Tác phẩm 'Bình Ngô đại cáo' mỗi sách viết một kiểu, hiểu sao cho đúng?
Giáo viên đứng lớp phản ánh, nội dung tác phẩm 'Bình Ngô đại cáo' của đại thi hào Nguyễn Trãi mỗi sách viết một kiểu gây băn khoăn.
Một số giáo viên trên cả nước phản ánh với người viết rằng, Bài 7 - Anh hùng và nghệ sĩ (văn bản nghị luận - tác giả Nguyễn Trãi) trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, Tập 2, bộ Chân trời sáng tạo (Nguyễn Thành Thi - Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) có một số nội dung cần được rà soát lại thật nghiêm túc, nhất là tác phẩm "Bình Ngô đại cáo".
"Tác giả" hay "tác gia" Nguyễn Trãi?
Một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trang 29 sách giáo khoa viết không thống nhất về Nguyễn Trãi, lúc thì tác giả, lúc thì tác gia. "Phải viết 'tác gia' Nguyễn Trãi mới chính xác", giáo viên này khẳng định.
Người viết - giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông, đồng tình với ý kiến của giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh: sách giáo khoa phải viết tác gia Nguyễn Trãi.
Theo từ điển Tiếng Việt, tác giả: “là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học nào đó”. Còn tác gia: “là tác giả lớn, có tác phẩm gây ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội”.
Sách giáo khoa Ngữ văn 10, Tập 2 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, viết tác gia Nguyễn Trãi (văn bản 1), trang 6, là chính xác.
Về tác gia Nguyễn Trãi, nhà thơ đã để lại một khối lượng sáng tác lớn với nhiều tác phẩm có giá trị, bao gồm những tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và Dư địa chí (bộ sách địa lí cổ của Việt Nam). Riêng "Bình Ngô đại cáo được coi là "một áng thiên cổ hùng văn", là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc ta.
Một số chi tiết trong tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" mỗi sách viết một kiểu
Một giáo viên ở Tiền giang cho biết: "Tuần rồi tôi dạy bài 'Bình Ngô đại cáo' (bộ sách Chân trời sáng tạo), tôi băn khoăn chỗ câu 'Ai bảo thần dân chịu được?'.
Từ bé tôi học, chỗ này là 'Ai bảo thần nhân chịu được'. Lên đại học, thầy tôi, vốn giỏi chữ Hán, dịch là 'thần nhân', nghĩa là “thần và người”. Các bộ sách văn học, ngữ văn trước đây đều ghi là 'thần nhân'.
Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - bộ Cánh Diều (Lã Nhâm Thìn - Đỗ Ngọc Thống - đồng Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Huế); bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Bùi Mạnh Hùng - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cũng ghi là 'thần nhân'.
Để 'chắc ăn', tôi tìm bản chữ Hán của tác phẩm này để xem và lấy quyển từ điển Hán- Việt ra tra. Chắc chắn là 'thần người đều căm giận' (Ai bảo thần nhân chịu được).
Điều đáng nói là các tác giả sách giáo khoa tôi liệt kê trên đều lấy bản dịch của dịch giả Bùi Kỷ. Vậy thì có chỗ vênh, 'thần nhân' so với 'thần dân'.
Tôi tặc lưỡi: thì chắc 'thần dân' cũng có nghĩa là 'thần' và 'người' thôi chứ không phải 'thần dân' có nghĩa là 'dân chúng' (trong quan hệ với vua), đây là cách dùng từ thôi chứ không phải là lỗi đánh máy. Và hy vọng điều tôi nghĩ là đúng."
Người viết tìm hiểu thì được biết, sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chương trình 2006, Phan Trọng Luận - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng ghi "Ai bảo thần nhân chịu được".
Cũng theo giáo viên ở Tiền Giang, bài "Bình Ngô đại cáo" có câu: "Năm ấy tháng ấy, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang".
"Bản dịch này lạ quá! Tôi bị học sinh truy vấn và chẳng biết trả lời sao. 'Năm ấy tháng Mười' (không phải năm ấy tháng ấy - tác giả chú thích) mà. Xưa nay các bản dịch đều vậy.
Nguyên văn tiếng Hán (âm Hán Việt) là 'Bản niên thập nguyệt Mộc Thạnh hựu phân đồ tự Vân Nam nhi lai'. 'Thập nguyệt' là tháng 10", giáo viên này cho biết thêm.
Liên quan đến sách giáo khoa Ngữ văn 10 - bộ Chân trời sáng tạo, ghi: "Năm ấy tháng ấy, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang", người viết tra cứu thì được biết, sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chương trình 2006, sách giáo khoa Ngữ văn 10 - bộ Cánh Diều và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đều ghi: "Năm ấy tháng Mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang".
Điều băn khoăn, sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chương trình 2006, sách giáo khoa Ngữ văn 10 - bộ Cánh Diều và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đều dẫn nguồn: "Theo bản dịch của Bùi Kỷ" (có sách ghi Bùi Kỉ) nhưng nội dung văn bản thì có chỗ khác nhau - như đã dẫn.
Theo tìm hiểu của người viết, từ bản dịch đầu tiên của tác giả Trần Trọng Kim năm 1916 đến nay, "Bình Ngô đại cáo" có rất nhiều bản dịch khác nhau, có thể chia làm ba loại:
Thứ nhất do từng tác giả tự dịch và ghi rõ tên tuổi của mình, chiếm số lượng rất lớn;
Thứ hai, bản mà lâu nay ta vẫn gọi là do Bùi Kỷ dịch hoặc do người đời sau dựa vào bản gọi là của Bùi Kỷ để dịch và hiệu đính;
Thứ ba, tổng hợp các bản dịch từ trước tới nay và đối chiếu với nguyên văn chữ Hán để sửa chữa, thay đổi, hiệu chỉnh…, số lượng không nhiều.
Đó có thể là lí do khiến nội dung tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" mỗi sách viết một kiểu.
Tuy vậy, "Bình Ngô đại cáo" được xem như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc (sau “Nam quốc sơn hà” – Lý Thường Kiệt, và trước “Tuyên ngôn độc lập” – Hồ Chí Minh) thì cần phải viết chuẩn xác nội dung giữa các bộ sách giáo khoa với nhau.
Hơn nữa, "Bình Ngô đại cáo" là một trong những tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018, liên quan đến việc thi cử của học sinh thời gian tới nên các tác giả sách giáo khoa và nhà xuất bản cần nhanh chóng rà soát, chỉnh lí sao cho nhất quán.
Ngoài ra, một số giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, cách thiết kế các chủ đề trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - bộ Chân trời sáng tạo, theo kiểu viết ngược khiến họ rất khó chịu.
"Đừng gọi: Bài 7 - Anh hùng và nghệ sĩ, mà hãy gọi là Bài 7 - Văn bản nghị luận - Tác gia Nguyễn Trãi, rồi xuống hàng, cho vào ngoặc đơn () dòng chữ Anh hùng và nghệ sĩ", một giáo viên dẫn ví dụ và nêu ý kiến.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một số giáo viên dạy môn Ngữ văn được tác giả Hương Ly ghi. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.