Tắc nghẽn vùng biên Trung Quốc: Đề xuất thiết lập 'vùng đệm' để tránh thiệt hại lớn

Hiện việc tắc biên tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc khiến cho doanh nghiệp có nguy cơ thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng trong khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đã cận kề.

Thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến sáng ngày 21/12, tổng lượng xe hàng hóa tồn tại ở các cửa khẩu để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 6.300 xe. Thông tin từ phía bên kia Trung Quốc, lượng phương tiện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn khoảng hơn 3.000 xe.

Hiện, tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc, số cửa khẩu mở cho hàng hóa thông quan chỉ còn 6/71. Đáng chú ý, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), năng lực thông quan chỉ đạt 100 xe/ ngày (bình thường là 450 xe/ngày), riêng tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, do thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) tạm thời đóng cửa nên năng lực thông quan gần như bằng không.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên xuất phát từ phía Trung Quốc vẫn đang kiên quyết thực hiện chính sách "Zero Covid" (tức là không để xảy ra trường hợp nhiễm Covid-19 nào). Chính quyền các tỉnh Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam, Lào, Myanmar đều tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa.

Hàng hóa bị tắc lại vùng biên. Ảnh: TTXVN

Hàng hóa bị tắc lại vùng biên. Ảnh: TTXVN

Ban Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Quốc vụ viện Trung Quốc đã yêu cầu, từ ngày 24/12, lái xe Việt Nam và các nước ngoài nói chung đều không được phép vào biên giới Trung Quốc. Thậm chí, phía Trung Quốc còn ban hành chính sách "đóng biên tức thời" nếu phát hiện ra bất cứ trường hợp nào là lái xe hay nhân viên giao dịch tại các khu vực cửa khẩu của một trong hai nước bị nhiễm virus Sars-CoV-2.

Những điều này đã dẫn tới số lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sụt giảm mạnh, các bến bãi tại các cửa khẩu đều quá tải do lượng xe tắc cả ở chiều đi và chiều về.

Đặc biệt, mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80-90%) tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là nông sản và thủy sản. Với thời gian thông quan kéo dài tới 20-30 ngày như hiện nay thì hầu hết hàng hóa sẽ bị hỏng, không còn khả năng tiêu thụ, dự kiến phải đổ bỏ. Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thiệt hại có thể lên đến 2.000 tỷ đồng (trung bình 500 triệu đồng/xe x khoảng 4.000 xe hàng), chưa kể chi phí vận chuyển (trung bình 100 triệu đồng/xe).

Trong bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm, cũng là vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thông tin từ Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính - Ban IV), tình trạng quá tải ở bến bãi, cửa khẩu cùng với tốc độ thông quan chậm còn ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu khác, đặc biệt là hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước mà hiện nay các doanh nghiệp đang rất cần để gấp rút hoàn thành đơn hàng đã ký dịp cuối năm.

Một số tập đoàn sản xuất hàng điện tử lớn nhất Việt Nam cho biết, do linh kiện không thể nhập về qua cửa khẩu đường bộ theo kế hoạch nên các doanh nghiệp đã phải ứng phó tạm thời bằng cách vận chuyển qua đường hàng không với chi phí đắt hơn 76% (chưa tính phụ phí dịch bệnh 15%). Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng biện pháp này thì mức độ rủi ro bị chậm hàng, dừng hàng vẫn là rất cao, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lớn nếu phải dừng dây truyền sản xuất.

Đề xuất có một cuộc trao đổi cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc

Trong công văn hỏa tốc phát đi ngày hôm qua, 23/12, Ban IV đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp cấp bách liên quan tới vấn đề "ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt – Trung". Cụ thể, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt. Từ đó, 2 bên cùng nhau đưa ra giải pháp phù hợp với mục tiêu là khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe tồn tại các cửa khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu hai nước dần trở lại bình thường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, Ban IV cũng đề xuất Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc Covid ngay tại đầu vùng đệm.

Đối với hàng nông sản sắp thu hoạch và chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ, ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương khẩn trương thông tin, làm việc với các địa phương trên cả nước để dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn người nông dân trì hoãn thu hoạch (nếu có thể) hoặc tiếp tục bảo quản tại kho; Đẩy mạnh các hội nghị xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tìm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương ngày 23/12 cũng đã có công điện đề nghị UBND các tỉnh, TP tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Đồng thời trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang làm rất tốt.

Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu.../.

Nguyệt Minh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tac-nghen-vung-bien-trung-quoc-de-xuat-thiet-lap-vung-dem-de-tranh-thiet-hai-lon-20211224121018909.htm