Tách bạch lãnh đạo, doanh nghiệp không được 'câu giờ'
Quy định công ty đại chúng phải tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc đã có hiệu lực gần 1 tháng, nhưng đến nay, thông tin từ hai sở giao dịch chứng khoán cho thấy, hiện còn cả trăm công ty chưa tuân thủ.
Hàng trăm doanh nghiệp chưa tuân thủ
Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, các công ty đại chúng phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1/3 thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập và nhân sự không được kiêm nhiệm đồng thời cả chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc. Đây là thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới nhằm đảm bảo tách bạch chức năng của hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp.
Thực tế, ở rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, chủ tịch hội đồng quản trị thường kiêm luôn vị trí tổng giám đốc.
Nghị định 71/2017 có hiệu lực thi hành từ 1/8/2017, tuy nhiên, quy định tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc có hiệu lực muộn hơn 3 năm. Lý do là nhà quản lý dành cho các doanh nghiệp thời gian đủ dài để chuẩn bị nhân sự cho việc thực hiện tách bạch hai chức danh chủ chốt.
Mùa đại hội cổ đông năm nay đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp công bố chủ tịch, tổng giám đốc mới, sau nhiều năm ở chế độ “2 trong 1”.
Thế nhưng, sau gần 1 tháng kể từ khi quy định này chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020), theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hiện vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định này.
Trong đó, số doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và giao dịch cổ phiếu trên UPCoM là 92. Còn trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), có khoảng 10 doanh nghiệp.
Có thể kể đến một số doanh nghiệp như Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG-HNX), CTCP Pymepharco (PME- HOSE), CTCP Xây dựng công trình giao thông Bến Tre (TBT- UPCoM), CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC- UPCoM)…
Không chỉ nắm giữ 2 vị trí quan trọng tại doanh nghiệp, có những “sếp” còn đóng vai trò “3 trong 1” khi đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị PME…
Điều đó càng khiến nhà đầu tư có lý do để lo ngại tình trạng quá tập trung quyền lực vào tay một người dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền của lãnh đạo doanh nghiệp, không đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cổ đông, các nhóm cổ đông…
Đi tìm câu trả lời cho hiện trạng vì sao doanh nghiệp đến nay chưa tuân thủ quy định về tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị với chức danh tổng giám đốc thì được biết có nhiều nguyên nhân.
Trong số các doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định này, phần nhiều là các công ty nhỏ, chất lượng quản trị còn nhiều yếu kém. Một số doanh nghiệp mới lên sàn, nên sự am hiểu cũng như tính chủ động tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán còn hạn chế.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Biểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) cho biết, do cứ nghĩ chưa hết thời hạn 3 năm như quy định tại Nghị định 71/2017, nên VIG chưa tuân thủ.
Mặt khác, VIG đang trong quá trình tái cấu trúc, trong đó có hướng đến tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, nên để bộ máy đơn giản và tập trung quyền lực nhằm tạo thuận lợi cho việc đàm phán, thỏa thuận chuyển nhượng Công ty.
“Tuy nhiên, nay sau khi kiểm tra lại quy định pháp lý, VIG sẽ tuân thủ bất kể tìm hay chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng. Chúng tôi sẽ triệu tập họp hội đồng quản trị để thông qua việc bổ nhiệm tổng giám đốc từ nguồn nhân sự hiện nắm giữ chức phó tổng giám đốc. Đây là lãnh đạo đã có nhiều năm gắn bó, am hiểu Công ty, nên VIG không gặp khó khăn cũng như rủi ro trong bổ nhiệm nhân sự đảm đương chức danh tổng giám đốc…”, ông Biểu nói.
Chậm tách bạch, doanh nghiệp đối mặt với… án phạt
Đến thời điểm này, để thúc đẩy doanh nghiệp sớm khắc phục tình trạng chưa tuân thủ quy định tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị với tổng giám đốc, HOSE và HNX đã vào cuộc đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp.
Mới đây, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE đã ký công văn 1201/SGHCM-NY gửi CTCP Pymepharco (PME) nhắc nhở, yêu cầu Công ty tuân thủ Nghị định 71/2017 và giải trình do qua rà soát, đến ngày 10/8/2020, HOSE phát hiện chủ tịch hội đồng quản trị vẫn kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc.
Sau bước đi trên, các đơn vị tổ chức thị trường kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nhận diện được lỗi vi phạm, để tự giác tuân thủ.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, sau giai đoạn nhắc nhở mà các doanh nghiệp vẫn không tuân thủ quy định, thì UBCK sẽ phối hợp với HOSE và HNX để củng cố hồ sơ làm căn cứ cho ra quyết định xử phạt, nhằm đảm bảo tính răn đe.
Theo quy định hiện hành, với hành vi không tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị với tổng giám đốc, doanh nghiệp đối diện với mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng tùy tính chất, mức độ vi phạm.
Tinh thần của nhà quản lý là cực chẳng đã mới phải áp dụng các biện pháp xử phạt. Do vậy, điều quan trọng lúc này là các doanh nghiệp cần khẩn trương giải trình rõ với nhà đầu tư, thị trường, cũng như nhà quản lý về nguyên nhân chậm trễ tuân thủ, đồng thời tích cực tìm kiếm nhân sự để thực hiện tách bạch hai chức danh này theo đúng quy định.