Tái bản tiểu thuyết thiếu nhi kinh điển 'Không gia đình' với diện mạo mới
Là bộ sách kinh điển từng được hàng triệu bạn đọc khắp thế giới yêu mến, 'Không gia đình' đã được xuất bản rất nhiều lần ở Việt Nam, do các nhà xuất bản khác nhau thực hiện. Năm nay, Omega Plus bổ sung thêm vào 'bộ sưu tập' 'Không gia đình' tiếng Việt một ấn bản mới với nhiều nét độc đáo.
Điểm đặc biệt nhất của tiểu thuyết “Không gia đình” được Omega Plus tái bản là sử dụng bản dịch hoàn chỉnh nhất hiện nay của cố GS Huỳnh Lý - một bản dịch nhuần nhị, giàu chất văn chương với văn phong thuần Việt và giàu xúc cảm. Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Lý là nhà nghiên cứu, dịch thuật văn học nổi tiếng, một nhà giáo lão thành, nặng lòng với thế hệ trẻ và đã từng dịch thành công rất nhiều tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng, trong đó có “Những người khốn khổ”…
Bản in lần này có kèm theo 50 tranh minh họa sinh động, trong đó có bộ tranh do E. Bayard vẽ với hơn 100 tranh trong bản in tiếng Pháp năm 1880. Đây được coi là bộ tranh minh họa đầu tiên, nổi tiếng và công phu nhất của “Không gia đình”.
Bìa sách được thiết kế mới, theo phong cách khác biệt: được gia công thẩm mỹ với gáy giả, dập nổi, phủ bóng tên sách cùng các họa tiết chính. Bìa vừa có nét riêng lại được thiết kế đồng bộ với Tủ sách Văn học kinh điển Thế giới, thuộc Tủ sách Đời người của Omega Plus - dự án tinh tuyển 100+ cuốn sách cho các gia đình Việt.
Xuất bản lần đầu năm 1878, tiểu thuyết “Không gia đình” của văn hào Hector Malot đã trở thành người bạn thân thiết của thiếu nhi không chỉ ở Pháp mà còn trên khắp thế giới. Tác phẩm vinh dự giành được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp. Bộ tiểu thuyết đã được dịch lại và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới, cũng như nhiều lần được dựng thành phim.
“Không gia đình” được đánh giá là kiệt tác của nhân loại và là một trong những những tác phẩm kinh điển trong Tủ sách Đời người của Omega Plus - dự án tinh tuyển 100+ cuốn sách cho các gia đình Việt.
Tác giả của cuốn sách là Hector Malot (1830-1907) - một văn hào người Pháp. Ông sinh ra ở miền bắc nước Pháp, học luật ở Rouen và Paris và đã từng làm việc cho một văn phòng luật sư. Niềm đam mê lớn nhất đời ông là văn học. Hector Malot nổi tiếng với những tác phẩm giàu tính giáo dục và nhân văn, như “Không gia đình”, “Trong gia đình”, “Pompon”, “Romain Kalbris”... Trong các tiểu thuyết của Hector Malot, “Không gia đình” nổi tiếng hơn cả.
Nội dung câu chuyện nói về cuộc đời éo le của cậu bé mồ côi Rémi, cậu được đem về nuôi tại một gia đình ở vùng Sa-va-nông. Tại đây, Rémi rất may mắn khi được mẹ nuôi Barberin thương yêu và chăm sóc như là con ruột của bà vậy. Do bị tai nạn và những vụ kiện tụng không thành công, ông Barberin vốn dĩ ngay từ đầu đã không có tình thương dành cho Rémi nên tìm cách đem bán cậu cho ông bầu Vitalis - chủ của một gánh xiếc rong, kể từ đó cuộc đời không gia đình của Rémi bước sang một trang mới.
Hai người đã đi lang thang khắp mọi miền nước Anh và Pháp trình diễn xiếc để kiếm sống. Rémi được tiếp xúc với nhiều kiểu người, sống khắp mọi nơi, nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương. Em tự lập từ khi còn rất nhỏ, không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có lúc em và cả đoàn xiếclang thang suốt mấy ngày không có chút gì trong bụng. Đã có lúc em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có lúc em mắc oan, bị giải ra trước tòa án và bị ở tù. Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm...
Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của cụ Vitalis giữ phẩm chất làm người, ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không dối trá, gian xảo, có lòng biết ơn, luôn luôn muốn làm người có ích. Cuối cùng em cũng tìm được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc sau này.
Tiểu thuyết “Không gia đình” ban đầu là một tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhưng sau này đã chứng tỏ sức hút đối với bạn đọc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Cuốn tiểu thuyết mang ý nghĩa nhân văn và tính giáo dục sâu sắc, bên trong cách kể chuyện giản dị, gần gũi nhưng chạm đến trái tim độc giả, được nhiều thế hệ cha mẹ chọn lựa cho con mình đọc, cùng với “Tâm hồn cao thượng”, “Những tấm lòng cao cả”…