Tác giả - tác phẩm: Vần thơ cho thiếu nhi

Trong gia tài thơ khá đồ sộ của mình, Nguyễn Ngọc Hưng, quê huyện Nghĩa Hành, đã viết dành riêng cho trẻ em 7 tập thơ và trở thành một trong những tác giả thơ Việt Nam viết nhiều nhất cho lứa tuổi thiếu nhi.

Hơn 40 năm qua, Nguyễn Ngọc Hưng đã vượt lên số phận, dành tiếng nói yêu thương nhất, trong trẻo nhất của lòng mình, của đời mình cho thiếu nhi. Bảy tập thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết dành riêng cho trẻ em, đó là: Cầm sợi gió trên tay - 1993; Lửa trời nhóm bếp - 1994; Còn con tìm mẹ - 1995; Gọi trăng - 2001; Hương tuổi thơ - 2007; Bốn mùa cho bé yêu - 2010; Đường em đến lớp - 2012.

Các tập thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng.

Các tập thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng.

Thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Hưng vẫn tập trung vào những chủ đề cơ bản, quen thuộc phù hợp với tuổi thơ; khác biệt chăng là cách sử dụng hình ảnh, câu từ phù hợp với lứa tuổi các cháu theo phong cách riêng của người làm thơ. Cảnh vật thiên nhiên là một chủ đề phổ biến khi viết cho thiếu nhi, nhưng khám phá ra “Ông mặt trời mùa đông” như thế này thì có lẽ chỉ Ngọc Hưng mới thấy: "Phải vì ông rét quá/ Suốt đêm đốt lò không/ Mà sáng nay cháu thấy/ Khuôn mặt ông chín hồng?" (Ông mặt trời mùa đông).

Mùa hè đối với tuổi học trò được Ngọc Hưng vẽ lên bằng nhiều màu sắc, rất bắt mắt và hấp dẫn trẻ thơ: "Xôn xao màu phượng đỏ/ Sắc nắng vàng rưng rưng/ Ông trời xanh gọi gió/ Diều em cao tít lừng" (Mùa hoa phượng). Chuyện học hành của trẻ nhỏ trong thơ Hưng không chỉ là việc dạy cho các cháu những phẩm chất tốt đẹp: "Thảo thơm, lạ thế/ Càng cho càng nhiều/ Hèn chi cô Tấm/ Được người người yêu!" (Thơm thảo), mà còn có hướng dẫn các cháu cách “học đánh vần” dễ nhớ, dễ thuộc: "O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ làm quà tặng ông/ Suốt ngày tha thẩn chơi rông/ Đẹp chi mà vểnh râu rồng hở Ơ?/ Bé đang ngồi nghĩ vẩn vơ/ Bỗng đâu gió đến khép mờ... i... mi/ Thế là ông cắp Ô đi/ O lăn đâu mất, Ơ thì... quẹo râu!" (Bé học vần)...

Đó còn là những hình ảnh dí dỏm thông qua thế giới loài vật được ngụ ngôn trong những lời khuyên, bài học thương yêu, tương trợ, đoàn kết với bạn bè cùng lớp, cùng trường: "Gà con tha thẩn bờ ao/ Trượt chân chới với ngã nhào nước xanh/ Mắt nhanh mà miệng cũng nhanh/ Chích chòe kêu: Cứu, cứu... Anh em nào!/ Ao bèo lập tức xôn xao/ Ếch, cua, cá... Xúm tay vào đỡ lên/ Hú hồn hú vía một phen/ Ao sâu gà chẳng dám men tới gần!" (Té ao).

Nguyễn Ngọc Hưng còn làm thơ về hình ảnh những người thân gần gũi, đầu tiên nhất đối với trẻ em chính là cô giáo - người mở mang những tri thức vỡ lòng: "Qua lời cô giảng/ Thế giới hiện ra/ Thỏ ngọc trăng ngà/ Lung linh cổ tích" (Cô giáo em). Và, cũng thật thú vị với những vần thơ viết về những người trong gia đình. Đây là hình ảnh mẹ và bà ngoại: "Mẹ thì nhanh nhẹn thế/ Bà lại chậm chạp ghê/ Chống gậy còn sợ té/ Bước run run, nặng nề./ Chuyện đời xửa đời xưa/ Bà không quên một chữ/ Còn những chuyện bây giờ/ Chẳng mấy khi bà nhớ” (Bà ngoại); là nỗi nhớ khi ba vắng nhà: "Vắng ba một bữa/ Nhà đã buồn teo/ Con chó con mèo/ Ra vào tha thẩn" (Vắng ba); là bà nội: "Mỗi khi đi học về/ Thấy nội ngồi im lặng/ Được điểm mười cháu khoe/ Nội cười rung tóc trắng" (Bà nội), rồi ông nội: "Cái cây là của nội trồng/ Cái nhà nội dựng, cái sông nội đào/ Cái giàn mướp, cái cầu ao/ Nội làm trăm cái cái nào cũng xinh" (Nội).

Đặc biệt là tình anh em trong một gia đình: "Chỉ có ba viên kẹo/ Mà đến bốn anh em/ Chia làm sao cho khéo/ Để không ai nhịn thèm?/ Thằng Út la chèo chẹo/ Xuất cho nó một viên/ Bé Bầu là con gái/ Cũng nhận phần ưu tiên.../ Cầm một viên còn lại/ Cu Tý nhìn cu Ty/ Thôi mình là... người lớn/ Nhịn cho em kẽo... kỳ!/ Thấy anh không có phần/ Cu Ty cho một tẹo/ Bầu, Út cũng làm theo/ Tý chia quà rõ khéo!" (Cu Tý chia quà). Trong tác phẩm "Cây gia đình", những vần thơ dạy cho bé biết về tầm quan trọng của nguồn cội, gia đình, phải biết vâng lời cha mẹ: "Thân cây chắc khỏe/ Nhờ cội rễ bền.../ Con cái muốn nên?/ Vâng lời cha mẹ!/ Giọt nắng lung linh/ Cười trên mắt bé/ Xong rồi! Bức vẽ/ Cái cây gia đình"...

Thơ viết cho thiếu nhi chỉ có thể thành công khi nào bản thân các cháu đọc lên thấy thích. Bên cạnh đó, những bậc phụ huynh càng đọc càng thấy hình ảnh mình trong ấy, thấy mình được trở về với thế giới thần tiên của tuổi thơ, để tự mình rút ra bài học nhằm dạy dỗ con em mình tốt hơn. Nguyễn Ngọc Hưng đã làm được điều đó. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thơ Ngọc Hưng được chọn nhiều bài đưa vào sách giáo khoa trong chương trình tiểu học.

Bài, ảnh: MAI BÁ ẤN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202405/tac-gia-tac-pham-van-tho-chothieu-nhi-3664723/