Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển - Tại sao, khơi thông cách nào?-Bài 4: Cần tạo động lực cho cán bộ, công chức

Thời gian qua, cán bộ thực thi yếu được cho là nguyên nhân chính dẫn tới các dự án chậm trễ, vốn đầu tư công không giải ngân được, các vướng mắc không được giải quyết. Bệnh thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ khi thực thi công vụ đã được chỉ ra, nhưng mãi vẫn chưa khắc phục.

Không thể cứ đổ lỗi tại cơ chế, vì cơ chế cũng do con người xây dựng và sẽ do con người thực hiện. Làm thế nào tạo cú hích để cán bộ, công chức thể hiện trách nhiệm cao trong công việc, thúc đẩy tiến độ các dự án, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn?

Do chất lượng luật hay chất lượng thực thi luật?

Hệ thống pháp luật của nước ta rất đồ sộ, với hơn 250 đạo luật đang có hiệu lực thi hành, chưa kể hệ thống pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, chất lượng văn bản luật chưa cao, năng lực thực thi pháp luật còn yếu dẫn tới nhiều bộ luật, luật được biên soạn công phu nhưng khó đi vào cuộc sống. Một số quy định của pháp luật chưa được thi hành hoặc thi hành chưa nghiêm.

Để giải quyết khâu yếu thực thi pháp luật, việc đầu tiên cần làm là phải gắn kết chặt chẽ giữa khâu xây dựng pháp luật với khâu thi hành pháp luật. Về vấn đề này, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định rõ: “Ðổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.

Thời gian qua, do áp lực công việc và chế độ đãi ngộ chưa phù hợp nên nhiều nhân viên y tế khu vực công xin nghỉ việc. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: PHÚ SƠN

Thời gian qua, do áp lực công việc và chế độ đãi ngộ chưa phù hợp nên nhiều nhân viên y tế khu vực công xin nghỉ việc. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: PHÚ SƠN

Thực tế, sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công năm 2014, các hoạt động đầu tư công đã ngay lập tức bị ách tắc. Nhiều người khi ấy đều nói rằng do Luật Đầu tư công được thiết kế không phù hợp nên làm cản trở dòng chảy vốn đầu tư công. Ngay khi các cơ quan rục rịch tìm cách sửa Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhiều lần nêu câu hỏi: Ách tắc đầu tư công là do luật hay do khâu thực thi luật? Nếu đúng là do luật thì sửa luật mới có tác dụng. Nếu không phải do luật thì sửa luật cũng không giải quyết được vấn đề.

Sau đó, Luật Đầu tư công vẫn được sửa đổi để cho ra đời Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Nhưng đến tháng 6-2020, Luật Đầu tư công lại được sửa đổi một số nội dung theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đến tháng 11 cùng năm lại được sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo Luật Bảo vệ môi trường. Sang năm 2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó có Luật Đầu tư công. Điều rất đáng bàn là dù luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn, nhưng đầu tư công vẫn ách tắc. Thậm chí, tại Thành phố Hồ Chí Minh-một trọng điểm kinh tế của Việt Nam, trong quý I-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 2%.

Trao đổi với chúng tôi, một số đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ách tắc đầu tư công không phải do luật, mà là do khâu thực hiện. Bằng chứng được các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là cùng một thể chế như vậy, có địa phương vẫn đạt tỷ lệ giải ngân rất cao, trong khi các địa phương khác lại đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp. Ví dụ, trong quý I-2023, TP Hồ Chí Minh chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công, trong khi Hải Phòng giải ngân được đến 16,6%. Nếu chỉ nhìn vào kết quả này thì có thể hiểu rằng, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức tại Hải Phòng cao hơn hẳn. Và nếu địa phương nào cũng thực hiện được như Hải Phòng thì chất lượng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một bộ lại cho rằng, pháp luật làm ra để cho tất cả cùng thực hiện. Nếu tất cả đều thực hiện tốt thì tuyệt vời; nếu chỉ 50% bộ, ngành, địa phương làm được thì cần phải kiểm tra nguyên nhân tại đâu mà 50% không làm được; nếu chỉ có 10-15% bộ, ngành, địa phương làm được thì có thể quy định của luật ấy không phù hợp, không chạy được trong cuộc sống. Trong hai cách lý giải trên, lý giải nào cũng có phần hợp lý. Chất lượng của luật và chất lượng của cán bộ thực thi luật đều có tác động tới hiệu quả đưa luật vào cuộc sống.

Vừa thiếu động lực, vừa sợ làm sai

Để việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao nhất thì việc triển khai thi hành luật phải có động lực. Đối với bộ quản lý ngành, khi xây dựng một dự án luật là để giải quyết một hoặc một số hàm ý chính sách. Đó chính là động lực để họ xây dựng luật. Khi luật được thông qua thì họ cũng sẽ có động lực để triển khai. Khi ấy, bộ quản lý ngành cũng hiểu tường tận về mọi hàm ý chính sách trong từng quy định của pháp luật, có thể hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương.

Khi thực tiễn vận hành vượt qua mức độ dự liệu của các quy định, dẫn tới các quy định hiện hành không còn phù hợp, gây cản trở sự phát triển của kinh tế-xã hội, những người có trách nhiệm thực thi pháp luật do gắn chặt với quy trình xây dựng pháp luật nên sẽ có động lực để nhanh chóng tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tiến độ thi công nút giao An Phú - một dự án trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh, ngày 15-4-2023. Ảnh: ĐOÀN BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tiến độ thi công nút giao An Phú - một dự án trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh, ngày 15-4-2023. Ảnh: ĐOÀN BẮC

Do đó, nếu văn bản luật sau khi được thông qua không phù hợp thực tiễn, không khớp với ý đồ chính sách và việc tham mưu, đề xuất của bộ quản lý ngành không được tiếp thu thì đó sẽ là luật thiếu động lực, rất dễ rơi vào trạng thái chơi vơi, sẽ rất khó cho các cán bộ thực thi.

Về mặt nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, GS, TS Nguyễn Minh Đoan (Trường Đại học Luật Hà Nội) nêu quan điểm cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, nhất là trong hoạt động áp dụng pháp luật. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ kịp thời phát hiện những khiếm khuyết, yếu kém của việc thực thi pháp luật, từ đó có biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý áp dụng pháp luật không đúng.

Quan điểm này đã được minh chứng rất rõ qua việc đẩy mạnh xử lý vi phạm với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn. Ban đầu, trong xã hội còn nhiều người sau khi uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, với hy vọng nếu bị cảnh sát kiểm tra thì sẽ xin hoặc nhờ người xin để không bị phạt. Tuy nhiên, chỉ đạo của Bộ Công an về vấn đề này rất nghiêm, làm cho cảnh sát thực thi công vụ cũng không thể và không dám xử lý nhẹ tay. Chỉ một thời gian ngắn, hiện nay trong xã hội đã hình thành được nét văn hóa mới trong tiệc tùng không ép nhau uống rượu, bia nếu sau đó phải điều khiển phương tiện giao thông và khi đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến công chức thiếu động lực thực thi công vụ, theo nhận định của nhiều chuyên gia, là do chế độ tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nói chung hiện đang quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Giai đoạn trước, cơ chế quản lý lỏng hơn, công chức, viên chức có “màu mè”, thu nhập không chính thức từ công việc nên có động lực. Thậm chí, trong nhiều vụ án, cán bộ, công chức đã bất chấp quy định của pháp luật, cố ý làm trái để trục lợi. Nhưng giai đoạn hiện nay, khi Đảng đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, Nhà nước siết chặt các quy định thì cơ hội để cán bộ, công chức làm trái, làm sai sẽ ít hơn. Lúc đó, cán bộ, công chức phải quay lại một thực tế là lương, thù lao thì vẫn thấp, trong khi trách nhiệm lại rất cao, thậm chí phải đối mặt với tù tội nếu có sai sót trong quá trình thực thi công vụ. Vì thế, nhiều cán bộ nói chung và cán bộ trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng không dám và không muốn quyết.

Cùng với đó, Luật Đầu tư công và một số luật khác có liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công còn rất phức tạp, khó thực hiện, nên càng tạo rủi ro cao. Cán bộ, công chức vì thế lại càng ngại việc. Có công chức tâm sự với chúng tôi rằng, làm chậm thì chỉ bị khiển trách, nhưng làm sai thì chắc chắn là bị kỷ luật, bị đi tù, thế nên anh chọn làm chậm mà chắc. Việc làm chậm mà chắc được người này nói chính là hiện tượng các bộ, ngành, địa phương, đơn vị gửi văn bản nhờ cấp trên hướng dẫn, rồi gửi đến những cơ quan mà họ cho rằng có thể hướng dẫn. Thế rồi họ lại nhận được câu trả lời rất chung chung là: "Đề nghị thực hiện đúng quy định của pháp luật". Quy trình ấy rất lòng vòng, tốn thời gian, việc thì giậm chân tại chỗ, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội, nhưng lại không phát hiện được ai làm sai.

Tăng thu nhập và tôn vinh công chức

Để tìm giải pháp cho thực trạng lương công chức hiện nay quá thấp, không tạo ra động lực, trao đổi với TS Phạm Chuyên, một chuyên gia người Việt Nam đã sinh sống, học tập và làm việc tại Singapore 20 năm qua, chúng tôi được biết: Lương khởi điểm của cán bộ, công chức có trình độ đại học ở Singapore là khoảng 3.000 đô la Singapore/tháng, tương đương khoảng 52 triệu đồng tiền Việt Nam. Lương khu vực công và lương khu vực tư ở Singapore chênh lệch không nhiều. Vì thế, người làm việc chuyển đổi qua lại giữa khu vực công và khu vực tư khá thường xuyên.

Mức lương đủ để bảo đảm cho gia đình công chức có cuộc sống sung túc nên họ không cần “chân trong, chân ngoài”, mà toàn tâm toàn ý với công việc. Bởi vậy, năng suất lao động của Singapore rất cao, giá trị mà họ mang lại cho doanh nghiệp rất lớn.

Cũng một chuyên gia như vậy, nếu làm việc cho khối cơ quan nhà nước tại Việt Nam thì mức lương chỉ vài triệu đồng. Động lực về tiền lương và thu nhập chính đáng của cán bộ, công chức tại Việt Nam hiện đang rất yếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ, công chức thường tìm cách lợi dụng luật pháp để tiêu cực, nhũng nhiễu. Đồng thời, một bộ phận phải tìm cách có thêm thu nhập chính đáng khác, trong đó phần lớn là làm thêm công việc bên ngoài, dẫn tới trách nhiệm với việc công khó có thể chu toàn.

Một bài học nữa từ Singapore mà chúng ta cũng có thể tham khảo là họ giải quyết rất tốt tâm lý của cán bộ, công chức là muốn được thừa nhận và tôn vinh. Làm cho doanh nghiệp bên ngoài có thể có thu nhập cao hơn nhưng là “người nhà nước” thì sang hơn, được xã hội nể trọng hơn. Bởi vì, những “người nhà nước” ở Singapore từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu đã được định nghĩa là tầng lớp tinh hoa. Tầng lớp công chức tinh hoa tạo ra những chính sách đột phá cho sự phát triển của Singapore. Do đó, là “người nhà nước” tại Singapore không hoàn toàn là việc theo đuổi thu nhập, mà là theo đuổi việc được kính trọng.

Nhìn lại câu chuyện tại Việt Nam, trong suốt giai đoạn vừa qua, do những hạn chế về năng lực, trình độ, rồi những vụ tiêu cực trong tuyển dụng, hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”, “mua quan, bán chức”, tham nhũng bị phanh phui nên hình ảnh của cán bộ, công chức trong mắt xã hội không được tốt đẹp, thậm chí hay được vẽ biếm họa với đồng tiền, với đủ thói hư tật xấu. Điều đó đã ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của cán bộ, công chức. Cùng với thu nhập thấp thì tâm lý mệt mỏi, ức chế vì áp lực công việc cũng là một phần nguyên nhân khiến trong 3 năm qua có gần 40.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc để chuyển sang khu vực tư nhân. Thực trạng trên cũng ảnh hưởng tới mức độ thu hút người tài vào bộ máy quản lý hành chính.

Do đó, vào lúc này, rất cần những động lực, sự khích lệ để tạo hứng khởi cho đội ngũ cán bộ, công chức. Cần thêm những sự tôn vinh của xã hội đối với các cán bộ, công chức thực thi tốt nhiệm vụ. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, giải thưởng tôn vinh báo chí... nhưng dường như đang thiếu các giải thưởng để tôn vinh những cán bộ, công chức thực thi tốt nhiệm vụ, có các giải pháp, sáng kiến để cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Những cống hiến thầm lặng của cán bộ, công chức cần được xã hội biết tới, những thành tựu, giải pháp tốt trong công việc hành chính, quản trị công cần được xã hội tôn vinh, để từ đó, cán bộ, công chức thêm tự hào và có thêm động lực, trách nhiệm với công việc.

Chỉ khi hội đủ các điều kiện cần và đủ, việc thực thi pháp luật mới đạt hiệu quả cao nhất. Phải làm sao để việc thực hiện đúng quy định của pháp luật mang lại hiệu quả cho cả cái chung và cái riêng thì khi đó cán bộ, công chức sẽ có động lực làm việc, cống hiến, sẽ không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh sáng 16-4-2023, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lo ngại khi thực hiện công vụ.

Để giải quyết tình trạng này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, Bộ Chính trị đã đưa ra Kết luận số 14-KL/TW về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị để cán bộ yên tâm hành động vì lợi ích chung.

Từ đề nghị của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh có thể thấy, Kết luận số 14-KL/TW là một định hướng chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, để định hướng chính sách ấy được thực hiện trên thực tế cần phải có những quy định pháp luật cụ thể.

Trước mắt, để tháo gỡ tâm lý, nhằm giúp cán bộ, công chức yên tâm làm việc, TP Hồ Chí Minh sẽ lập các tổ công tác để kiểm tra, giám sát 38 dự án, công trình trọng điểm. Thành phần tổ kiểm tra, giám sát sẽ mời các ban, ngành liên quan, kể cả kiểm toán, nhằm hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ ngay những phát sinh từ thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời bảo đảm chặt chẽ, chống tiêu cực.

Đây là cách làm đầy sáng tạo của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề vẫn cần có các quy định pháp luật hợp lý, bởi bất cứ cơ quan, đơn vị, cá nhân nào cũng đều phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

(còn nữa)

HỒ QUANG PHƯƠNG - TS NGUYỄN SĨ DŨNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tac-nghen-phap-ly-can-dong-phat-trien-tai-sao-khoi-thong-cach-nao-bai-4-can-tao-dong-luc-cho-can-bo-cong-chuc-725561