Tách thửa được 'cởi trói', thị trường nhà đất Lâm Đồng bật tăng

Thị trường nhà đất Lâm Đồng đã trải qua một giai đoạn vô cùng u ám sau thời sốt đất điên cuồng rồi 'đổ dốc không phanh'. Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần khởi sắc hơn sau khi các lệnh cấm tách thửa, phân lô bán nền dần được 'cởi trói'.

Sở Tư pháp Lâm Đồng vừa gửi văn bản đến Sở Xây dựng báo cáo về giá bán, cho thuê nhà ở và một số bất động sản khác trong quý II/2023 trên địa bàn toàn tỉnh. Các con số cho thấy giao dịch nhà đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có dấu hiệu bật tăng trở lại.

Thị trường “ấm” trở lại

Cụ thể, theo thống kê của Sở Tư pháp, với số liệu tổng hợp từ 34/34 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, trong quý II/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5.499 giao dịch (bán) nhà ở riêng lẻ, chung cư, đất nền và nhà ở xã hội.

So với quý I/2023, số lượng giao dịch bất động sản trong quý II trên địa bàn tỉnh tăng mạnh hơn 1.957 giao dịch (quý I có 3.542 giao dịch), trong đó số lượng giao dịch đất nền tăng cao nhất trong 3 tháng qua, với 5.160 lô (tăng 1.914 giao dịch), nhà ở riêng lẻ 327 căn (tăng 40 giao dịch), chung cư là 8 căn.

Trong tổng số các giao dịch bất động sản nói trên, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ cao nhất diễn ra ở huyện Đức Trọng với 100 giao dịch, tiếp theo TP.Đà Lạt có 92 giao dịch, TP.Bảo Lộc có 69 giao dịch, huyện Bảo Lâm có 54 giao dịch.

Thị trường nhà đất Lâm Đồng đang có dấu hiệu ấm trở lại, mang lại hy vọng cho nhà đầu tư chờ "thoát hàng".

Thị trường nhà đất Lâm Đồng đang có dấu hiệu ấm trở lại, mang lại hy vọng cho nhà đầu tư chờ "thoát hàng".

Với đất nền, huyện Bảo Lâm là quán quân với 1.523 giao dịch, tiếp theo là các huyện Lâm Hà có 775 giao dịch, huyện Di Linh: 647, huyện Đức Trọng: 614, TP.Bảo Lộc: 611, TP.Đà Lạt: 360… Trong khi đó, số lượng giao dịch bất động sản cho thuê văn phòng, mặt bằng thương mại, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và nhà ở xã hội trong quý II là 278 giao dịch.

Cần nhấn mạnh, dấu hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản Lâm Đồng diễn ra không lâu sau khi các lệnh cấm tách thửa, phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh chính thức được gỡ bỏ sau gần 2 năm. Đây rõ ràng là tín hiệu rất tích cực với các nhà đầu tư đang “ôm hàng” và mắc kẹt.

Chia sẻ với Vnbusiness, anh Lâm Hữu Phước, một môi giới được mệnh danh là “thổ địa” tại Lâm Đồng, cho hay sau sốt giá, hiện giá đất nền vùng ven TP.Đà Lạt hay các khu vực “hot” như Bảo Lộc, Bảo Lâm… đang dao động từ 7-15 triệu đồng/m2. Các khu vực xa trung tâm dao động ở mức vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Cơ hội “thoát hàng” mở ra?

“Chỉ cần chi khoảng 3 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể sở hữu lô đất đẹp, đường ô tô chạy vào tận nhà, view trực tiếp ra hồ. Mức giá hiện tại đã giảm 10 – 20% so với giai đoạn đỉnh sốt, nhưng vẫn cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm trước năm 2019. Để bán nhanh, nhà đầu tư cần chấp nhận giảm thêm”, anh Phước phân tích.

Cũng theo anh Phước, các thông tin về hạ tầng, đặc biệt là lệnh siết tách thửa được gỡ bỏ phần nào đó sẽ tác động tích cực vào thị trường chung. Tuy nhiên, quan trọng nhất lúc này vẫn là niềm tin của nhà đầu tư. Sau thời gian dài trầm lắng, nhiều nhà đầu tư đang mất niềm tin trầm trọng vào các loại đất phân lô, đất nông nghiệp, đất rừng…, những loại hình chiếm đa số ở Lâm Đồng.

Chưa kể, nhiều nhà đầu tư có tiền mặt nhưng vẫn đợi giảm giá thêm, khiến thị trường khó cải thiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên, anh Phước hy vọng những tín hiệu tích cực từ thị trường sau lệnh “cởi trói” tách thửa, phân lô bán nền sẽ tác động tốt hơn vào tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới.

Không chỉ giới “cò”, các nhà đầu tư nhà đất đang mắc kẹt tại Đà Lạt cũng đang đặt kỳ vọng rất lớn vào một làn sóng mới trên thị trường bất động sản, mở ra cơ hội thoát hàng vào cuối năm 2023, trong bối cảnh… “sức cùng, lực kiệt”.

Gần 6 tháng qua, anh Lê Đình Vũ (TP.HCM) đứng ngồi không yên bởi chưa thể tìm được người mua lại lô đất có diện tích gần 300 m2 ở khu vực phường Lộc Tiến, TP.Bảo Lộc, giá gốc 3,1 tỷ đồng.

“Thực tế, với mặt bằng giá hiện tại nếu bán được thì tôi vẫn có lãi. Nhưng thanh khoản "đóng băng", khách cứ đến rồi đi vì mong giá giảm thêm. Hy vọng thời gian tới, khi thị trường ấm lại, tôi có thể thoát được hàng và giá cũng ổn hơn”, anh Vũ chia sẻ.

Một thông tin tích cực khác với các nhà đầu tư, không chỉ ở Lâm Đồng mà cả những tỉnh khác, là việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với hàng loạt điểm mới, trong đó cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền mà không phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng.

Thực tế cho thấy, việc địa phương được tự quyết phân lô bán nền phần nào sẽ đem lại những tín hiệu tích cực, và sự khởi sắc trên thị trường nhà đất Lâm Đồng thời gian qua là một minh chứng. Tuy nhiên, để trở thành đòn bẩy khiến thị trường nhà đất ở tỉnh “ấm” trở lại, theo giới phân tích, là điều rất khó.

Vì vậy, để thị trường bớt ảm đạm, cần sự “xuống nước” từ cả hai phía. Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, trong năm 2023, thị trường có cơ hội nhưng khá mờ, thời cơ có thể chỉ thực sự chín muồi trong năm 2024.

Đất nền vẫn sẽ là phân khúc có khả năng sinh lời cao nhưng hiện không dành cho số đông và cần chọn lọc kỹ. Các nhà đầu tư đang “ôm” đất cần nghiêm túc cân nhắc việc giảm lãi, thậm chí bán lỗ để thoát hàng, thay vì cố vay lãi để cầm cự vì có thể sa lầy sâu hơn, khó cứu vãn.

Với nhà đầu tư mới, đất nền đang là cơ hội rất tốt cho người có sẵn tiền mặt. Các nhà đầu tư "tay ngang" không nên nhảy vào hoặc nếu muốn thì cần dòng tiền dài hạn, tầm nhìn 3-5 năm.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/tach-thua-duoc-apos-coi-troi-apos-thi-truong-nha-dat-lam-dong-bat-tang-1093622.html