Ngày 26/11/2024, dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, quan điểm ngành phân bón cần 'được' nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) ngày càng được nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội ủng hộ.
Ngoài yếu tố thời tiết, người nông dân ngày nay đã có thể chủ động trong việc cải tạo đất, giống cây trồng, nước tưới, kiểm soát sâu bệnh... nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào phân bón. Thực tế, chi phí phân bón chiếm khá lớn trong tổng chi phí đầu vào của một vụ thu hoạch. Người nông dân có thể chấp nhận bỏ công làm lời, hưởng thành quả sau những nỗ lực của bản thân và gia đình. Nhưng phân bón là nguồn dinh dưỡng chính không thể thiếu đối với bất kỳ loại cây trái, hoa màu nào, nên việc giá phân bón liên tục tăng giá và neo ở mức cao khiến người nông dân gặp khó khăn.
Khi phân bón 'bị' đưa vào danh mục các mặt hàng không chịu thuế, đồng nghĩa với toàn bộ thuế GTGT đầu vào sản xuất không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá bán.
Sản xuất nông nghiệp ngày nay đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, sử dụng máy móc để thay thế sức người. Tuy nhiên, nghề nông vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, đất đai, nước tưới, giống, sâu bệnh, phân bón… để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, phân bón là một trong những yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định đến năng suất, chi phí đầu tư.