công việc khác, từ biên tập, tiếp thị đến thiết kế đồ họa… Mọi người ở lại nhà xuất bản vì họ đam mê công việc họ làm. Nhưng mọi người đều phải thanh toán các hóa đơn để sống còn nên đến một lúc nào đó, chúng tôi phải tính tới việc điều chỉnh công việc”, Brudastova nói thêm.
Còn về phía tác giả, không phải ai cũng được nhà xuất bản hỗ trợ tiếp thị. Và nếu muốn nhà xuất bản giúp quảng bá tác phẩm thì họ cũng thường phải trả một cái giá rất đắt. Các chuyến công du quảng bá sách có thể tiêu tốn tới 15.000 USD hay các chiến dịch quảng cáo có thể lên tới 16.000 USD.
Do đó, nhiều tác giả quyết định đầu tư cho các dịch vụ tiếp thị tư nhân với hi vọng sử dụng một mức chi phí phải chăng để mang lại doanh thu tốt hơn.
Khi mới sử dụng dịch vụ tiếp thị tư nhân, Harvey phải đầu tư tới 40-50% thu nhập từ tác phẩm đó. Nhưng khi danh tiếng của bà vang xa hơn theo từng tác phẩm, mức chi cho quảng bá hiện chỉ bằng 10-15% doanh thu cuốn sách. Với nhiều nhà văn, đây có thể là một cách đầu tư đúng đắn.