Tắc mạch, loét hoại tử do tiêm filler tạo 'tai Phật'

Ngày 18/2, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, vừa tiếp nhận một trường hợp tiêm chất làm đầy (hay còn gọi filler) để tạo 'tai Phật' gây tắc mạch, hoại tử dái tai.

 Người bệnh rước họa vì tiêm filler tạo “tai Phật”

Người bệnh rước họa vì tiêm filler tạo “tai Phật”

Theo đó, bệnh nhân nam 24 tuổi ngụ tại TP Thủ Đức (TPHCM) đến khám trong tình trạng dái tai bầm tím, đau nhức.

Theo lời bệnh nhân, do muốn có dái tai dài, dày, to như "tai Phật" nên cách đó mấy ngày có nhờ một người bạn làm nhân viên spa mua filler với chi phí hơn 1 triệu đồng về nhà tiêm. Sau tiêm 1 ngày, dái tai bắt đầu đau nhức, căng cứng nên anh đã thông báo với bạn và được tiêm giải, uống kháng sinh, kháng viêm nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Qua thăm khám, BS.CKII Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM, nhận định bệnh nhân bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai. Nguyên nhân có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật nên tiêm vào mạch máu. Nguyên nhân nữa cũng có thể do filler là hàng trôi nổi, rẻ tiền nên không đảm bảo chất lượng.

Theo BS Thanh Giang, vùng tai là vùng có nhiều mao mạch nhỏ nên dễ bị chảy máu, bầm tím. Nếu tiêm quá nhiều filler hoặc tiêm nhầm vào mạch máu vùng dái tai sẽ căng tức, tắc mạch máu dẫn tới nguy cơ hoại tử vùng tai. Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, sau một tuần tình trạng viêm, hoại tử đã cải thiện đáng kể.

Trước đó, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng tiếp nhận một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào dái tai. Bệnh nhân cho biết cách đây 4 năm, do tính chất công việc phải có dái tai dày, dài giống như "tai Phật" nên anh đã nhờ một người bạn đến nhà tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào 2 dái tai. Sau tiêm, vành tai có màu sắc không đồng nhất nên anh đã nhờ bạn tiêm giải nhưng không khôi phục được tình trạng như ban đầu.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Kết quả siêu âm cho thấy dái tai có nhiều mô hạt viêm, nghi do silicone. Bệnh nhân sau đó được chuyển xuống Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu TPHCM để phẫu thuật tạo hình tại dái tai như ban đầu. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra các mô hạt viêm, dịch tiết…, sau đó tái tạo lại dái tai, vành tai như trước lúc chưa tiêm.

"Tiêm chất làm đầy tạo gương mặt như ý muốn là phương pháp làm đẹp được nhiều khách hàng lựa chọn vì nó mang lại hiệu quả tức thời, không phải đụng dao kéo, không mất thời gian nghĩ dưỡng… Tuy nhiên, phương pháp tiêm này đòi hỏi người tiêm phải là bác sĩ, được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng tiêm, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới. Nếu thực hiện sai kỹ thuật có thể gây ra các tai biến nghiêm trọng", BS Thanh Giang chia sẻ.

Theo BS Thanh Giang, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, chỉnh sửa đường nét khuôn mặt, cơ thể theo phong thủy cũng là làm đẹp. Tuy nhiên, mọi người cần làm đẹp an toàn. An toàn ở chỗ phương pháp làm đẹp đó phải phù hợp với tình trạng da của người đó, kỹ thuật thực hiện phải đúng và nếu sử dụng kỹ thuật tiêm chích thì sản phẩm sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng thì mới an toàn. Khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, lưu ý chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có trình độ tay nghề cao, được cấp phép rõ ràng để tránh tiền mất tật mang.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tac-mach-loet-hoai-tu-do-tiem-filler-tao-tai-phat-20220218205037908.htm