Tại ải, tại ai?

Lần cuối cùng mà khán giả TPHCM được xem một trận đấu của đội tuyển quốc gia là vào tháng 6-2017, khi tiếp Jordan trong khuôn khổ vòng loại Asian 2019. Một tháng sau, là các trận vòng loại U23 châu Á. Nhưng từ đó đến nay, không có thêm trận đấu nào nữa.

Hầu hết các trận đấu của đội tuyển U23 Việt Nam và Đội tuyển quốc gia Việt Nam đều diễn ra ở Hà Nội.

Hầu hết các trận đấu của đội tuyển U23 Việt Nam và Đội tuyển quốc gia Việt Nam đều diễn ra ở Hà Nội.

Hạ tầng chính là cản trở

Nếu để ý thì sẽ thấy các trận cuối cùng của U23 và tuyển quốc gia tại sân Thống Nhất đều diễn ra trước khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam. Hay nói đúng hơn, đó là thời điểm mà bóng đá Việt Nam hãy còn kém thu hút sự chú ý. Thế nhưng kể từ sau các kỳ tích U23 châu Á, AFF Cup và Asian Cup thì sức hút của các đội bóng do ông Park dẫn dắt đã vượt quá khả năng tổ chức của những sân bóng địa phương, nhất là với TPHCM.

Làm một phép so sánh nhỏ: Tổng lượng khán giả đến xem 3 trận đấu của đội U23 do HLV Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt đá vòng loại U23 châu Á hồi năm 2017 chỉ là 31.000 người. Trận cao nhất là gặp Hàn Quốc tranh vị trí nhất bảng, có 18.000 khán giả đến sân Thống Nhất cổ vũ đội tuyển. Cũng cần lưu ý, thời điểm đó U23 Việt Nam đã được hâm mộ rất nhiều với dàn cầu thủ đến từ HA.GL, vốn từng làm kín sân Thống Nhất hồi còn đá U19.

Thế nhưng, 3 trận đấu ở vòng loại U23 châu Á hồi tháng 3 năm nay ở sân Mỹ Đình (Hà Nội) lại đón một số lượng khổng lồ: 72.000 khán giả. Trong đó, trận đá với Indonesia có hơn 28.000 người, còn trận quyết đấu với Thái Lan thì sân Mỹ Đình 40.000 chỗ ngồi chật cứng. Trong khi đó, đây chỉ là U22 có bổ sung một số ít ngôi sao từ tuyển quốc gia.

Như vậy, xét về sức chứa thì sân Thống Nhất ở TPHCM không đáp ứng được yêu cầu của nhà tổ chức, cụ thể ở đây là VFF đang muốn thu hút thêm các nguồn tài chính, trong đó có doanh thu từ bán vé.

Để tổ chức một trận bóng đá chính thức ở cấp độ châu Á thì ngoài những yếu tố “cứng” đạt chuẩn trong thi đấu (mặt cỏ, ánh sáng, phòng chức năng…) thì có vô số yêu cầu “mềm” liên quan đến công tác phục vụ, đến nguồn thu lớn từ “cầu thủ thứ 12”. Hiện nay, sân Thống Nhất đã quá lỗi thời về hạ tầng. Bao quanh sân là 4 con đường dân sinh, vốn chỉ đủ cho nhu cầu giao thông nhưng quá thiếu cho các đòi hỏi về an toàn, an ninh. Ngay cả khoảng không gian nằm trong khuôn viên sân nhằm để giải tán người khi gặp sự cố cũng quá chật chội. Bản thân sân Thống Nhất vốn kiêm nhiệm nhiều chức năng của một trung tâm thể thao cấp thành phố chứ không đơn thuần phục vụ bóng đá.

Nói đơn giản thì nếu bây giờ, chỉ tầm đội tuyển U23, thì sân Thống Nhất thi đấu cũng có thể đối diện với nguy cơ vỡ sân.

Sân Thống Nhất ít khi được đăng cai các trận đấu của đội tuyển.

Sân Thống Nhất ít khi được đăng cai các trận đấu của đội tuyển.

Gián tiếp sa sút vì danh tiếng

Công bằng mà nói, với sức chứa từ 17.000 đến 22.000 (tùy cách phát hành vé) thì sân Thống Nhất vẫn có thể tổ chức hoàn chỉnh các trận đấu quốc tế có đẳng cấp FIFA. Các vấn đề về an toàn, an ninh đều có thể giải quyết. Tuy nhiên, có một trở ngại chính từ nội tại của làng cầu TPHCM khiến việc đưa các trận đấu của đội tuyển về đây trở nên khó khăn. Tức là vấn đề danh tiếng.

Ngoài TPHCM thì Cần Thơ hay Đà Nẵng, Hải Phòng… đều đủ điều kiện tổ chức do có sân bay quốc tế và hạ tầng lưu trú. Tất nhiên là CĐV ở đâu thì cũng như nhau. Từ trước đến nay, mặc định sân Thống Nhất là “sân nhà thứ 2” của đội tuyển cũng vì vai trò của TPHCM trong làng cầu cả nước. Từ năm 1995, thời điểm mà sân Thống Nhất tổ chức Cúp quốc tế Độc Lập đến nay, cũng chưa có nơi nào đăng cai nhiều giải quốc tế nhiều như TPHCM.

Một thời gian dài, với giải đấu quốc tế TPHCM mở rộng, chính sân Thống Nhất mới là nơi để đội tuyển Việt Nam rèn tập. Sự hơn hẳn về năng lực tổ chức, điều kiện sân bãi và đặc biệt là khả năng thu hút tài trợ, quảng cáo ở TPHCM tạo ra lợi thế rõ rệt so với các địa phương khác.

Nhưng nhiều năm gần đây, sân Thống Nhất không còn là điểm đến bóng đá quen thuộc của người Sài Gòn, khi các đại diện của thành phố không có kết quả tốt tại V-League. Chỉ mới năm ngoái, sân Thống Nhất mới đầu tư cho mặt cỏ và tu sửa khán đài nhờ dấu hiệu khởi sắc từ đội bóng TPHCM.

Tuy nhiên, các yếu tố như sân tập luyện hay sự quan tâm của khán giả vẫn còn kém xa so với ngày trước. Bên cạnh đó, đã rất lâu rồi những người làm bóng đá TPHCM không còn tổ chức giải quốc tế có tiền thưởng cao để mời đội tuyển Việt Nam vào thi đấu. Mặc dù cũng có ông Trần Anh Tú, Chủ tịch của LĐBĐ TPHCM hiện diện ở vai trò thường trực tại VFF nhưng so với trước đây thì quá ít ỏi, nên phần nào đó, khi đưa ra các biểu quyết về chọn địa điểm thi đấu cho đội tuyển, cũng khó có cơ sở để đưa về TPHCM thay vì Hải Phòng hay Đà Nẵng.

Cái gì để lâu qua cũng dần bị lãng quên, đây là điều dùng để nói về danh tiếng của bóng đá TPHCM hiện nay.

Mỗi năm đội tuyển cũng thi đấu không quá nhiều các trận đấu tại Việt Nam nên cũng khó mà phân chia cho đều giữa sân Mỹ Đình và các sân tại địa phương. Ví dụ như năm 2018, đội tuyển chỉ đá đúng 1 trận giao hữu tại Việt Nam, sau đó là đá AFF Cup 2018. Phần lớn thời gian là tập huấn nước ngoài. Cũng trong năm ngoái, VFF chỉ tổ chức 1 giải giao hữu để phục vụ cho việc tham dự Asiad 2018 dành cho đội U23. Năm 2019 này cũng thế, tính đến nay đội tuyển quốc gia chưa có một trận giao hữu nào do kín lịch của V-League trong khi U23 thì có duy nhất 1 trận giao hữu tại… Phú Thọ.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://thethao.sggp.org.vn/tai-ai-tai-ai-610459.html