Tác hại của việc ngủ ngáy đối với sức khỏe
Ngủ ngáy không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có thể đang gặp những bệnh nguy hiểm. Vậy ngủ ngáy có tác hại đối với sức khỏe ra sao, làm thế nào để điều trị ngủ ngáy hiệu quả?
Ngủ ngáy là hiện tượng xảy ra do sự rung động luồng khí của các mô mềm trong vòm họng. Ngáy không chỉ phát ra tiếng ồn gây khó chịu cho những người xung quanh, mà còn phản ánh tình trạng sức khỏe của người đó.
Nguyên nhân dẫn đến ngủ ngáy
Ngủ ngáy có nhiều nguyên nhân, sự giãn cơ lưỡi trong lúc ngủ kèm theo sự vận động của luồng khí trong vòm họng tạo ra sự rung động và áp lực trong đường thở gây ra tiếng ngáy. Trong lúc ngủ các cơ quan đều trong trạng thái nghỉ ngơi, lúc này cơ họng và lưỡi ít hoạt động nên dễ bị giãn/trùng, đè lên đường thở.
Ngoài ra, tuổi tác cũng là một yếu tố ảnh hưởng, người lớn tuổi thường dễ ngủ ngáy hơn. Các yếu tố khiến dòng khí được hít thở qua mũi và miệng bị ngăn cản hoặc tắc nghẽn gây ra ngủ ngáy bao gồm:
Ngủ ngáy có liên quan đến rượu và thuốc ngủ – làm giãn cơ.
Do béo phì – gây áp lực lên đường thở.
Do một số bệnh như: Cảm cúm, dị ứng, nghẹt mũi – mũi bị tắc (do vẹo vách ngăn, VA, polyp mũi…) nên phải thở bằng miệng.
Do hút thuốc: Những người hút thuốc bị ngáy nhiều hơn gấp 2 lần những người không hút thuốc, do đường thở bị viêm tấy và nghẹt mũi.
Do tư thế nằm, các nghiên cứu cho thấy nằm ngửa khi ngủ dễ gây tình trạng ngủ ngáy.
Ngoài ra, một số người có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi thiếu khoa học cũng có thể dẫn đến tình trạng ngáy khi ngủ.
Ngủ ngáy gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe
Ngủ ngáy xảy ra trong thời gian dài nếu không được điều trị thì sẽ ảnh hưởng đến bản thân người ngáy và mọi người xung quanh, đặc biệt ở những người có xuất hiện chứng ngưng thở.
Việc đường thở bị tắc nghẽn sẽ khiến gián đoạn hô hấp khi ngủ. Ở bệnh nhân có hiện tượng ngưng thở, mỗi lần ngừng thở có thể kéo dài đến 10 giây. Bệnh nhân dễ bị thức giấc khi ngủ, khó vào giấc lại, ngủ không ngon.
Tình trạng ngưng thở khi ngủ ngáy khiến cho bệnh nhân luôn phải giữ duy trì sự hít thở, khiến cơ thể mệt mỏi, khó ngủ.
Mất ngủ và khó ngủ xảy ra thường xuyên khiến người bệnh suy giảm sức khỏe, kém tập trung trong công việc.
Ngủ ngáy kéo dài có thể gây ra các bệnh lý khác như huyết áp cao, rối loạn về tim mạch, mắc bệnh tiểu đường và có thể đột quỵ.
Tắc nghẽn khiến sự cung cấp oxy vào trong máu giảm. Lượng oxy lên não cũng giảm, bệnh nhân rất dễ bị đau đầu, chóng mặt. Càng để lâu triệu chứng đau đầu sẽ trở thành kinh niên và khó chịu hơn.
Tóm lại, ngủ ngáy có nhiều mức độ, từ tắc nghẽn đường hô hấp bình thường cho đến ngưng thở khi ngủ. Điều này khiến người bệnh gặp rối loạn về giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như mệt mỏi, giảm tập trung, giảm trí nhớ… thậm chí gây nguy hiểm khi ngừng thở. Bởi vậy, nên trị ngủ ngáy dứt điểm càng sớm càng tốt.
Cách đơn giản ngăn ngừa ngủ ngáy hiệu quả
Cần thay đổi tư thế ngủ
Nằm ngửa khi ngủ có thể dẫn đến tình trạng ngủ ngáy, vì vậy, ngủ tư thế đầu cao hoặc ngủ ở tư thế nghiêng về một bên sẽ giúp trị ngủ ngáy. Vì những người nằm ngửa thường dễ bị ngáy hơn do lưỡi bị đẩy tụt xuống, khiến đáy lưỡi che đường hô hấp, dẫn đến tắc nghẽn gây ra tiếng ngáy to khi ngủ.
Không ăn quá no, cần duy trì mức cân nặng hợp lý
Tình trạng béo phì là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngủ ngáy. Bởi ở người béo, các mô mỡ ở cổ sẽ chèn ép tới cổ họng khi ngủ, khiến đường hô hấp bị hẹp lại gây ra ngáy. Do vậy, để trị ngủ ngáy hiệu quả, việc giữ cho cân nặng ở mức hợp lý là rất cần thiết.
Ngoài ra, không nên ăn quá no, đặc biệt là bữa tối, vừa không tốt cho dạ dày vừa dễ gây nên chứng ngủ ngáy. Việc đi bộ thể dục nhẹ nhàng sau bữa tối sẽ là phương pháp hữu ích giúp tiêu hóa nhanh hơn và dễ đi vào giấc ngủ, giúp ngủ sâu hơn, không gặp hiện tượng ngáy.
Uống đủ nước, uống nước ấm trước khi ngủ
Cơ thể cần nước, vì vậy chúng ta cần uống đủ nước hàng ngày, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp hạn chế tình trạng thiếu nước. Vì tình trạng thiếu nước khiến các chất tiết mũi và họng trở nên đặc và nhầy hơn, gây ra khó khăn trong lưu thông luồng khí khi hô hấp. Do vậy cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ là phương pháp trị ngủ ngáy hiệu quả.
Trước khi đi ngủ có thể uống 1 chút nước ấm để giảm tình trạng ngủ ngáy, vì nước ấm giúp cổ họng ẩm và ấm hơn, hạn chế ngáy khi ngủ. Một số loại trà ấm từ thảo mộc giúp hỗ trợ giấc ngủ là lựa chọn đáp ứng hoàn hảo vừa giúp chúng ta ngủ ngon hơn vừa hạn chế việc ngáy.
Hạn chế dùng rượu bia và sử dụng thuốc an thần khi có chỉ định
Các chất như rượu và thuốc an thần sẽ kích thích các cơ sau cổ họng dẫn đến khi ngủ thường sẽ ngáy rất to. Hơn thế việc ngủ sau khi uống rượu và thuốc an thần sẽ khiến chúng ta ngủ rất sâu giấc, tiếng ngáy ngủ sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Do vậy, nên hạn chế uống rượu để bảo vệ sức khỏe và giảm ngủ ngáy. Trong trường hợp bạn cần dùng thuốc an thần, nên uống thuốc ít nhất là 2 giờ trước khi đi ngủ.
Ngủ đủ giấc và đúng giờ
Đi ngủ đúng giờ và đủ giấc sẽ giúp cơ thể được hồi phục sau một ngày hoạt động. Ngủ đúng giờ không chỉ giúp các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, đặc biệt là não bộ và hệ miễn dịch mà còn là phương pháp trị ngủ ngáy rất tốt.
Ngủ không đủ giấc khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, giảm hoạt động và làm việc kém hiệu quả. Không những thế, người ngủ không đúng giờ, ngủ không ngon giấc sẽ nguy cơ bị béo phì và mắc các bệnh về tim mạch, có nguy cơ gặp chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt là ở người đang gặp tình trạng ngáy ngủ.