Tác hại của dưa muối nếu ăn hàng ngày
Dưa muối là món ăn yêu thích của nhiều người, nhưng ăn dưa muối hàng ngày cũng gây ra nhiều tác hại tiêu cực cho sức khỏe.
Tác hại của dưa muối với sức khỏe
Dưa muối là món ăn được nhiều người yêu thích, tuy ngon miệng và cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu lạm dụng dưa muối có thể gây ra những tác hại sau:
Làm tăng huyết áp
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS. Hải Châu cho biết, bảo quản bất kỳ loại thực phẩm nào cũng đòi hỏi việc bổ sung thêm muối và muối chiếm khoảng 5% của hầu hết các công thức muối dưa.
Lượng muối nhiều có thể làm tăng huyết áp. Muối và natri là nhân vật phản diện khi nói đến sống chung với bệnh tăng huyết áp và bệnh tim. Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ cho thấy những người có tăng huyết áp hoặc tiền tăng huyết áp cần hạn chế lượng natri hàng ngày của họ và chỉ cần 1.500mg/ngày.
Gây kích ứng dạ dày
Ăn với lượng nhiều dưa muối trong một lần dễ gây kích thích tăng tiết axit dạ dày, làm phát triển hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, và dễ làm khởi phát viêm loét dạ dày có sẵn.
Gây áp lực lên gan và thận
Ăn quá nhiều muối có thể khiến thận và gan của bạn phải làm việc nhiều hơn. Hơn nữa, huyết áp cao thường xảy ra do chế độ ăn nhiều muối càng gây thêm căng thẳng cho các cơ quan này. Do đó, ăn dưa chua quá mức dễ gây rủi ro cho bất kỳ ai mắc bệnh gan hoặc thận.
Nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn
Báo VietNamNet dẫn nguồn Webmd cho biết, lượng muối cao trong dưa có thể gây hại trực tiếp cho dạ dày của bạn, dẫn đến ung thư hoặc có thể nhiễm trùng và loét, cuối cùng trở thành ung thư.
Tăng nguy cơ loãng xương
Chế độ ăn nhiều muối cũng liên quan tới tăng nguy cơ loãng xương. Nếu bạn không nhận đủ canxi, một lượng lớn muối có thể tiếp tục lọc khoáng chất ra khỏi xương, dẫn đến xương yếu hơn và nguy cơ loãng xương.
Ăn dưa muối thế nào để có lợi cho sức khỏe?
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS. Hải Châu cho biết, khi ăn dưa muối bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
Không nên ăn dưa muối khi còn màu xanh, vị cay hăng. Do dưa còn màu xanh chưa dịu dễ chứa nhiều nitrosamin có thể gây ung thư. Chỉ nên ăn dưa khi đã ngả sang màu vàng tươi, chua, giòn và có mùi thơm.
Nếu có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, nên hạn chế ăn dưa muối vì chúng chứa hàm lượng muối cao có thể làm tăng thêm huyết áp.
Trước khi ăn nên rửa nhiều lần, vắt sạch dưa để giảm độ mặn và độ chua của dưa muối.
Không nên ăn quá nhiều và thường xuyên. Chỉ nên ăn dặm cùng nhiều món ăn khác trong một bữa ăn, nhất là các bữa ăn ngày Tết.
Dưa muối ăn thừa không cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong lọ, dùng muỗng đũa sạch để gắp dưa, đậy kín lọ và nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Tự muối dưa các loại rau và quả của riêng nhà bạn, có thể giúp bạn điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo được thực phẩm sạch, bảo vệ các sản phẩm an toàn trong tủ lạnh cũng như giữ nguyên hương vị muối dưa cho các món ăn ngày Tết.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tac-hai-cua-dua-muoi-neu-an-hang-ngay-ar922774.html