Hòa Bình là nơi có sự phát hiện đầu tiên và nhiều nhất các di tích khảo cổ học thuộc Văn hóa Hòa Bình - một văn hóa khảo cổ nổi tiếng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Bước sang sơ kỳ thời đại đồ đá mới, với sự ra đời của kỹ thuật mài và tiếp xúc với các nhóm nông nghiệp xung quanh, cư dân tiền sử không chỉ săn bắt, hái lượm mà đã biết sử dụng lửa để làm chín thức ăn, sử dụng đồ gốm…
Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có vị trí quan trọng là vùng chuyển tiếp từ vùng đồng bằng lên miền núi, chính đặc điểm này đã ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển không gian văn hóa của đất và người nơi đây. Từ những đặc điểm về địa hình và sông ngòi cùng với sự tác động của khí hậu đến địa hình thông qua quá trình cac-xtơ hóa đã tạo nên các hang động, đồng thời hình thành nên các đồng bằng nhỏ xen kẽ các dãy núi tạo nên một vùng đất cổ với hệ động, thực vật phong phú. Do vậy, ngay từ thời tiền sử, con người đã sinh tụ trên mảnh đất Hòa Bình, để lại một nền văn hóa nổi tiếng: Văn hóa Hòa Bình.
Vùng đất Cao Sơn (trước là xã Cao Răm) huyện Lương Sơn có 4 di tích quốc gia gồm: hang Chổ, hang Núi Sáng, động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng… Nơi đây không chỉ chứa đựng nhiều dấu tích của người xưa mà còn giữ nét văn hóa cộng đồng bao đời nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số di tích Văn hóa Hòa Bình (VHHB) tại tỉnh Hòa Bình có trên 120 di tích. Về niên đại của VHHB được chia làm 3 thời kỳ: Niên đại Hòa Bình sớm, hay tiền Hòa Bình, có niên đại trên 30.000 - 20.000 năm cách ngày nay (Hòa Bình chưa tìm thấy di tích nằm trong khung niên đại này); niên đại của Hòa Bình giữa, hay Hòa Bình chính thống có niên đại trên 20.000 năm đến trên 10.000 năm cách ngày nay. Ở Hòa Bình ít loại di tích nhóm này, tiêu biểu là mái đá Làng Vành, hang Khoài, hang xóm Trại; niên đại Hòa Bình muộn, khoảng trên 10.000 năm đến 7.000 - 7.500 năm cách ngày nay, nhóm này Hòa Bình chiếm đa phần.