Tác giả 'Những vần thơ của quỷ Satan' lần đầu tiên xuất hiện sau khi bị đâm
Salman Rushdie, nhà văn gốc Ấn lần đầu xuất hiện trước công chúng sau 9 tháng - kể từ khi bị đâm ở buổi diễn thuyết.
Vào ngày 18.5 tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Mỹ), Rushdie được Tổ chức Pen America trao giải Centenary Courage vì đã vượt qua cửa tử. Nhà văn đeo kính với 1 tròng đen để che đi con mắt bị mù đã phát biểu trước 700 quan khách tại Bảo tàng: "Thật mừng khi tôi được quay trở lại. Mọi chuyện diễn ra theo hướng tích cực. Hôm nay, tôi được trao giải bởi lòng dũng cảm, nhưng người hùng thật sự chính là những người giúp đỡ tôi ở thời điểm đó. Nếu không có họ, tôi đã không đứng tại đây và ngay lúc này".
Ông nói rằng: "Bạo lực không ngăn cản được chúng ta. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn".
Đó là một sự trở lại sân khấu đầy cảm xúc đối với Rushdie, người trong nhiều thập kỷ đã là người bảo vệ không mệt mỏi cho các nhà văn về quyền tự do viết trong khi bản thân ông đang sống trong sự đe dọa bị giết vì tác phẩm của mình.
Rushdie cho biết, ông nhận giải thưởng này là thay mặt cho “những anh hùng” đã xông vào viện Chautauqua cứu ông sau khi ông bị đâm liên tục vào ngày 12.8 năm ngoái.
“Nếu không có những người này, tôi chắc chắn sẽ không được đứng ở đây ngày hôm nay. Tôi là mục tiêu ngày hôm đó, nhưng họ là những anh hùng. Tôi nợ họ mạng sống của mình", ông nói.
Ngày 12.8 năm ngoái, trong lúc chuẩn bị bài diễn thuyết ở Học viện giáo dục Chautauqua, Rushdie bất ngờ bị Hadi Matar (24 tuổi) đâm vào cổ, bụng, ngực và mắt phải. Ông được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng để cấp cứu. Tuy đã hồi phục sức khỏe, nhà văn đã mù một bên mắt. Tại phiên tòa ngày 18.8, Matar bác các cáo buộc tấn công và cố ý giết người, đồng thời cho biết đã đọc những gì Rushdie viết và cảm thấy tác giả "không phải là người tốt".
Trong bài phỏng vấn với New Yorker vào tháng 2, Rushdie nói: "Tôi đối mặt với mọi thứ bằng cách nhìn về phía trước. Những gì xảy ra trong tương lai quan trọng hơn ngày hôm qua".
Tiểu thuyết gia Rushdie sinh ngày 19.6.1947 trong một gia đình Hồi giáo ở Bombay (nay là Mumbai), Ấn Độ trước khi chuyển đến Anh sinh sống.
Ông đã bị đe dọa tính mạng kể từ khi ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ tư của mình với tiêu đề "The Satanic Verses" (Tạm dịch: Những vần thơ của quỷ Satan). Một số người Hồi giáo cho biết một số đoạn trong tác phẩm của ông mang ý báng bổ, và tiểu thuyết này bị nhiều nước Hồi giáo cấm kể từ khi xuất bản năm 1988.
Vài tháng sau khi "The Satanic Verses" xuất bản, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã ra một sắc lệnh tôn giáo kêu gọi người Hồi giáo giết tiểu thuyết gia Rushdie và những ai liên quan đến việc xuất bản tác phẩm vì tội báng bổ.
Ông Rushdie, mô tả tác phẩm của ông là "khá nhẹ nhàng", đã ẩn náu trong gần một thập kỷ sau đó. Ông Hitoshi Igarashi, người Nhật đã biên dịch tác phẩm đã bị giết vào năm 1991.
Năm 1998, Chính phủ Iran cho biết họ không ủng hộ sắc lệnh tôn giáo nói trên nữa, và ông Rushdie đã sống cởi mở hơn trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, đến năm 2019, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố sắc lệnh tôn giáo là "không thể thay đổi".