Tắc tiền duy tu, sửa chữa hơn 1.800 cầu yếu: Nguy cơ tai nạn giao thông
Ngoài cầu Long Biên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện có tới 1.800 cầu đường sắt kết hợp cầu đường bộ nhiều năm tuổi trên cả nước đang bị 'tắc' tiền duy tu, sửa chữa cả quý I/2021 ở Bộ GTVT.
Là cầu yếu với tuổi thọ hơn 40 năm, nhưng do nằm trên tuyến QL1A nên hằng ngày, cầu Đuống vẫn phải gánh cả vạn lượt ô tô, xe máy đi qua. Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay (gần 4 tháng), cầu Đuống chưa nhận được một đồng kinh phí duy tu, bảo dưỡng nào từ ngân sách theo quy định.
Có mặt trên cầu Đuống ngày 12/4, chúng tôi ghi nhận, mỗi khi có ô tô, xe buýt đi qua, cầu lại rung lên bần bật, do bị rung lắc mạnh nên mặt đường bộ 2 bên cầu bị nứt, rách nhiều vị trí. Vì không được xử lý kịp thời nên các vị trí nứt, rách này đang hình thành các ổ gà, ổ trâu. Hiện 2 cả hai làn đường đi bộ tại cầu Đuống, chúng tôi thống kê có cả chục vị trí mặt nhựa đường bong bật, lõm sâu, có chỗ trơ cả lõi thép. Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, do mặt cầu xấu nên thời gian qua khi tham gia giao thông trên cầu, nhiều người đã bẻ tay lái gấp phương tiện để tránh, hoặc bất ngờ sa vào ổ gà dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông.
Tại tầng 1 cầu Thăng Long, làn xe ở giữa được bố trí đường sắt lưu thông, làn đường 2 bên cánh gà được dành cho xe máy, xe đạp. Thông thường, quý I hằng năm, toàn bộ mặt cầu và hệ thống trụ, giằng sắt trên cầu Thăng Long sẽ được gia cố, duy tu và sơn chống gỉ. Nhưng năm nay, các nội dung công việc theo kế hoạch chưa được đơn vị quản lý cầu thực hiện do chưa có kinh phí bảo trì.
Tình trạng này cũng đang xảy ra với hàng trăm đường sắt kết hợp đường bộ trên cả nước, trong đó có cầu Long Biên, Hà Nội (báo Tiền Phong đã có bài phản ánh trong tuần qua), cầu Việt Trì (Phú Thọ), cầu Hàm Rồng, cầu Bến Thủy (Nghệ An), cầu Trường Tiền (Huế)… Tại cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), tuy có cầu Hàm Rồng mới (cầu Hoàng Long), nhưng hiện cầu này vẫn là cầu lưu thông duy nhất của đường sắt Bắc - Nam, làn đường hai bên cánh gà vẫn phục vụ ô tô con, xe máy, xe đạp đi qua. Do chưa có kinh phí duy tu nên từ đầu năm đến nay, hệ thống trụ, giàn thép đảm bảo an toàn chưa được sơn chống gỉ tại nhiều vị trí theo kế hoạch.
Đại diện VNR cho biết, cả nước hiện có trên 1.800 cầu đường sắt. Ngoài nhiều năm tuổi, hầu hết các cầu này đang kết hợp khai thác song song giữa đường sắt và đường bộ, do vậy để hạn chế xuống cấp nhanh, hệ thống cầu này cần được duy tu, bổ dưỡng hằng tháng.
Đơn vị quản lý cầu Hàm Rồng là Cty CP Đường sắt Thanh Hóa (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam - VNR) cho biết, hiện mỗi năm cầu được Bộ GTVT duyệt chi cho khoản ngân sách bảo trì hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay đơn vị vẫn chưa được tạm ứng số tiền này. “Việc này đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, duy tu sửa chữa và đảm bảo giao thông đi lại trên cầu, trong đó có việc chạy tàu”, ông Đinh Duy Vinh, Giám đốc Cty CP Đường sắt Thanh Hóa, nói.
Chậm hoàn thiện hồ sơ, phải ứng tiền khắc phục
Ngày 12/4, đề cập việc duy tu, sửa chữa cho 1.800 cầu đường sắt, đại diện VNR nói rằng, đơn vị đang duy trì tốt việc chạy tàu trên các cầu này. Tuy nhiên, việc duy tu, sửa chữa những vị trí hư hỏng ở phần đường bộ và xử lý tránh xuống cấp đang gặp khó khăn do nguồn kinh phí duy tu thường xuyên bị chậm gần 4 tháng nay.
Theo đại diện VNR, năm 2020 VNR được Bộ GTVT duyệt chi cho khoảng 2.800 tỷ đồng tiền duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống đường sắt; năm nay đã tháng 4 nhưng nguồn kinh phí này vẫn chưa được giải ngân theo nhu cầu công việc. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều cầu có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hoặc sửa chữa đồng bộ như gia cố trụ, giàn thép, sơn chống gỉ, thảm lại mặt cầu… trong năm 2021 đến nay vẫn chưa thực hiện được”, đại diện ngành đường sắt nói.
Ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT, cho rằng, toàn bộ nguồn kinh phí duy tu năm 2021 cho ngành đường sắt đã được Bộ GTVT duyệt chi, nhưng do VNR đã được chuyển về Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước, không còn là một đơn vị của Bộ GTVT, nên để chuyển được số ngân sách này, VNR và đại diện Bộ GTVT là Cục Đường sắt phải có hợp đồng công việc. Tuy nhiên, do VNR chưa cử đại diện pháp lý ký hợp đồng với Bộ GTVT nên Bộ chưa có cơ sở để giải ngân.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các vướng mắc trên chỉ là thủ tục, trong khi số tiền đã được duyệt và trước sau cũng phải chi, nếu chi chậm, ngân sách nhà nước được sử dụng không hiệu quả, ông Minh cho biết, cùng với yêu cầu VNR cử đại diện lên ký hợp đồng, Bộ GTVT cũng vừa có văn bản đề nghị VNR tiếp tục đảm bảo an toàn chạy tàu, giao thông đi lại trên các cầu đường sắt theo cam kết. Nếu vẫn chậm ký hợp đồng, VNR phải ứng các nguồn kinh phí huy động ra để sửa chữa, khắc phục, không để việc chạy tàu, giao thông bị đình trệ, mất an toàn. Về sau, khi các thủ tục pháp lý đã xong, Bộ GTVT sẽ căn cứ vào đó để giải ngân các khối lượng đã thực hiện.