Tác phẩm dự thi Giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024: Bứt phá thu hút đầu tư tại Nam Định: 'Quả ngọt' từ nghị quyết đúng và trúng (Kỳ I)

Trên bản đồ thu hút đầu tư (THĐT) ở khu vực miền Bắc từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, bên cạnh các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang thì Nam Định được xem là một nhân tố mới nổi bật với những dấu ấn bứt tốc ngoạn mục. Từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Nam Định đã trở thành địa chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp, tập đoàn chiến lược, có quy mô hoạt động toàn cầu tìm đến đầu tư, tạo ra động lực và cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai.

Những kết quả ấy có được từ những chủ trương, chính sách, nghị quyết đúng và trúng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; những quyết sách hợp lý trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh đã được Trung ương đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện; cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất, sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân tạo nên khối đoàn kết vững chắc với sức mạnh tổng hợp phá băng những lực cản, đúng như tinh thần chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công cầu qua sông Đào (thành phố Nam Định).

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công cầu qua sông Đào (thành phố Nam Định).

Kỳ I:Từ Nghị quyết mở đường

Tại Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển "phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước", Đại hội đã nhất trí đề ra 3 khâu đột phá, trong đó khâu đột phá thứ hai là "đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển phía Nam của tỉnh."

Nghị quyết sau đó được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết chuyên đề toàn khóa theo các lĩnh vực, nhiệm vụ; trong đó về công tác THĐT để tìm kiếm nguồn lực lớn, đủ mạnh như những "quả đấm thép" có thể tạo nên đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT giai đoạn 2021-2025. Với tầm nhìn dài hạn và mục tiêu rõ ràng, Nghị quyết 04-NQ/TU đã xác lập lộ trình cụ thể cho công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, THĐT; đã thực sự biến những lợi thế của Nam Định thành lợi ích kinh tế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, đặc biệt là "biến không thành có" trong THĐT, đưa tỉnh trở thành một điểm đến hấp dẫn, sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức trong thời kỳ mới.

Yêu cầu từ thực tiễn

Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là vị trí thuận tiện trong kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định sở hữu nhiều lợi thế như nền công nghiệp truyền thống, tài nguyên du lịch và ngành nghề nổi bật như dệt may, dược phẩm, chế biến gỗ, nông sản phong phú. Tỉnh còn có 72km bờ biển, một khu RAMSAR với tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế trên biển và ven biển.

Giai đoạn 2011-2020, kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định có bước phát triển với quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong vùng ĐBSH, quy mô kinh tế của Nam Định còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa có nhân tố đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu (GRDP tỉnh tăng bình quân 6,64%/năm); Thu ngân sách thấp nên tỉnh cũng bị hạn chế nguồn lực cho tái đầu tư phát triển. Quy mô vốn đầu tư còn thấp (chỉ chiếm gần 4% trong tổng vốn đầu tư của vùng ĐBSH).

Đánh giá chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng các địa phương trong cả nước cho thấy, Nam Định có nhiều điểm bất lợi về cơ sở hạ tầng nhất trong khu vực ĐBSH, đặc biệt là hạ tầng KCN và hạ tầng giao thông đường bộ. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là số lượng dự án đầu tư FDI còn khiêm tốn (chỉ chiếm 1,1% trong tổng số dự án của toàn vùng ĐBSH). Hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động còn thấp so với trung bình các tỉnh; trong khi khoảng cách so với các tỉnh phát triển trong vùng ĐBSH đang có xu hướng tăng lên. Liên kết kinh tế còn yếu, vai trò của những nhóm ngành nghề thế mạnh truyền thống như dệt may, dược phẩm, chế biến gỗ còn mờ nhạt trong chuỗi giá trị sản xuất trong nước cũng như cho xuất khẩu. Các yếu tố như vốn, lao động, công nghệ, kỹ thuật, trình độ nhân lực, đất đai tài nguyên thiên nhiên, cơ hội, môi trường kinh tế - xã hội, năng lực tiêu dùng, hợp tác kinh tế quốc tế còn chưa được khai thác và phát triển trọng điểm để tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 còn những tồn tại, hạn chế; công tác quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư còn chậm. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong hỗ trợ nhà đầu tư còn lúng túng, chưa chặt chẽ. Những hạn chế này cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để khắc phục.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về phương án đầu tư các công trình hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về phương án đầu tư các công trình hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghị quyết dẫn đường

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nêu tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy: "Để tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế, Nam Định xác định công tác xúc tiến, THĐT là rất quan trọng; trong đó, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo quyết liệt".

Nghị quyết 04-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT giai đoạn 2021-2025 là 1 trong 6 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, thực sự tạo đột phá về phát triển kinh tế. Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Trung ương (nhất là tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; và các Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, một trong những trọng tâm chính sách quan trọng của Chính phủ từ năm 2014 với loạt Nghị quyết 19 trong giai đoạn 2014-2018 và những năm sau đó là loạt Nghị quyết 02 đã khẳng định rõ nét vai trò định hướng chiến lược do đã đưa ra tầm nhìn dài hạn, giúp định hướng mục tiêu Nam Định cần đạt được trong đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT; từ đó các cấp chính quyền, ngành chức năng, các tổ chức liên quan và toàn thể nhân dân có thể thống nhất hướng đi và thực thi theo một lộ trình nhất quán.

Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 là "kim chỉ nam" cho Nam Định trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT. Với tinh thần quyết liệt, tư duy đổi mới và định hướng chiến lược, Nghị quyết 04-NQ/TU là động lực mạnh mẽ giúp tỉnh thay đổi, tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức và hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững.

Nghị quyết 04-NQ/TU đặt ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2021-2025, Nam Định sẽ phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút các dự án có vốn lớn, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Về mục tiêu cụ thể, Nam Định phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tổng vốn THĐT trên địa bàn tỉnh đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,0 tỷ USD, đầu tư trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết 04-NQ/TU cũng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm giúp các cấp lãnh đạo, cán bộ, và nhân dân có động lực, niềm tin, và ý chí chuyển hóa khát vọng, mục tiêu thành các hành động cụ thể, đó là: Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới hoạt động xúc tiến và THĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính, xúc tiến và THĐT; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nghị quyết 04-NQ/TU thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh Nam Định quyết tâm đổi mới để nâng cấp toàn diện môi trường đầu tư, kinh doanh và đầu tư của tỉnh, nâng cao chất lượng THĐT, thúc đẩy phát triển tỉnh và nâng cao đời sống nhân dân. Nghị quyết 04-NQ/TU yêu cầu người đứng đầu các cấp phải chủ động nâng cao vai trò lãnh đạo, tính năng động, trong thực hiện quản lý hành chính và THĐT, từ đó đảm bảo sự linh hoạt và tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là một bước chuyển quan trọng trong việc hiện đại hóa quản lý, nhằm đảm bảo việc thực thi cải cách hành chính và THĐT không chỉ nằm ở hệ thống mà còn dựa vào cá nhân chịu trách nhiệm chính, mang lại tính linh hoạt, tính tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu quả điều hành; buộc các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng, đặc biệt là các lãnh đạo từ cấp tỉnh phải tiên phong, thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm cao hơn về kết quả, giúp quá trình cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng THĐT của tỉnh.

Công tác giải phóng mặt bằng luôn được tỉnh ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Công tác giải phóng mặt bằng luôn được tỉnh ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Sau khi Nghị quyết 04-NQ/TU được thông qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16/7/2021 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu theo đúng định hướng, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết và đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết. Để thực hiện kịp thời, hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 04-NQ/TU, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh. Nhằm bảo đảm tính linh hoạt, thích ứng, hàng năm UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình, bối cảnh thực tế để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và THĐT.

Tinh thần chỉ đạo, chủ trương của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được các huyện, thành phố, các xã, thị trấn trong tỉnh cụ thể hóa bằng các Nghị quyết của mình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu của địa phương.

(còn nữa), Nhóm tác giả

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202410/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-nam-2024-but-pha-thu-hut-dau-tu-tai-namdinh-quangot-tu-nghiquyet-dung-va-trung-ky-i-bda00ee/