Tạc hình mẹ trong lòng Tổ quốc

Đến Bảo tàng Quân khu 3, đi giữa những hiện vật trưng bày ngoài trời, chúng tôi thực sự ấn tượng khi chiêm ngưỡng tượng đài Mẹ sông Hồng.

Đứng lặng hồi lâu, Thiếu tá QNCN Lê Thị Lan Hương, nhân viên bảo tàng giới thiệu: “Lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc gắn liền với những địa danh nổi tiếng, chiến công oanh liệt, ghi danh bao anh hùng, liệt sĩ. Nhưng trong ánh hào quang lấp lánh của chiến thắng còn có sự hy sinh thầm lặng của các bà, các mẹ, các chị. Họ là biểu tượng sáng ngời cho tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân yêu nhất”.

Trên dải đất Quân khu 3, hàng vạn bà mẹ liệt sĩ, mẹ chiến sĩ lặng thầm hy sinh cho đất nước. Mỗi câu chuyện được kể lại đều khiến người nghe rưng rưng xúc động. Đó là tấm gương Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xung (thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có 6 người con tham gia chiến đấu thì 3 con hy sinh, 1 thương binh, 1 bệnh binh. Mẹ Xung ở nhà vừa lao động sản xuất vừa nuôi cán bộ cách mạng. Căn nhà nhỏ trở thành cơ sở hậu cần của Tỉnh ủy Hải Dương về sơ tán khi Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc.

 Tượng đài Mẹ sông Hồng trong khuôn viên Bảo tàng Quân khu 3.

Tượng đài Mẹ sông Hồng trong khuôn viên Bảo tàng Quân khu 3.

Câu chuyện của mẹ Lưu Thị Hinh và Hà Thị Xuân ở Ninh Bình là sự cảm thông sẻ chia để vượt qua nỗi đau bởi hai mẹ đều có con là liệt sĩ. Nhưng sau này khi đi tìm mộ do một vài trục trặc đã dẫn đến tình cảnh éo le cả hai gia đình đều nhận chung một mộ liệt sĩ. Bằng nhiều biện pháp xác minh nhưng không có kết quả, cuối cùng hai mẹ đã đi đến một quyết định rất nhân văn coi mộ phần đó là con chung.

Từ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 3 đối với công lao của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, mẹ chiến sĩ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã quyết định dựng tượng đài với tên gọi Mẹ sông Hồng. Địa bàn Quân khu 3 trải dài trên vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Con sông Hồng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu của nhân dân và LLVT Quân khu 3. Chính vì vậy, hình ảnh mẹ gắn với tên một dòng sông đã làm nên một biểu tượng vừa thiêng liêng, cao cả, lớn lao vừa gần gũi, bình dị, hiền hòa. Sự hy sinh của mẹ đã hòa vào dòng sông quê hương để trở thành bất tử vĩnh hằng.

Tượng đài do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, chỉ huy thi công và thể hiện công trình là kỹ sư, họa sĩ Nguyễn Hồng Cường. Công trình khởi công xây dựng vào tháng 10-1996, khánh thành đúng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1997. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng vật liệu bền vững, cao 8m, thân tượng cao 5,4m, chân đế cao 1,6m. Tượng đài khắc họa hình ảnh người mẹ mặc chiếc áo cánh giản dị, đầu vấn khăn, khuôn mặt hiền từ phúc hậu như bao bà mẹ đảm đang, tảo tần nơi quê nhà. Hai tay mẹ nâng lá Quốc kỳ trước ngực thể hiện sự gắn bó khăng khít giữa mẹ với non sông đất nước. Mẹ đứng đó hiên ngang bất khuất mà bình thản bao dung. Tấm lòng mẹ luôn son sắt kiên trung, nguyện hiến dâng cho Tổ quốc thân yêu.

Xung quanh tượng đài Mẹ sông Hồng là bức phù điêu khắc họa những hình ảnh đặc trưng trong quá trình lao động, chiến đấu của quân và dân ở các tỉnh trên địa bàn Quân khu 3. Trong mỗi nhiệm vụ, việc làm đều có bóng dáng người mẹ tiếp sức, tạo niềm tin làm nên chiến thắng. Tượng đài là nơi du khách đến tham quan, tưởng nhớ tri ân công đức của các bà mẹ anh hùng, mẹ liệt sĩ, mẹ chiến sĩ, từ đó thêm tự hào về biết bao bà mẹ đã thầm lặng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc để đất nước mãi trường tồn.

Bài và ảnh: NGỌC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tac-hinh-me-trong-long-to-quoc-653430