'Tác phong đi trễ về sớm, đến điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc'

Ông Mai Thiên Ân cho rằng còn nhiều người lao động Việt Nam chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu… nên khó tăng năng suất lao động.

Tại diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào sáng 26-5, ông Mai Thiên Ân, đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP.HCM), khẳng định thực tế đã chứng minh để có năng suất lao động cao, người lao động (NLĐ) trong nước cần rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động.

Có NLĐ còn lấy sản phẩm công ty đi bán

Ông Ân cho rằng doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu thì đòi hỏi NLĐ phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. NLĐ muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều NLĐ, đặc biệt là anh chị em công nhân chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.

“Cụ thể, NLĐ không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả.

Thậm chí có NLĐ lấy sản phẩm công ty để bán ra ngoài thị trường như trường hợp một doanh nghiệp ở phía Nam gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng uy tín công ty, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến văn hóa và con người Việt Nam…” - ông Ân dẫn chứng.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Mai Thiên Ân cho biết doanh nghiệp mình đang triển khai nhiều giải pháp rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động của NLĐ. Chẳng hạn, tổ chức các buổi học ngoại khóa về “thay đổi tư duy”, “tác phong công nghiệp” cho NLĐ để tăng cường tính “tự chủ bản thân”.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng khen thưởng, tuyên dương NLĐ tuân thủ kỷ luật và xây dựng ý thức tự chấp hành cho nhân viên. “Nhưng về lâu dài chúng ta cần xây dựng ý thức cho NLĐ ngay từ ghế nhà trường” - ông Ân đề nghị.

 Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024. Ảnh: P.PHONG

Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024. Ảnh: P.PHONG

Trong khi đó, chị Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng mọi NLĐ đi làm đều quan tâm tới tiền lương. NLĐ dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỉ lệ nhảy việc cao, 8-12% mỗi tháng ở các ngành đông lao động.

Trong quan hệ kinh tế, NLĐ nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.

“Một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng một tháng 100 công nhân liên tục ra vào. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất…” - chị Lan cho hay.

Vì vậy, chị Phạm Thu Lan đề xuất muốn tăng năng suất lao động cần “xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng”. Song song đó, cần lựa chọn nhà đầu tư tiên tiến, chất lượng, có tính tuân thủ pháp luật cao để đóng góp nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Nâng cao chất lượng dạy nghề

Khẳng định những ý kiến tại diễn đàn phản ánh rõ khó khăn trong tăng năng suất lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp và tiếp thu tối đa các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của đoàn viên, NLĐ.

Theo Thủ tướng, lịch sử kinh tế thế giới chứng minh năng suất lao động là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển.

Nhà Lãnh tụ cộng sản vĩ đại Karl Marx đã từng khẳng định: "Năng suất lao động là cái đảm bảo cho sự thắng lợi của trật tự xã hội này đối với một trật tự xã hội khác. Gần đây, Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: "Năng suất không phải là tất cả nhưng nó gần như là tất cả".

 Thủ tướng tặng quà cho người lao động tiêu biểu tại diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024. Ảnh: P.PHONG

Thủ tướng tặng quà cho người lao động tiêu biểu tại diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024. Ảnh: P.PHONG

Xác định được tầm quan trọng của tăng năng suất lao động, Nghị quyết Đại hội Đảng các khóa đều đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội. Chính phủ đã cụ thể hóa bằng việc phê duyệt các chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.

Hiện năng suất lao động nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập. Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động trong nước tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

“Kết quả trên đây là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…” - Thủ tướng chỉ rõ.

Mặc dù có sự cải thiện nhưng người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5% mỗi năm.

Năng suất lao động Việt Nam năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức công đoàn tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động. Trong đó, ông lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Cạnh đó, phải đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.

Trong nước cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao tỉ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp.

Mặt khác, theo Thủ tướng, doanh nghiệp cần chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tac-phong-di-tre-ve-som-den-diem-danh-roi-an-sang-uong-tra-gay-dinh-tre-cong-viec-post792557.html