Tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa: bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, tòa án hoàn toàn có thể cung cấp toàn bộ hình ảnh và diễn biến phiên tòa để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí. Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ngày 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong số này có Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Tại cuộc họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa, về việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Trả lời báo chí, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay, các hoạt động thông tin phải tuân theo quy định của pháp luật. Tương tự, các đối tượng tham gia phiên tòa, phiên họp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật cũng như nội quy phiên tòa. Việc này nhằm giúp cho phiên tòa, phiên họp được tiến hành đúng pháp luật, chất lượng, trang nghiêm; đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng. Đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung quy định này sẽ không hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí.

Khoản 3 Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định, việc ghi âm lời nói được thực hiện trong toàn bộ thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Luật cũng quy định Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

“Trong trường hợp cần thiết, báo chí yêu cầu cung cấp, tòa án hoàn toàn có thể cung cấp toàn bộ hình ảnh và diễn biến phiên tòa để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí. Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân” - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, trong trường hợp cần thiết, báo chí yêu cầu cung cấp, tòa án hoàn toàn có thể cung cấp toàn bộ hình ảnh và diễn biến phiên tòa để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí. Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, trong trường hợp cần thiết, báo chí yêu cầu cung cấp, tòa án hoàn toàn có thể cung cấp toàn bộ hình ảnh và diễn biến phiên tòa để phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí. Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Thành lập các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

Trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), một trong những điểm mới đáng chú ý, đó là Luật bổ sung quy định về việc thành lập các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt: Hành chính, Sở hữu trí tuệ và Phá sản.

Việc này được đánh giá nhằm bảo đảm tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản; bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính.

Trả lời báo chí về việc bao giờ ba tòa này được thành lập, cơ cấu tổ chức ra sao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, trên cơ sở số liệu từng loại vụ việc, tòa án có thẩm quyền giải quyết; điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, Tòa án nhân dân tối cao đang rà soát, nghiên cứu và sẽ xây dựng phương án đề xuất, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Sau đó, sẽ trình Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, có thể cho thành lập các tòa án này sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật phá sản được sửa đổi, bổ sung. Số lượng từng tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đặt trụ sở ở đâu, phạm vi thẩm quyền như thế nào, TAND Tối cao đang xây dựng phương án và đề xuất.

Điều 62 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính sơ thẩm vụ án hành chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh trở lên, trừ các vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh trở lên theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Tòa án nhân dân chuyên biệt Sở hữu trí tuệ sơ thẩm vụ việc về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; sơ thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Tòa án Nhân dân chuyên biệt Phá sản giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của TAND theo quy định của luật.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tac-nghiep-cua-bao-chi-tai-phien-toa-bao-ve-quyen-con-nguoi-quyen-cong-dan.html