Tái bản bộ sử đồ sộ 'Đại Nam thực lục'
Bộ sách lịch sử 'Đại Nam thực lục' được tái bản lần thứ hai dày gần 10.000 trang, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả, các thư viện ở trong và ngoài nước.
Ngày 2/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Nhà Xuất bản Hà Nội và Công ty cổ phần Tri thức Văn hóa sách Việt Nam tổ chức kỷ niệm 60 năm ấn phẩm tiếng Việt bộ sử “Đại Nam thực lục” ra mắt lần đầu tiên (1962-2022) và ra mắt bộ sách tái bản lần hai “Đại Nam thực lục - 10 tập”.
Tái bản lần này, Nhà Xuất bản Hà Nội giữ nguyên cấu trúc 10 tập, dày gần 10.000 trang, khổ 16x24cm, in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp, hình thức bắt mắt và trang trọng.
Bộ sách “Đại Nam thực lục” tái bản lần 2 ra mắt ngày 2/6. Ảnh: Báo Văn hóa
Bộ sách “Đại Nam thực lục” tiền biên và chính biên do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có 560 quyển, là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. Đây là bộ sử được thực hiện trong gần 90 năm (1821 - 1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế, cũng là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn.
“Đại Nam thực lục” chính biên biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tấu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình, được các vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son gọi là châu bản, bản phó được Nội các sao chép và chuyển cho Quốc Sử quán để làm tư liệu biên soạn sách Thực lục nên khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.
Với nguồn tài liệu chính thống được cung cấp nguyên bản và đầy đủ, “Đại Nam thực lục” không những chỉ viết về vua, chúa Nguyễn mà ghi lại hoạt động của triều đình, đất nước, xã hội đương thời một cách chân thực.
“Đại Nam thực lục” cho biết đầy đủ kinh tế -xã hội Việt Nam thế kỷ XIX. Đó là những chính sách lớn trong việc hoạch định, phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, khai thác và khẳng định chủ quyền biển đảo, những bài học về thi cử, bổ nhiệm, thăng/giáng chức...
Đây là nguồn sử liệu chính thống hàng đầu trong việc nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ 19; cung cấp những tư liệu khoa học và pháp lý hữu ích trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển và bảo vệ chủ quyển lãnh thổ.
Bộ sách được biên soạn theo phương pháp biên niên nên rất dễ để tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chí và có khả năng tái hiện diện mạo lịch sử theo lát cắt của thời gian.
Các nhà khoa học tham quan khu trưng bày bộ sách. Ảnh: Báo Nhân Dân
Lễ ra mắt bộ sách Đại Nam thực lục. Ảnh: VNN
Không gian triển lãm tư liệu Quốc Sử quán triều Nguyễn với việc biên soạn, khắc in bộ “Đại Nam thực lục”. Ảnh: Báo Văn hóa
Những năm 1960, Viện Sử học đã tập hợp các nhà Hán học uyên bác như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương... để dịch và hiệu đính. Năm 1962, Viện Sử học xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt (tập 1) bộ “Đại Nam thực lục” và phải mất 16 năm mới thực hiện xong 38 tập.
Việc tái bản bộ sách “Đại Nam thực lục” sẽ góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử thời Nguyễn, đồng thời qua đó nâng cao và lan tỏa hơn nữa niềm yêu thích về lịch sử văn hóa Việt Nam.
Cùng với sự kiện ra mắt bộ sách “Đại Nam thực lục”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức triển lãm tư liệu Quốc Sử Quán triều Nguyễn với việc biên soạn, khắc in bộ “Đại Nam thực lục” tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-ban-bo-su-do-so-dai-nam-thuc-luc-post197571.html