Tác giả tự hào được ghi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) đã long trọng diễn ra sáng 19/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
16 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT. 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT
Tại buổi lễ, các tác giả đã chia sẻ niềm vui, niềm tự hào khi những sáng tạo của mình được Nhà nước ghi nhận.
PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh- Giải thưởng Hồ Chí Minh: Giây phút đem lại cảm xúc mạnh mẽ nhất
Trong quá trình sống và làm việc thì đây là khoảng khắc đem lại cảm xúc mạnh mẽ nhất, vinh dự nhất, sung sướng nhất của đời người cũng như trong những năm tháng lao động sáng tạo: Tôi đã có những tác phẩm đạt được đánh giá cao, được Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.
Những giải thưởng, cống hiến đó được đặt trên một nền tảng tình yêu của con người, của cá nhân tôi với cuộc đời, với gia đình, đồng chí, đồng đội đặc biệt là với tình yêu đối với hiện thực của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Do đó tất cả các tác phẩm của tôi đều có hình tượng người lính, không chỉ là hành động của người lính trong cuộc chiến tranh, mà còn là thế giới nội tâm sâu sắc của người lính, đó là nền tảng, là cơ sở để chúng ta làm nên chiến thắng, đồng thời nó cũng là cơ sở để chúng ta tạo nên những vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật.
Có lẽ rằng không có vẻ đẹp nào bằng vẻ đẹp chân thật, từ chân thật đó mới cách điệu hóa được nghệ thuật, mang đến giá trị đích thực cho cuộc sống, cho con người.
Trong khoảng khắc này, tôi nghĩ rằng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc khi còn có thể. Và tôi hoàn toàn đặt niềm tin với thế hệ tiếp nối chúng tôi, đó là quy luật tất yếu, đổi mới và tồn tại, luôn luôn phát triển tìm ra cái mới. Thế hệ tác giả hôm nay có đầy đủ hành trang để bước tiếp với nhận thức, trình độ, tấm lòng từ hiện thực hôm nay. Tuy rằng hiện thực hôm nay có những phút thăng trầm nhưng những cái thăng trầm đó đều trở thành động lực tích cực cho sáng tạo nghệ thuật.
NSND Nguyễn Như Vũ: Nhiệt huyết, sáng tạo để làm phong phú hơn đời sống văn hóa của nhân dân
Được nhận giải thường Nhà nước về VHNT đối với tôi là một niềm vinh dự tự hào rất lớn. Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp sáng tạo của tôi về phim tài liệu, khoa học, và làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW, đây là một cái nôi có truyền thống làm phim tài liệu, phim khoa học, đóng góp nhiều thước phim lịch sử cho nước nhà. Nơi đây cũng gắn bó với gia đình tôi khi bố, mẹ, chị đều công tác tại đây. Đó cũng là một điều kiện thuận lợi cho tôi trên con đường nghệ thuật.
Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã cho tôi được đào tạo rất cơ bản. Tôi được học Điện ảnh ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ khi về nước, năm 1984, tôi công tác tại nơi bố mẹ làm việc, là Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW và được bố mẹ, cô chú, anh chị trong Hãng phim giúp đỡ tạo mọi điều kiện để làm phim. Nhờ đó tôi gặt hái được nhiều giải thưởng như: Bông Sen, Cánh Diều… Đây là niềm động lực thôi thúc tôi sáng tạo nghệ thuật.
Hiện nay, Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW có nhiều thế hệ nối tiếp thế hệ cha anh. Các bạn có những thuận lợi là được đào tạo rất cơ bản và hầu hết đều có nhiệt huyết sáng tạo, đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng… Tôi rất vui vì điều đó và tôi tin tưởng các thế hệ trẻ sẽ nối tiếp được truyền thống của bao nhiêu thế hệ đã làm nên lịch sử của điện ảnh nước nhà nói chung và các bộ phim lịch sử nói riêng, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa của nhân dân.
NSƯT Trần Ly Ly: Thế hệ trẻ cần chắt lọc, nghiên cứu để tạo ra được những giá trị mới
Tôi rất xúc động khi nhận được một giải thưởng vô cùng danh giá, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Với những thế hệ trẻ như chúng tôi được ghi nhận thì đấy là một vinh dự, một động lực để chúng tôi tiếp tục làm việc, tiếp tục phấn đấu.
Tôi nghĩ tất cả con người Việt Nam, những nghệ sĩ, trí thức văn nghệ sĩ đều rất mong muốn cống hiến, có những tác phẩm với khát khao đam mê của mình để cống hiến cho giá trị VHNT nước nhà. Tôi nghĩ rằng, giải thưởng này với giá trị của nó là một sự động viên khích lệ vô cùng lớn, đồng thời là một sự trân trọng lớn của Đảng và Nhà nước, các lãnh đạo. Hơn hết, tất cả những người nghệ sĩ, tri thức rất khát khao mong muốn có những tác phẩm để cống hiến cho cộng đồng, đất nước Việt Nam.
Tôi hy vọng rằng các thế hệ trẻ có nhiều sáng tạo hơn nữa, bởi trong thời kỳ mới này, thời kỳ hội nhập, đó là sự tiếp xúc của khoa học kỹ thuật, nhưng để mà chắt lọc tạo ra một sản phẩm có giá trị đấy là một thách thức. Hơn nữa, trong thời kỳ này, một thế giới phẳng có quá nhiều thách thức để tạo ra một tác phẩm có giá trị. Vì vậy, các thế hệ trẻ cần phải hết sức chắt lọc, nghiên cứu để tạo ra được những giá trị mới.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Thơ và Nhạc là đôi cánh sáng tạo
Tôi rất xúc động vì cả một đời cống hiến đã được Nhà nước nhìn nhận đúng đắn. Đây là một niềm vinh dự của tôi. Tôi rất mừng vì những cống hiến được ghi nhận.
Hai tác phẩm được giải thưởng Nhà nước của tôi là hai cuốn sách rất tâm huyết mà tôi viết về âm nhạc Việt Nam: Một thế kỷ âm nhạc Việt Nam, một thời đạn bom; Một thế kỷ âm Việt Nam, thời đại hòa bình.
Tôi buộc lòng phải chia hai cuốn vì quá dày. Tôi cũng sung sướng vì đã tôn vinh được nền âm nhạc Việt Nam bằng tất cả sự ngẫm nghĩ và dâng hiến.
Bản thân tôi là một nhà thơ, nhưng cũng là một nhạc sĩ. Thơ và âm nhạc luôn đi cùng với nhau, cảm giác như là hai đôi cánh không thể tách rời của một sức bay nghệ thuật nên luôn luôn gắn bó. Kể cả giao hưởng cũng có chất thơ ở trong đó và ngược lại trong các bài thơ đều có âm hưởng của âm nhạc. Chính vì thế, nó luôn không tách rời và tôi rất vui vì mình làm được việc trên hai lĩnh vực đó. Sau giải thưởng, tôi đang ấp ủ sẽ tiếp tục con đường viết hợp xướng, và nếu như con đường này thành công thì sau vài năm sẽ có một giải thưởng nữa.