Tác nghiệp tại 'tâm dịch' TP. Hồ Chí Minh: Chung sức, vững vàng trên trận tuyến phòng chống dịch
Vượt qua nỗi sợ dịch bệnh, đội ngũ những người làm báo trên ở thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực không ngừng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Trong hoàn cảnh tác nghiệp nhiều khó khăn nhưmng họ vẫn xung phong vào tâm dịch để có những hình ảnh, thước phim chân thật nhất gửi tới công chúng.
Tác nghiệp nơi “đầu sóng ngọn gió”
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Khi mà tất cả mọi người đều ở trong nhà, các hoạt động kinh doanh dịch vụ đều đóng cửa thì đội ngũ phóng viên, nhà báo trên địa bàn thành phố vẫn ngày đêm cập nhật tin tức hình ảnh về dịch bệnh đến hàng triệu bạn đọc khắp cả nước. Là phóng viên truyền hình, nhà báo Hồ Hằng, phóng viên cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh luôn phải đi để có hình ảnh, tư liệu thực tế, duy trì nhịp độ đưa tin hàng ngày. Chị luôn tâm niệm mùa dịch lượng thông tin người xem sẽ tăng hơn vì vậy càng phải làm nhiều hơn, chính xác và nhanh chóng hơn. Thậm chí càng có nhiều thông tin chính thống sẽ át đi những thông tin không đúng sự thật, tin giả gây hoang mang dư luận.
Nhà báo Hồ Hằng và đồng nghiệp tại cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh phỏng vấn y bác sỹ. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về vấn đề tác nghiệp, nhà báo Hồ Hằng cho hay, cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh luôn trang bị thiết bị và đồ bảo hộ đảm bảo yêu cầu cho mỗi phóng viên khi tác nghiệp, kể cả đến khu vực lấy mẫu, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid - 19. Tuy trong đợt dịch lần này chị có phần nuối tiếc khi nhiều điểm hạn chế không vào tác nghiệp được và không thể truyền tải được nhiều hình ảnh sinh động đa dạng tới khán giả. Nhưng sự nguy hiểm vẫn luôn rình rập, chị và đồng nghiệp lo lắng nhất là khi vào vùng có dịch mà trực tiếp phỏng vấn F1, hoặc vô tình phỏng vấn F0, những người không có biểu hiện gì, chưa lấy mẫu xét nghiệp.
Nhớ lại lần có nhiều rủi ro nhất, chị Hằng cho biết: "Đợt vừa rồi tôi có đi cùng một đoàn công tác để thực hiện nhiệm vụ vào khu cách ly cộng đồng tặng quà cùng lãnh đạo một quận, sau đó phát hiện họ đều là F1, tôi thành F2. Thời gian sau đó tôi chỉ ở nhà và ra bệnh viện xin làm xét nghiệm, khai báo y tế, cách ly tại nhà 2 tuần, chờ kết quả lần 1 lần 2, may mắn đều âm tính".
Suốt thời gian dịch bệnh bùng phát, gia đình có hai bé, cả hai bé đều phải “di tản” sang nhà ông bà chú bác ở cho an toàn, lâu lâu khi có kết quả xét nghiệm âm tính chị lại chạy sang với con một chút rồi lại về. Bình thường ngày nào chị và các con cũng gọi điện thoại để hỏi thăm nhau. Thời điểm dịch căng thẳng gần như cả tháng chị không qua gặp con được, một phần do công việc nhiều, phần vì muốn hạn chế tiếp xúc với gia đình.
Thắt chặt thêm tình đồng nghiệp
Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh bước vào đợt giãn cách nghiêm ngặt, việc tiếp xúc bị hạn chế, điều này ngược với công việc của người làm báo vốn phải đi để có thông tin, hình ảnh. Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn này, tình đồng nghiệp của đội ngũ những người làm báo lại được thắt chặt thêm. Không chỉ chia sẻ với nhau trong công việc, cùng tham dự đưa tin một sự kiện, mà trong đời sống hàng ngày họ còn cùng nhau chia sẻ với nhau từng hộp sữa, từng gói mì tôm để thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao.
N hà báo Hồ Hằng, phóng viên cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Nhà báo Hồ Hằng chia sẻ: Trong đợt dịch khó khăn này tôi thấy mình may mắn vì có sự hỗ trợ của các bạn đồng nghiệp ở trong và ngoài cơ quan. Làm truyền hình là một công việc của tập thể và mỗi người mỗi khâu phối hợp ăn ý để có tác phẩm báo chí sớm nhất. Có những thời điểm, chúng tôi chỉ có 1 giờ để dựng xong một phóng sự thì ngoài kỹ năng kinh nghiệm, điều quan trọng hơn tôi có sự giúp đỡ của đồng nghiệp, mọi người hiểu nhau giúp đỡ nhau khi khó khăn.
Dịch bệnh luôn nguy hiểm, khó lường, biến thể Delta là nguyên nhân làm tăng vọt số ca nhiễm… Trong cuộc chiến này dù còn nhiều thử thách ở phía trước nhà báo Hồ Hằng vẫn luôn giữ vững tư tưởng đi để ghi nhận thực tế, đi để giữ mạch thông tin thông suốt từng ngày. Chị xác định làm báo là phải yêu nghề và không được sợ khổ mới theo được nghề. Có thông tin thì đi tác nghiệp liền, không nghĩ đến nguy hiểm.
“Bật” chế độ sẵn sàng lên đường
Trực tiếp xâm nhập thực tế, luôn có mặt tại những điểm nóng của dịch bệnh để phản ánh thông tin chính xác và chân thực nhất là nhiệm vụ của nhà báo Tiểu Anh - Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV) tại TP. Hồ Chí Minh. Chị luôn “bật” chế độ sẵn sàng, chế độ “báo động đỏ” để tác chiến bất kỳ lúc nào. Như một người lính với tư thế ra trận. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này, chị tăng "công suất" làm việc lên gấp nhiều lần, để kịp thời đưa tin tức tới bạn đọc.
“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh thường xuyên, đều đặn tổ chức các cuộc họp thông tin về Covid-19 cho các phóng viên, cơ quan báo đài, vì vậy chúng tôi phải làm việc ở Trung tâm Báo chí TPHCM từ 8-9 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Có khi vừa ăn mì gói, vừa uống nước lọc để gõ bài. Ròng rã nhiều ngày như thế, lắm lúc tôi chỉ muốn buông tay nhưng chỉ cần thấy các đồng nghiệp ở báo khác làm việc cần mẫn, xuất bản tin bài sớm là tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn”, nhà báo Tiểu Anh tâm sự.
Những ngày tháng “ăn ngủ cùng Covid-19”, hai điều quan trọng nhất đối với nhà báo Tiểu Anh chính là tác nghiệp nhanh, hiệu quả nhưng an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Chị thực hiện theo đúng khẩu hiệu của kênh truyền hình ANTV, là “nhân văn, tin cậy, kịp thời”, nên việc chạy đua với nguồn tin khiến chị và đồng nghiệp càng phải nỗ lực và cố gắng hơn.
Nhà báo Tiểu Anh - Truyền hình Công an Nhân dân phỏng vấn người dân. Ảnh: ANTV
Áp lực thông tin trong mùa dịch tăng lên, tin giả bủa vây, trong hoàn cảnh đó nhà báo Tiểu Anh thường xuyên tiếp cận các nguồn tin chính thống. Như website của Sở Y tế thành phố, Bộ Y tế… để có được những thông tin chính xác nhất. Để tạo ra sự đa dạng về tin tức, phóng sự chị cũng luôn tìm kiếm đề tài hấp dẫn riêng, có nguồn tin riêng của bản thân, để nó luôn nóng, có sức hút và đảm bảo tính xây dựng.
Nhắc đến kỷ niệm tác nghiệp, nhà báo Tiểu Anh nói rằng, không thể nào quên được lần tác nghiệp tại khu chạy thận dành cho bệnh nhân trong khu phong tỏa để ghi hình. Mặc dù được trang bị đồ bảo hộ rất kỹ và quay phim qua lớp kính, tuy nhiên khi có thông tin 1 bạn trong đoàn có tiếp xúc với F1 khiến chị lo lắng. Nỗi lo lớn nhất của chị không phải là việc bản thân bị mắc Covid-19 mà là việc mình trở thành nguồn lây nhiễm virus nguy hiểm cho những bệnh nhân chạy thận phía bên trong.
Thời điểm dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh bùng phát, để xét nghiệm test nhanh Covid-19 nhưng cũng phải chờ 2-3 ngày mới có kết quả. Và rồi, may mắn cũng đến khi chị nhận trên tay kết quả xét nghiệm âm tính. Nhà báo Tiểu Anh nhớ lại thời điểm đó: “Tôi áy náy khi nghĩ đến gia đình những người bệnh đang nằm trong bệnh viện, các anh chị bác sĩ đã hỗ trợ mình, chẳng may họ bị lây nhiễm Covid-19 thì sẽ rất nguy hiểm. Nghĩ lại mà tôi vẫn cảm thấy sợ bởi khoảng thời gian đó thật kinh khủng, nó tra tấn tinh thần tôi, cảm giác đó còn sợ hơn cả mắc bệnh”.
Có thể thấy, cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 được ví như cuộc chiến chống kẻ thù vô hình và rất nguy hiểm. Giữa trận chiến khắc nghiệt này, chỉ có những ai dấn thân vào cuộc mới có thể thấu hiểu. Và chính sự cống hiến hết mình với công việc, những nhà báo đang ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh nói riêng và đội ngũ người làm báo cả nước nói chung đã góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận, chung lòng, điều này làm nên những pháo đài vững chắc trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.