Tác giả - tác phẩm

Nhà thơ Vũ Xuân Hương, nguyên là giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, cán bộ Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban biên tập Tạp chí Tài hoa trẻ - Báo Giáo dục và thời đại (Bộ GD-ĐT).

Ông đã xuất bản các tập thơ, trường ca: Sông trưa (1996), Cây chăm làm (thơ viết cho thiếu nhi, in chung với Nguyễn Văn Chương, 1985), Nụ bàng (in chung với Nguyễn Công Bình, 1998), Bụi thiên hà (2010), Dòng sông mở đất (trường ca, 2000), Khúc nhen chiều (2023).

Ông đã xuất bản các tập thơ, trường ca: Sông trưa (1996), Cây chăm làm (thơ viết cho thiếu nhi, in chung với Nguyễn Văn Chương, 1985), Nụ bàng (in chung với Nguyễn Công Bình, 1998), Bụi thiên hà (2010), Dòng sông mở đất (trường ca, 2000), Khúc nhen chiều (2023).

Vũ Xuân Hương là hội viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 3), Học viện Viết văn Gorky (Liên bang Xô Viết cũ).

Ngay từ những ngày đầu ở Ban Vận động thành lập Hội VHNT Đồng Nai, Vũ Xuân Hương đã tích cực tham gia (từ 1977 - khi dạy học ở Đồng Nai) và đóng góp bài vở, nhiều ý kiến cùng các nhà văn Lý Văn Sâm, Huỳnh Công Thức (Chủ tịch, Phó chủ tịch đầu tiên của Hội VHNT Đồng Nai)… Ông cũng là nhà văn đầu tiên chủ động đi thâm nhập thực tế các địa phương, lâm trường, nông trường cao su để nuôi dưỡng cảm hứng và chất liệu sáng tác.

Là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của Đồng Nai và vùng đất phương Nam, thơ ông ngày càng đậm đà, nhiều tầng ý nghĩa, luôn quẫy đạp tươi mới trong ngôn ngữ nghệ thuật. Ông viết không nhiều nhưng chắt lọc, lắng đọng.

Nhân nhà thơ Vũ Xuân Hương vừa ra mắt tập thơ mới Khúc nhen chiều (NXB Văn học), Đồng Nai cuối tuần xin trân trọng giới thiệu một số tác phẩm của ông.

Nhà thơ Đàm Chu Văn chọn và giới thiệu

Bến xưa

Một chiều tìm lại bến xưa

Thuyền mơ bờ mới, đung đưa lá cành...

Là anh nhưng chẳng là anh

Nhớ thương khắp mạn chòng chành đó em.

Giở thấy bức ký họa Khóm chuối vườn mẹ

Mẹ giờ đã ở rất xa

Chuối buồng mấy vụ em ta cắt rồi...

Chỉ còn nỗi nhớ khôn nguôi

Lá khô sột soạt lòng người - gió khua…

Xuân Quý Mão, 2003

Quan quan thư cưu

“Tưởng nước giếng sâu nối sợi dây dài” - ca dao

Anh đi tìm không thấy tiếng chim cưu

Đâu dáng nết na, dịu dàng, thủy chung, trinh tiết?

Những vùng nắng nung, những miền trắng tuyết

Đâu rồi, đâu rồi

“Quan quan cái con thư cưu”? (*)

Nơi đất hiểm tìm vàng còn có thể

Anh minh còn lấp lánh chốn ngu mê

Duy tình yêu, tình yêu dường không thế

Khi ngọn nguồn con suối đã khô trơ.

Thôi! Hãy tha thứ cho nhau

một thời không đáng lỗi

Thời em quá thiêng liêng mọi góc anh nhìn

Cây thánh giá là em - lòng anh thầm xưng tội

Thời anh quỳ dâng hết cả lòng tin!

Thôi! Hãy nhận nơi anh lời giã biệt

Lặng câm tay cuốn lại sợi dây lầm,

Lòng tĩnh chút phía triền sông nước xiết

Trong nắng xế ngang chiều,

Ngóng vọng tiếng thư cưu…

Biên Hòa, 1994

_________

(*): Câu trong Kinh Thi (lời dịch của thi sĩ Tản Đà)

Hòn đá mang hình hài ký ức

Anh tìm lại

hòn đá voi phục

em ngồi năm xưa:

giờ không còn nữa!??

Ai đã cuỗm chúng đi?

Hẳn phải là một đại gia thế lực

có thể ngang nhiên cho xe cẩu

bốc hơi cả tỷ năm thắng cảnh xứ này…

Bao du khách từng ghé đây chụp ảnh

hay giản đơn giây phút ghé ngồi…

nay hụt hẫng khi nhìn vết huyệt

thay chú voi hiền phủ phục bao năm!

Em đã ra đi, nào ngờ hòn đá

cũng bốc hơi vì tham ác của người!?

Anh đứng lặng thành thạch nhân trước biển

sóng bạc đầu xô tới tấp nguồn cơn…

Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 2-2022

Câu hỏi ở Bản Ðôn

Trước khi gặp bầy voi lội sông Sêrêpôk

du khách ngồi ngất ngưởng trên lưng,

anh gặp những tàng cây cổ thụ -

đàn voi trời xuống Bản Đôn tiếp đón

cầu dây chòng chành tay vịn

cây hay voi xoạc chân, uống nước?

voi hay cây thả rễ, tung vòi?

“Quốc tộ như đằng lạc” *

Bản Đôn dịt dằng níu giữ -

Tình yêu đâu cần Amakông?!

Anh chẳng khỏe như voi vẫn dư phần hoang dại

em có tài thuần dưỡng được chăng?

__________

* “ Vận nước dịt dằng như muôn dây quấn” - câu kệ của thiền sư Pháp Thuận trả lời vua.

Con chim bồ chao

Trong rừng cao su

con chim bồ chao với người thợ cạo

như con cò với người nông dân!

Con chim bồ chao mày nhảy trên đất…

bới lá tìm giun, mày bắt cào cào

chòm lông trắng trên đầu chòm tóc bạc

cái ức mày thơ dại phau phau…

Rừng năm tháng âm u vắng ngắt

không có mày ta buồn biết bao!

Kroóc, kroóc, roóc…

Từng chén mủ rót vô thùng,

rót,

rót…

mủ trắng thùng,

nguyên chất,

chắt lòng cây…

Kroóc,

kroóc,

roóc…

bẻ nắm cơm mấy thợ bạn ngồi

lim dim mắt, mơ màng trưa dưới gốc

Kroóc,

kroóc,

roóc…

bài hát đường lô chim đệm nhạc

rừng cao su mênh mông…

Làm tổ bọng cây, làm nhà đất đỏ

tao với mày sống chết cùng nhau

con chim bồ chao mày nhảy trên đất

bới lá tìm giun mày bắt cào cào

tiếng mày hót chỉ ta hiểu được

đời có mày vui lên biết bao!

Kroóc,

kroóc,

roóc…

Hễ người thợ cạo cạo ở lô nào

là có tiếng bồ chao ở đấy!

Nông trường Cao su Xà Bang, 1978

Vũ Xuân Hương

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/tac-gia-tac-pham-8124566/